Đừng trách ai khi con càng ngày càng ương bướng nếu bố mẹ còn tiếp tục làm những điều này
Dừng lại ngay những hành động này nếu bố mẹ không muốn trở thành lý do khiến con càng ngày càng không nghe lời.
Tất cả chúng ta khi làm cha mẹ đều muốn làm cho con cái mình hạnh phúc. Nhưng cha mẹ cũng cần nhớ rằng, trẻ nhỏ được dạy dỗ tốt thì lớn lên mới có thể trở thành những người tốt và sống hạnh phúc. Đừng quá nuông chiều con để nhận về những cái kết "đắng" khi con ương bướng đến mức chính bố mẹ cũng không thể uốn nắn được nữa.
Con bị coi là một đứa trẻ hư khi nào?
Mặc dù mỗi người đều có định nghĩa của riêng mình về một đứa trẻ hư, nhưng hầu hết những định nghĩa đó thường có những đặc điểm sau:
- Tự cho mình là trung tâm và tin rằng những thứ con muốn là điều quan trọng nhất ở mọi lúc mọi nơi.
- Giận dữ với bất kỳ lời đề nghị nào và liên tục từ chối mọi người.
- Không chịu được việc thất bại, liên tục phàn nàn và tỏ ra khó chịu.
- Không ngừng đưa ra những yêu cầu khó khăn với người lớn và lăn đùng ra ăn vạ nếu không được đáp ứng.
- Không tôn trọng mọi người: giật đồ từ tay bạn, đánh mắng em, cãi lời người lớn.
Những chuyên gia về giáo dục trẻ em đều đồng ý rằng nguồn gốc khiến những đứa trẻ trở nên bướng bỉnh là chúng được trao quá nhiều quyền lực và không được học cách chịu trách nhiệm từ khi còn nhỏ.
Phần lớn các bậc phụ huynh đồng ý với việc con giận dữ, mè nheo là vì con còn bé, lớn lên sẽ hết mà không dạy con cách kiểm soát cảm xúc. Họ sẽ thường nhận về kết quả là con cái đều ương bướng và khó bảo hơn rất nhiều.
Một đứa trẻ được học về cách kiềm chế bản thân, tôn trọng người khác sẽ biết cách cư xử tử tế cũng như ngoan ngoãn hơn so với những đứa trẻ bị bỏ qua việc dạy dỗ này.
Bước đầu tiên của việc dạy dỗ con trở thành những đứa trẻ tử tế chính là dừng lại những hành động mà bố mẹ thường làm dưới đây:
1. Không thực hiện đúng những quy định do chính mình đặt ra
Nếu bố mẹ đã đặt ra một quy định nào đó với con, ví dụ không được xem phim khi đang ăn cơm, nhưng lại vô tình mở ti vi giữa giờ ăn tối bởi vì đó là chương trình thời sự và bố mẹ cần xem. Đó chính là lúc bố mẹ đang làm gương xấu cho con. Con sẽ coi thường những quy tắc trong nhà, bởi bố mẹ cũng không thực hiện thì mình cũng không cần thực hiện. Nguy hiểm hơn, con sẽ không coi trọng những điều bố mẹ nói nữa.
2. Dung túng cho mọi yêu cầu của con
Nếu như mỗi lần đi siêu thị, con đều dẫn bố mẹ vào quầy đồ chơi và đòi hỏi mua những món đồ đắt tiền và lúc nào bố mẹ cũng đáp ứng thì có nghĩa lớn lên con sẽ không bao giờ biết coi trọng giá trị của đồng tiền. Con sẽ tự coi mình là trung tâm vũ trụ, mọi yêu cầu của mình đều phải được đáp ứng, đó là lúc con trở thành một đứa trẻ hư.
3. Đánh chừa và đổ tội cho người khác khi con vấp ngã
Khi đứa trẻ 1 tuổi vấp phải chân ghế và ngã ra sàn, ngay lập tức bà nội lao đến bế cháu và liên tục đánh chừa vào cái ghế làm cháu ngã đau. Đó là một hành động rất sai lầm mà nhiều gia đình đang mắc phải. Việc này sẽ khiến trẻ mắc phải tâm lý đổ tội, không dám nhận sai, không biết thừa nhận những lỗi lầm của mình. Khi lớn lên con sẽ rất khó học được việc có trách nhiệm với những hành vi của chính mình.
4. Bỏ qua lời cảm ơn và xin lỗi
Có rất nhiều em bé thường xuyên bỏ qua lời cảm ơn và xin lỗi khi được nhận đồ từ người lớn hay vô tình va phải ai đó trên đường. Nhiều bố mẹ sẽ lấy lý do con còn nhỏ chưa biết gì để bao biện cho hành vi này nhưng điều đó chỉ khiến con trở nên vô tâm và không biết cách tôn trọng người khác. Hãy luôn dạy con nói lời cảm ơn khi được nhận đồ từ người khác và xin lỗi cho những hành vi không đúng của mình.
5. So sánh con với con cái nhà người ta
Cụm từ “con nhà người ta” là thứ gây khó chịu cho rất nhiều đứa trẻ ở mọi gia đình. Cụm từ này thường được sử dụng khi bố mẹ muốn con giỏi lên ở một mặt nào đó nhưng lại không biết cách truyền đạt tế nhị mà thường so sánh con với con nhà khác.
Bố mẹ nghĩ rằng con sẽ cố gắng vươn lên để bằng bạn đó nhưng thực tế con chỉ cảm thấy ghen tị, ganh ghét thậm chí thù hằn với bạn. Điều này ảnh hưởng rất tiêu cực đến tích cách của con khi trưởng thành.