Gánh bún suông cực hiếm ở Sài Gòn truyền nhau đến 3 đời và lời đồn nấu bún từ con đuông khiến nhiều người cực tò mò
Một cái gánh nhỏ nằm trên vỉa hè, không bảng hiệu nhưng đã phục vụ không biết bao nhiêu bữa sáng cho thực khách mấy chục năm qua.
Nói về các món ăn kết hợp với bún ở 3 miền của nước ta thì nhiều vô kể. Ở miền Bắc có bún thang được xem như hàng "top", miền Trung nổi tiếng với bún bò và về đến đất miền Tây có bún nước lèo đậm mùi mắm. Nhưng ngoài các loại món bún quen thuộc, hiếm hoi ở Sài Gòn có một nơi tồn tại gánh bún gia truyền đã qua 3 đời, mang đến không biết bao nhiêu bữa sáng cho mọi người mấy chục năm qua.
Gia đình này bán món bún suông, cái tên khá lạ lẫm và gây tò mò cho mọi người. Theo tìm hiểu, món này không nghe nhắc nhiều Sài Gòn vì nó vốn xuất xứ từ Trà Vinh, được lý giải là trong thành phần "topping" có một con hình dạng giống như con đuông trên cây dừa nên đọc trại lại thành suông.
Được dịp ghé qua và thưởng thức xem gia đình này nấu bún đặc biệt cỡ nào mà duy trì truyền thống được đến 3 đời.
Gánh bún không thương hiệu nhưng đã qua 3 đời tiếp nối, vài tiếng trong một buổi sáng là hết sạch
Nằm trong con hẻm trên đường Bến Vân Đồn tại Quận 4, một trong những quận nổi tiếng về sự đa dạng ẩm thực tại TP.HCM. Bà chủ của gánh bún suông này là cô Nương - con dâu kiêm người kế nhiệm đời thứ 3 giữ gìn hàng ăn truyền thống của gia đình nhà chồng.
Cô Nương tiết lộ lúc trước gia đình chồng cô có đến mấy gánh bún bán ở khắp nơi, nhưng vì hiện tại ai cũng đã "về hưu" nên chỉ còn cô tiếp nối. Tuổi đời của món ăn này ở gia đình cô tính từ đời bà nội chồng, đến má chồng và cô là đời thứ 3. Riêng cô Nương, từ thời mới về phụ giúp đến ngồi bán chính luôn là hơn 30 năm.
Tô bún suông vô cùng phong phú với tôm luộc, giò, thịt heo, khô mực, huyết và suông dai giòn
Gia đình chồng của cô Nương gốc ở Sài Gòn nên cô cũng chỉ biết món này đã được bà và mẹ bán rất lâu năm. Về sau được má chồng truyền lại công thức cho ra bán chính, cô vẫn quyết định giữ y nguyên cái gánh bún và ngồi ở chỗ cũ. Do đó, dù khách hàng có ra vô tấp nập thì hàng bún của cô cũng chỉ treo cái bảng nhỏ ghi "Bán bún suông" và nhờ khách thông cảm vì chỗ ngồi eo hẹp chứ không thay đổi chỗ bán hoặc đặt tên thương hiệu.
Chuyên bán cho khách ăn sớm trước khi đi làm nên từ 6 giờ sáng cô Nương đã dọn hàng ra, nhưng chỉ vài tiếng đến tầm 9 giờ có khi đã hết. Vậy nên ai muốn thưởng thức phải chịu khó tìm đến sớm một chút.
LỜI ĐỒN BÚN SUÔNG LÀM TỪ CON ĐUÔNG DỪA?
Nghe cái tên bún suông làm cho nhiều người không khỏi liên tưởng đến con đuông dừa béo tròn, đặc sản ít ai dám thử của miền Tây. Vì vậy mà món ăn này càng thu hút sự tò mò của mọi người đến trải nghiệm. Ban đầu, thoạt nhìn hình dạng món suông của cô Nương cũng thấy tạo hình khá giống con đuông dừa một chút.
Thực chất, miếng suông ở đây làm từ thịt tôm bằm ra rồi quết lại với bột, tạo hình thế nào là do người làm ra nó, khi luộc lên căng đầy trông rất bắt mắt và có độ dai dẻo khi ăn vô cùng lạ miệng. Vốn dĩ học lại công thức và bí quyết từ má chồng nên cô Nương vẫn giữ y nguyên như thế từ trước đến giờ. Cô Nương cho biết mỗi ngày chỉ riêng suông là bán từ 5 đến 6 kí và cô phải dậy từ khuya để chuẩn bị để đảm bảo độ tươi.
TÔ BÚN CỰC PHONG PHÚ VỚI TOPPING ĐẾN 5 LOẠI
Nồi nước lèo nghi ngút khói trên quang gánh của cô Nương cũng khiến nhiều người phải trầm trồ vì khô mực, huyết và mỡ nổi ngập ngụa. Nước dùng được nấu từ nước dừa tươi, nước luộc thịt và tôm nên có vị ngọt vô cùng tự nhiên. Phần mỡ nổi được thả vào để tạo độ béo từ từ nhưng không quá ngậy, mở nổi vì ăn béo bùi nên nhiều khách cũng gọi thêm.
Phần mở nổi ngập trong nồi tạo độ béo cho nước lèo nhưng không gây ngậy, ngược lại ai ăn quen còn rất thích
Sau khi trần bún qua với nước sôi, cô Nương nêm thêm tương đen và nước mắm để cân bằng lại vị ngọt của nước dùng cho hợp vị. Ngoài suông là điểm đặc sắc của món ăn này, trong tô bún của cô Nương còn có thêm thịt heo, xương heo, tôm luộc, huyết, da heo trông vô cùng hấp dẫn. Một tô bình thường với thịt sẽ có giá 40.000 đồng, ai thích ăn thêm xương hoặc giò thì 50.000 đồng.
Rau ăn kèm phong phú không kém với giá hẹ, rau muống, bắp chuối bào, để ra đĩa riêng. Ngoài ra, nước chấm ở quán cô Nương cũng khiến nhiều người phải thắc mắc khi kết hợp giữa nước me và tương đen đã qua pha chế. Nhưng để giải thích hương vị nó hòa quyện với suông đặc biệt như thế nào thì thực khách phải cất công đến thử mới rõ.
Quán nhỏ, diện tích hạn chế và cũng chỉ có mình cô Nương loay hoay cho ra thành phẩm nên không kết hợp với các bên giao hàng công nghệ. Do đó, khách muốn thưởng thức phải "chịu khó" đi sớm hoặc ghé qua mua về dùng.