Được mệnh danh là “vua của các loại thảo mộc”, chị em không dùng loại rau này để cải thiện sắc đẹp thì quá phí
Dùng rau ngải cứu làm món ăn dưỡng nhan, vừa khỏe vừa đẹp, chị em sẽ nhớ mãi món há cảo đặc biệt này.
- 1. Ngải cứu, bột mì đa dụng, bột năng
- 2. Muối, baking soda
- 3. Thịt lợn băm, bột ngũ vị hương
- 4. Khoai mỡ, cà rốt hoặc loại rau củ bạn thích ăn để làm nhân há cảo
Ngải cứu là một loại rau dại, mùi thơm nồng. Loại rau này thường được trồng quanh nhà để xua đuổi côn trùng và mùi hôi. Rau ngải cứu được coi là "vật báu" mùa xuân, có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm đau bụng kinh ở phụ nữ, giải độc tố, chống dị ứng. Nó cũng được chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ, chẳng hạn như há cảo ngải cứu.
Mùa xuân thời tiết ấm nắng cùng những cơn mưa đầu mùa giúp cho ngải cứu có mùi thơm và dồi dào chất dinh dưỡng nhất. Sử dụng rau ngải cứu tươi có thể chế biến thành nhiều món ngon. Chúng có tác dụng nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Loại rau này đặc biệt tốt cho chị em phụ nữ.
Rau ngải cứu có thể làm ấm khí huyết, xua tan lạnh giá. Đặc biệt với chị em có cơ địa lạnh, ăn ngải cứu có thể làm ấm kinh lạc, giảm đau bụng kinh khi đến kỳ. Không chỉ vậy, uống nước rau ngải cứu còn rất hữu ích cho việc cải thiện chứng lãnh cảm.
Ngải cứu cũng đóng vai trò lớn trong việc cầm máu, chống viêm, trị ho, chống dị ứng. Với nhiều tác dụng tuyệt vời như vậy, chẳng trách rau ngải cứu lại được mệnh danh là "vua của các loại thảo mộc".
Ngải cứu thường được chế biến thành các món thông dụng và dễ làm như trứng rán ngải cứu, ngải cứu tần trứng, ngải cứu tần óc heo. Hoặc như ở Lạng Sơn có món bánh ngải đặc sản. Ngoài những cách chế biến đó, rau ngải cứu tươi non trong mùa xuân có thể làm thành vỏ bánh bao, há cảo có mùi thơm rất đặc trưng. Chẳng hạn như món há cảo ngải cứu rất nịnh mắt dưới đây.
Cách làm há cảo ngải cứu
Sơ chế
Ngải cứu phần lớn có mùi thơm nên không bị sâu bọ. Rau này cũng hiếm khi phải phun thuốc nên không cần ngâm trước. Chỉ cần rửa sạch trực tiếp, sau đó chần qua nước nóng là được.
Sau khi chần nhanh thì lấy ra cho vào nước lạnh để rau không bị thâm. Vớt rau ngải ra, cho vào máy xay sinh tố. Thêm lượng nước thích hợp rồi xay nhuyễn.
Không nên cho nhiều nước bởi bột ngải sẽ bị loãng, màu lên vỏ bánh không được xanh. Hòa vào bột ngải xay nhuyễn một xíu baking soda. Làm như vậy giúp cho ngải sau khi hấp chín không bị đổi màu.
Khoai mỡ, cà rốt gọt vỏ, thái nhỏ. Cho cùng thịt lợn vào máy xay nhuyễn hoặc băm thật nhỏ. Thêm xíu muối hoặc xíu ngũ vị hương. Trộn đều, để nghỉ một chút.
Tạo hình há cảo ngải cứu
Dùng tô lớn, cho khoảng 500g bột mì vào cùng 50g bột năng và 1 thìa muối. Trộn đều.
Chia lượng bột thành hai phần. Cho nước vào một nửa bột nhào thành khối bột màu trắng. Nửa bột còn lại cho rau ngải cứu đã xay nhuyễn vào nhào thành khối bột màu xanh.
Lượng nước và rau ngải xay bạn cần chủ động điều chỉnh, gia giảm tùy theo độ hút nước của bột mì. Bột cần được nhào cho đến khi mềm dai.
Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín các khối bột. Để nghỉ trong khoảng 20 phút. Sau đó nhào lại là khối bột đã mịn.
Lấy hai khối bột, đặt lên mặt phẳng đã rắc bột mì. Lăn bột thành dải dài.
Cán dẹp khối bột màu xanh thành hình chữ nhật. Đặt dải bột màu trắng vào giữa miếng bột xanh. Bọc lại, có thể nhúng xíu nước lên chỗ gấp mép để kết dính tốt hơn.
Cắt dải bột thành nhiều miếng. Rắc bột mì khô lên. Cán dẹp chúng, rắc bột mì để không bị dính.
Múc thìa nhân thịt vào vỏ há cảo. Gấp đôi miếng há cảo.
Ấn chặt tay tạo hình con dấu. Làm vậy cho đến hết các miếng bột.
Làm chín há cảo ngải cứu
Há cảo có thể hấp trong lồng hoặc luộc chín trực tiếp. Đun sôi một nồi nước, thêm xíu muối, cho há cảo vào luộc. Khi há cảo ngải cứu nổi lên là đã chín.
Bạn có thể ăn há cảo ngải cứu chấm với nước tương hoặc loại nước chấm bạn thích.
Màu há cảo ngải cứu khi chín tươi, không dính, mịn và thơm mùi ngải. Há cảo ngải cứu dễ thực hiện và cũng tiện dụng linh hoạt trong các bữa ăn hàng ngày. Bạn có thể bổ sung món há cảo ngải cứu này vào thực đơn cơm tối của mình nữa đấy.