Được sếp ưu ái chưa hẳn là chuyện tốt, nó tồn tại 1 khía cạnh tai hại mà ai cũng có thể gặp phải
Không được đồng nghiệp tin yêu thì đã sao khi bản thân có thể hoàn thành tốt công việc và được sếp công nhận một cách xứng đáng.
Chuyện sếp dành sự quan tâm đặc biệt hoặc nói trắng ra là thiên vị một cá nhân nào đó là điều không hề hiếm gặp nơi công sở. Câu chuyện này có thể bắt nguồn từ việc cá nhân đó quá xuất sắc hoặc chỉ đơn giản là do “hợp tính hợp nết” dẫn đến việc sếp có thiện cảm và thường xuyên tương tác.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là vậy thì câu chuyện chẳng có gì để nói. Bởi lẽ, về bản chất, văn phòng là nơi ngập tràn thị phi, nên những sai khác trong cung cách cư xử, dù là của sếp hay nhân viên đều sẽ bị soi mói đến từng chân tơ kẽ tóc. Và người được thiên vị đôi khi sẽ trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp.
Đơn cử, vừa mới đây, trong một hội nhóm được đông đảo dân công sở quan tâm theo dõi trên mạng xã hội, một nữ thành viên đã có dịp chia sẻ những khó khăn mà bản thân buộc phải đối mặt khi được sếp quan tâm, ưu ái. Cụ thể, cô bộc bạch:
“Chào mọi người, mình cảm thấy có những bạn/anh/chị là nạn nhân do sếp thiên vị nhân viên khác. Mình cũng là nạn nhân, nhưng theo nghĩa mình là người được thiên vị. Cảm giác hiện tại mình có được là 2 chiều.
Theo hướng tích cực, mình cảm thấy thoải mái và ít áp lực khi làm việc với sếp, thoải mái trình bày ý kiến và xử lý công việc theo cách riêng của mình và luôn được sếp công nhận thành quả.
Hướng còn lại, mình cảm thấy không khí trong nhóm trở nên nặng nề, những nhân viên khác cảm thấy khó chịu với mình, dù mình nghĩ đây không phải là lỗi của mình và mình cũng rất hòa đồng với họ để mối quan hệ không quá tệ. Mình nhiều khi cũng ngại với họ khi sếp hay giao mình những công việc quan trọng hơn và khó khăn hơn mà không phải những người khác.
Mình nghĩ một nguyên nhân khiến mình được sếp cân nhắc là do tính mình thì làm việc không chỉ là xong việc mà còn để ý đến chất lượng của công việc, luôn đảm bảo những gì mình làm ra là bằng tất cả khả năng của mình và luôn tiếp thu ý kiến người khác để cải thiện chất lượng công việc.
Mình tự tin vào những gì mình làm và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những sai phạm xảy ra. Ngoài ra mình rất sẵn lòng giúp đỡ phần việc của người khác khi cần.
Nói chung, mình là một người dĩ hòa vi quý với mọi người, hòa đồng và cũng rất nhạy cảm. Vì vậy, mình không muốn mối quan hệ trong nhóm tồi tệ đi, bằng mặt nhưng không bằng lòng của đồng nghiệp và mình cũng đang rất cố gắng để giải quyết vấn đề này. Các anh/chị đi trước nếu có kinh nghiệm có thể giúp cho em lời khuyên với ạ”.
Ngay sau khi bài đăng vừa được lên sóng, không ít bình luận bày tỏ quan điểm, ý kiến của các thành viên trong nhóm đã được để lại bên dưới. Đa số đều cho rằng, công ty là nơi làm việc, làm việc tốt được sếp thương là chuyện âu cũng bình thường, cho nên nếu đồng nghiệp ghen ghét chỉ vì "ghen ăn tức ở" thì đó chính xác là những kẻ chẳng cần mình phí tâm tư giao thiệp làm gì.
Chúng ta không cần cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, đặc biệt là ở nơi công sở. Cho nên, nếu không được đồng nghiệp tin yêu thì đã sao khi bản thân có thể hoàn thành tốt công việc và được sếp công nhận một cách xứng đáng, phải không?