"Gái ế vì không tìm được người tử tế" chủ động đứng dậy đi tìm và chọn được "vàng mười"
Sang tuổi "băm" vẫn quyết định đi du học, cô gái truyền thống đã học được nhiều điều và tìm được người đàn ông tử tế cho đời mình...
Profile:
Tâm Nguyễn – Cousins
- Đang theo học bậc Tiến sĩ năm cuối tại trường The Open University, UK.
- Trợ lý dự án nghiên cứu về Giáo dục để thay đổi hành vi quản lý tài chính và nâng cao năng lực Tài chính cá nhân tại trường được một tổ chức thuộc chính phủ Anh tài trợ.
- Dành giải Nhất bài viết của Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tham dự hội thảo European Social Marketing 2018 tại Bỉ.
- Từng làm part-time trợ lý Giám đốc công ty More Impex UK Ltd tại UK. - Hỗ trợ, tư vấn cho học sinh, sinh viên Việt Nam muốn tìm kiếm các cơ hội đi du học tại UK.
"Gái ế chưa tìm được người tử tế"
Trước khi đi du học, Tâm làm phụ trách về mảng PR trong một công ty cổ phần lớn tại Hà Nội chuyên về logistics. Ngoài thời gian đi làm cô có khá nhiều thời gian rảnh buổi tối và cuối tuần để làm những gì mình thích. Nói chung cuộc sống của Tâm yên bình nhưng tẻ nhạt, cô cả ngày đọc truyện ngôn tình rồi mộng mơ.
Hồi đó, cuộc sống của Tâm còn khá áp lực, bởi bước sang tuổi "hâm lăm hâm sáu" mà chưa có mảnh tình vắt vai. Sợ nhất là mỗi lần về quê, gặp anh em họ hàng, ai cũng hỏi han, giục nhắc. Dù chỉ là những câu hỏi han thông thường, nhưng thực sự khiến Tâm vô cùng cảm thấy ngột ngạt. Còn nữa, cô nàng liên tiếp bị "khủng bố" với những câu chuyện liên quan đến hậu quả của lấy chồng muộn. Một số người Tâm quen biết còn được khuyến khích tặc lưỡi lấy ai đó để được tiếng "có chồng".
Thế rồi khi công ty có một vài biến động về nhân sự, Tâm quyết định đi du học. Cô chia sẻ: "Lúc đó mình vừa bước sang tuổi 29. Khi ra đi mình không hề định hình tương lai sẽ thế nào. Mình chỉ mong được ra ngoài khám phá thế giới. Muốn thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ và áp lực vì 'gái ế chưa tìm thấy người tử tế' để lập gia đình. Thời điểm đó mình đã nghĩ bây giờ hoặc không bao giờ".
Quyết định của cô vấp phải sự phản đối kịch liệt của bố mẹ và bạn bè. Ai cũng lo lắng cho tương lai con gái đã sang tuổi "băm". Người thì bảo nên, người thì bảo không nên. Có người còn nói phụ nữ học nhiều cũng chẳng để làm gì, học cao rồi đi học về nhiều tuổi sẽ khó lấy chồng, đàn ông không thích vợ học cao hơn mình… Nhưng rồi Tâm đã nghe theo sự thúc giục của con tim và lý trí. Sau khi tìm hiểu du học Anh không quá đắt đỏ như mình từng nghĩ, với số tiền tích góp được trong 7 năm đi làm cùng với suất học bổng từ trường Đại học Northampton, Anh, cô nàng đã bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình từ tháng 9/2013.
Thoát khỏi khuôn mẫu phụ nữ phải lấy chồng ở thời điểm vàng
Đi du học khiến cô suy nghĩ cởi mở hơn nhiều về mọi thứ. Cô bắt đầu làm những điều mà mình trước đó chưa dám làm. Cô không dừng lại ở việc hoàn thành khóa học Thạc sĩ mà chủ động tìm kiếm các học bổng Tiến sĩ. Và rồi cô đã thành công khi tìm thấy được chủ đề yêu thích và xin được học bổng Tiến sĩ toàn phần. Cô cũng tự tin tham gia các cuộc hội thảo chuyên ngành tầm cỡ quốc tế ở các quốc gia lân cận. Những điều đó giúp cô nhận ra rằng, nếu mình tiến từng bước nhỏ và can đảm để thử sức thì những điều trước đây luôn nghĩ ngoài tầm với vẫn sẽ thực hiện được. Cuộc sống sẽ mang đến nhiều bất ngờ khi ta mạo hiểm mở một cánh cửa và sẵn sàng đón nhận cả những chông gai, quả ngọt trên hành trình đó.
Khi còn ở Việt Nam, cô đã bị rập khuôn về mẫu cuộc sống cho người phụ nữ. Đó là học xong rồi kiếm một công việc ổn định, lấy chồng, sinh con, nuôi con trưởng thành, dựng vợ gả chồng cho con, trông cháu, dưỡng lão rồi về với tổ tiên. Uớc mơ, hoài bão chỉ là viển vông! Phụ nữ cá tính, thành đạt trong công việc thường sẽ quá lứa lỡ thì, cô đơn côi cút. Họ phải chạy đua với thời gian để hoàn thành các mục tiêu và trở lên lo lắng, thiếu tự tin nếu không đạt mốc lấy chồng sinh con vào thời điểm vàng được lập trình.
Còn sau 5 năm học tập và sinh sống ở Anh, cô hiểu được rằng ở đây chuyện kết hôn và sinh con không bị áp lực. Đơn giản vì họ không cần phải kết hôn mới sinh con và hôn nhân không phải là giấy chứng nhận đảm bảo sự bền vững của một mối quan hệ tình cảm. Mẹ đơn thân được hưởng trợ cấp xã hội để nuôi con. Cha của đứa bé sẽ phải chia sẻ trách nhiệm tài chính nuôi trẻ nếu không sẽ bị phạt rất nặng chứ không dễ "mất hút" sau một cuộc tình hay một lần ly hôn.
Thêm nữa, mẹ đơn thân hoặc đã ly hôn và có con riêng không bị "rớt giá" như ở Việt Nam. Giá trị của người phụ nữ trong một mối quan hệ để tiến tới hôn nhân không nằm ở việc còn trinh nguyên, chưa có chồng hay chưa có con mà chính là vẻ đẹp về hình thức và tâm hồn của người phụ nữ đó cũng như sự hoà hợp trong mối quan hệ giữa hai người lớn. Trẻ em được gia đình và xã hội bảo vệ. Việc hỏi một người khi nào cưới hay sinh con bị cho là "vô duyên". Tư tưởng về phụ nữ, con cái và hôn nhân ở Việt Nam bây giờ phản ánh tư tưởng bảo thủ của người Anh hơn 50 năm trước đây.
Thanh Tâm thổ lộ: "Mình cũng thấy bản thân ngày xưa quá ngây thơ, mơ mộng nhưng cũng bảo thủ trong chuyện yêu đương, hẹn hò. Luôn nghĩ một tình yêu trong mơ sẽ là gặp, chỉ yêu một người và lấy người đó. Thế nên mình cứ chờ đợi ngày nào đó người ấy sẽ xuất hiện mang đến tình yêu sét đánh. Đến nỗi mình không gặp ai lần hai nếu lần đầu gặp không có cảm xúc. Không chủ động tìm kiếm một nửa của mình mà chờ ông tơ bà nguyệt se duyên vào một ngày đẹp trời. Sau này sang Anh mình đã thay đổi, mình hẹn hò nhiều hơn một lần để mở lòng tìm hiểu một người, để xây dựng tình cảm dựa trên sự khám phá, hiểu biết về đối phương hơn là quyết định qua ánh mắt đầu tiên. Mình nhận thức rằng, hạnh phúc phải do tự mình tìm lấy, không nên chờ đợi, bớt định kiến để giãn các rào cản trong xây dựng một mối quan hệ tình cảm nhưng vẫn phải giữ được những chuẩn mực và giá trị của bản thân. Rồi cuối cùng mình cũng gặp được người bạn trai đầu tiên và sau này là chồng của mình năm mình 31 tuổi".
"Gái ế tìm được người tử tế"
Cô quen Ian Cousins- ông xã bây giờ qua một ứng dụng hẹn hò mà cô bạn cùng lớp người Anh giới thiệu. Trước đây cô không tin lắm vào hẹn hò qua mạng nhưng thấy bạn rất hạnh phúc với người bạn trai rất tốt qua mạng nên cũng quyết định thử.
"Mới đầu gặp ông xã mình cũng không có ấn tượng nhiều. Nhưng mình cảm nhận được đây là người nghiêm túc, tử tế nên quyết định cho cả hai cơ hội tìm hiểu nhau. Bắt đầu từng bước khá truyền thống kiểu Việt Nam như là ông xã đưa mình đi giới thiệu lần lượt từ thành viên trong gia đình đến tất cả mấy nhóm bạn thân. Rồi đưa mình đến các buổi gặp gỡ, tụ tập gia đình, bạn bè. Dần dần sau những khác biệt về văn hoá, rào cản về ngôn ngữ, mình dần trở thành thành viên được chào đón trong gia đình cũng như có thêm bạn bè thân thiết của ông xã. Mình nhận ra ông xã sinh ra trong một gia đình dù bố mẹ đều có cuộc sống riêng nhưng con cái vẫn có sự gắn kết bền chặt. Ông xã rất thân với mẹ kế và các con cháu riêng của bà. Bạn bè đều là những người tử tế, dù thành đạt hay không thì họ đối với nhau rất chân thành và gắn bó trong nhiều năm. Chuyện tình của mình không lãng mạn sét đánh như tiểu thuyết nhưng nó có đoạn tạm kết phần một là trong khi đi du học mình chính thức yêu một người, là bạn trai đầu tiên và lấy người đó làm chồng sau 3 năm tìm hiểu", Thanh Tâm cho biết.
Hiện tại Thanh Tâm tập trung vào việc làm luận án tốt nghiệp Tiến sĩ. Cô tham gia một số hoạt động nghiên cứu đào tạo trên trường. Thời gian rảnh cô có sở thích viết blog chia sẻ kinh nghiệm du học Anh cũng như khởi nghiệp mảng tư vấn du học Anh để hỗ trợ sinh viên Việt Nam sang du học tại đây. Cuối tuần là thời gian cô dành cho gia đình và bạn bè.
Tâm được coi là cô gái có cá tính hiện đại nếu ở Việt Nam nhưng được xem là quá truyền thống khi ở Anh. Cô năng động, muốn có hạnh phúc gia đình nhưng cũng muốn có sự nghiệp và độc lập về tài chính. Thật khó khi cô được nuôi dưỡng với đủ thuyết tam tòng, tứ đức, yểu điệu thục nữ tại quê nhà rồi lại tiếp thu và hưởng lợi ích từ nữ quyền tại một nước phương Tây. Đó thực là cuộc cách mạng về nội tâm mà người thân và bạn bè ở quê nhà không dễ gì hiểu được.
Với Tâm hạnh phúc là những khoảnh khắc, là thứ mà ta không bao giờ nắm giữ được. Cô vui với hiện tại và trân trọng nhưng cũng không ảo tưởng về những gì mình đang có mà tiếp tục vun vén, phấn đấu cho tương lai. Cuộc đời còn dài nên ngày mai là một ngày mới có thể mưa hay nắng nhưng nếu chuẩn bị sẵn cái che đầu thì rồi mọi thứ sẽ ổn. Quan trọng là ta tìm thấy niềm vui khi giải quyết được khó khăn và chấp nhận nó là một bài luận của cuộc sống mà mình phải tìm câu trả lời mở. Trong những ngày không vui ta lại nhớ về những ngày vui để nhắc bản thân khó khăn chỉ là tạm thời. Ngày mai trời lại sáng, qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai.