Gà cúng giao thừa dùng cho mâm lễ trong nhà hay ngoài trời?

MAI LINH/VTC News,
Chia sẻ

Cỗ cúng giao thừa luôn có một con gà trống luộc; và nhiều người băn khoăn không biết con gà này là dành cho mâm lễ trong nhà hay ngoài trời.

Trong truyền thống đón Tết Nguyên đán của người Việt Nam, lễ cúng giao thừa có tầm quan trọng hàng đầu vì giao thừa là khoảnh khắc chính xác năm mới bắt đầu. Trong nghi lễ này, mọi người thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên và các vị thần linh, gửi gắm ước mong về một năm mới an lành, thịnh vượng.

Trong mâm cỗ giao thừa, gà là lễ vật không thể thiếu, tuy nhiên nhiều người không rõ gà cúng giao thừa dùng cho mâm lễ trong nhà hay ngoài trời vì lễ cúng này được thực hiện ở hai nơi.

Gà cúng giao thừa dùng cho mâm lễ trong nhà hay ngoài trời?

Để cúng giao thừa, các gia đình thường chuẩn bị hai mâm lễ. Mâm cúng trong nhà dâng lên Thổ công và gia tiên, còn mâm cúng ngoài trời để kính  tiễn vị thần hành khiển của năm cũ và nghênh đón vị thần hành khiển của năm mới.

Trong mâm cỗ cúng giao thừa, lễ vật quan trọng nhất là con gà luộc. Gà cúng phải là gà trống khỏe mạnh và cứng cáp, biểu trưng cho sự dồi dào sức lực và tài lộc trong năm mới. Vẻ ngoài oai vệ, kiêu hãnh, uy nghiêm của gà trống tăng thêm sự trang trọng trong mâm lễ. Gà trống cũng tượng trưng cho sự cát tường, được xem là "người truyền tin" trong các nghi lễ cúng bái, mang lại lời chúc may mắn, phát tài, phát lộc.

Gà cúng giao thừa dùng cho mâm lễ trong nhà hay ngoài trời? (Ảnh: Đức Anh)

Gà cúng giao thừa dùng cho mâm lễ trong nhà hay ngoài trời? Thông thường, lễ vật này sẽ được dành cho mâm lễ ngoài trời, cúng các vị thần hành khiển, thể hiện lòng tôn kính đối với trời đất và các vị thần linh.

Gà trống luộc được đặt sao cho đầu hướng ra ngoài, tức là về phía các quan hành khiển nhà trời sẽ đi qua, vừa thể hiện sự ngưỡng vọng vừa giúp đón nhận sự phù hộ, ban phúc của các vị thần, mang đến cho gia đình một năm mới bình an, tài lộc và sức khỏe. Mâm cỗ phải được đặt ở nơi thoáng đãng, sạch sẽ, có thể là trước cửa nhà hoặc sân vườn rộng rãi. Hướng đặt mâm cúng ngoài trời có thể là Đông Bắc - theo phong thủy là hướng của Hỷ thần, hoặc hướng Nam là nơi đón Tài thần.

Tuy nhiên, gà cúng giao thừa cũng không nhất thiết phải đặt ở mâm cúng ngoài trời; điều này còn tùy thuộc vào phong tục từng nơi hay quan niệm, truyền thống của mỗi gia đình. Ngoài ra, một số gia đình chỉ làm một mâm cỗ giao thừa ở bàn thờ gia tiên và trong trường hợp đó, con gà sẽ xuất hiện ở mâm cúng trong nhà. Một số gia đình chuẩn bị hai con gà cho hai mâm lễ.

Gà cúng trong nhà đặt đầu quay vào bát hương, miệng ngậm bông hồng đỏ và chân quỳ xuống. (Ảnh: Minh Đức)

Mâm cúng giao thừa trong nhà nếu có gà thì cách sắp đặt có chút khác biệt. Gà thường được đặt quay đầu vào trong (hướng vào bát hương), miệng ngậm bông hồng đỏ và chân quỳ xuống gọi là tư thế chầu phục, biểu tượng cho sự tôn kính với bề trên, cầu sung túc, thịnh vượng và bình an.

Lưu ý, gà cúng trong nhà cần phải giữ nguyên con, không được chặt ra từng miếng vì như vậy sẽ mất đi ý nghĩa biểu tượng của nó.

Chia sẻ