Em họ chồng xin ở nhờ 1 tháng nhưng hơn 3 tháng sau vẫn nằm lì trong nhà tôi không thèm đi, sinh hoạt phí không đóng 1 đồng nhưng dùng cái gì cũng phung phí
Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi thẳng thắn yêu cầu em họ chồng phải chuyển đi trong vòng hai tuần.
Tôi luôn tin rằng gia đình là nơi để yêu thương và chia sẻ, nhưng có lẽ tôi đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng tất cả mọi người đều có cùng quan điểm đó. Câu chuyện của tôi bắt đầu từ một lời nhờ vả tưởng chừng như vô hại, nhưng cuối cùng lại trở thành bài học đắt giá về sự lợi dụng và lừa dối ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Ba tháng trước, em họ chồng tôi, con bé mới 23 tuổi vừa tốt nghiệp đại học, gọi điện xin ở nhờ nhà tôi một tháng trong lúc chờ căn phòng trọ ưng ý hết hợp đồng với người thuê cũ. Với bản tính hay giúp đỡ người khác, tôi không ngần ngại đồng ý ngay. Tôi dọn dẹp phòng khách, sắm sửa chăn gối mới, chuẩn bị mọi thứ chu đáo để con bé có thể thoải mái sinh hoạt.
Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản rằng mình đang giúp đỡ một người thân trong gia đình. Nhưng tôi đã sai.
Thời gian trôi qua, cái hạn một tháng đã đến nhưng em họ chồng tôi chẳng nhắc gì đến việc chuyển đi. Tôi nghĩ có lẽ con bé đang gặp khó khăn trong việc tìm nhà nên cố gắng thông cảm. Nhưng rồi hai tháng, rồi ba tháng trôi qua, con bé vẫn sống trong nhà tôi như một thành viên chính thức, nhưng lại không hề có bất kỳ sự đóng góp nào.
Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi tôi nhận ra sự vô tri đến vô duyên của con bé. Nó dùng điện thoại xem phim, bật điều hòa cả đêm khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt, ăn uống thả ga những món tôi nấu mà không bao giờ phụ giúp dọn dẹp, thậm chí còn mời bạn bè đến nhà chơi ồn ào mà không xin phép. Mỗi lần tôi nhắc khéo, nó chỉ cười trừ: "Thì phải từ từ mới tìm được chứ ạ!", nhưng chẳng thấy hành động cụ thể nào.
Khi không thể chịu đựng thêm được nữa, tôi quyết định nói chuyện thẳng thắn với chồng. Tôi hy vọng anh sẽ là người đứng ra giải quyết vấn đề này một cách khéo léo. Nhưng phản ứng của anh khiến tôi sửng sốt.

"Em tính toán quá! Người nhà với nhau mà đòi hỏi đủ thứ!" , anh nói với giọng điệu đầy trách móc. Sau một hồi tranh cãi, sự thật phũ phàng đã lộ ra: Cả gia đình chồng tôi đã bàn bạc từ trước và đồng ý để em họ lên ở nhờ nhà tôi lâu dài mà không cần đóng góp bất cứ khoản nào. Họ coi nhà tôi như một khách sạn miễn phí và tôi phải chấp nhận gánh vác mọi chi phí vì "tình cảm gia đình".
Tôi không thể chấp nhận việc bị lừa dối và lợi dụng như vậy. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi thẳng thắn yêu cầu em họ chồng phải chuyển đi trong vòng hai tuần. Tôi nghĩ rằng mình đã đủ kiên nhẫn và rộng lượng trong suốt ba tháng qua.
Nhưng tôi đã lầm. Thay vì cảm ơn vì thời gian qua, con bé lập tức về quê và bắt đầu một chiến dịch nói xấu tôi với cả họ hàng nhà chồng. Tôi trở thành kẻ "ích kỷ", "tham tiền", "bạc tình bạc nghĩa" trong mắt họ hàng nhà chồng. Mẹ chồng gọi điện mắng nhiếc, các cô các dì thì lườm nguýt mỗi khi tôi về quê. Đáng buồn nhất là chồng tôi, thay vì đứng ra bảo vệ vợ, lại im lặng đồng tình với gia đình.
Qua cái chuyện đèo bòng này tôi nhận ra rằng lòng tốt phải đi kèm với giới hạn rõ ràng. Giúp đỡ người khác là điều tốt, nhưng phải biết đặt ra những nguyên tắc và ranh giới cụ thể.
Hôn nhân cần sự minh bạch giữa hai gia đình. Nếu người chồng không thể đứng về phía vợ khi bị gia đình mình lợi dụng, đó là một dấu hiệu đáng báo động về mối quan hệ. Và vợ chồng tôi đang ở trong tình trạng đó.
Tôi sợ gì bị mang tiếng xấu khi bảo vệ chính mình. Tôi thà bị gọi là "keo kiệt" còn hơn để người khác lợi dụng lòng tốt của mình. Tôi tin vào chính bản thân mình và tôi biết mình rõ ràng đang bị lợi dụng.
Tôi chả việc gì phải hối hận vì đã đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Nỗi đau lớn nhất không phải là tiền bạc đã mất, mà là sự phản bội từ chính người chồng mà tôi tin tưởng. Liệu hôn nhân này còn đáng để tiếp tục? Đó là câu hỏi mà tôi vẫn đang vật lộn tìm câu trả lời mỗi ngày...
Lần này dù tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần thì tôi vẫn quyết làm đến cùng cho ra nhẽ chứ không phải cứ lôi cái mác nhà chồng ra rồi ép dâu con phải làm đủ thứ vô lý đâu.