Dùng thuốc dấm hoa quả để bảo quản thịt

Hoàng Đan - Nguồn ảnh afamily.vn,
Chia sẻ

Không chỉ dùng dấm hoa quả, loại thuốc “Thúc chín tố” có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng được sử dụng để bảo quản, giúp giữ độ tươi của thịt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một vùng ở ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh vùng ven đang xảy ra tình trạng nhiều lái buôn dùng một thứ hóa chất lạ có tên tiếng Việt là “Thúc chín tố” để giữ cho các loại thịt không có mùi ôi và được tươi lâu.

Lân la làm quen với chị Phương, một lái buôn thịt lợn tại Bắc Ninh, chúng tôi được chị tiết lộ, trước đây những vụ việc bị báo chí phanh phui liên quan đến nội tạng lợn, bò được tẩy trắng bằng hóa chất đều là có thật cả. Cũng theo chị Phương, thời gian gần đây để bảo quản thịt được lâu hơn, chống ôi trong những ngày nắng nóng nhiều hàng bán các loại thịt lợn, gà, bò… buổi sáng, chiều còn tồn lại bao giờ cũng phải sử dụng một loại thuốc do Trung Quốc sản xuất tẩm ướp để bảo quản.


Loại thuốc "Thúc chín tố" này còn được dùng để bảo quản cả các loại thịt.

Sau nhiều lần tiếp cận với mong mỏi được học hỏi kinh nghiệm bán thịt lợn, chúng tôi cũng được một người bán thịt lợn ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) bật mí bí quyết. Trước đây, vào những ngày nắng nóng, hàng bán chậm, thịt bị tồn lại, nhà chị thường chỉ bọc ni – lông rồi cho vào tủ đá để bảo quản nhưng thịt thường cứng, không tươi mà sau khi tan đá là thịt bị mất màu và nhanh có mùi ôi. Còn khi sử dụng loại thuốc để tẩm ướp này thì chỉ mất thời gian ngắn để pha chế, thịt bảo quản được lâu hơn mà không bị mất màu, không có mùi ôi sau khi bỏ từ tủ đá ra.

Chị này cho biết thêm, loại thuốc dùng để bảo quản thịt này chính là loại thuốc mà nhiều chủ buôn hoa quả dùng để dấm, bảo quản hoa quả với nhãn mác ghi chi chít các chữ Trung Quốc nhưng có tên tiếng Việt là “Thúc chín tố”. Giá của nó khoảng 2.000 đồng/ lọ (5ml), nhưng có công dụng rất cao.

Nhiều loại thịt lợn đang được bảo quản bằng thuốc "Thúc chín tố" (Ảnh minh họa).

Theo hướng dẫn của chị này, chỉ cần vài ba giọt thuốc “Thúc chín tố” pha với khoảng từ 40 lít nước lạnh, khuấy đều lên rồi nhúng miếng thịt vào từ 4 – 5 giây, sau đó để ra cho ráo nước, rồi bọc ni – lông để vào tủ đá thì có thể giữ tươi được 5 – 7 tháng.

Nhà chị đã từng thử rồi, em cứ yên tâm làm theo cách của chị bảo, nhúng vào có 4 – 5 giây thôi rồi bọc ni – lông để vào tủ đã thì có thể bảo quản được đến 5,7 tháng mà khi cho ra trông miếng thịt vẫn rất đỏ tươi, lại không có mùi ôi. Mà không chỉ có thịt lợn này mà thịt gà, thịt bò… cũng có thể làm cách đó được”, chị này khẳng định.

Còn theo một chủ bán thịt gà ở chợ sáng PK hướng dẫn, khi sử dụng phải hết sức để ý việc đeo khẩu trang và đi găng tay cao su.“Em phải chú ý vì thuốc này chị thấy bảo độc lắm, nhiều người còn bảo là có khả năng làm vô sinh đấy, ngay như chị trước không dùng găng tay làm một lần mà bị ngứa rồi nổi mụn nước phải chữa mãi mới khỏi nên cứ phải có găng tay và khẩu trang vào”, chị này khuyên.

Thịt gà và một số loại thịt khác cũng đang được sử dụng loại thuốc này (Ảnh minh họa).

Cũng theo hai chủ hàng này, thì khi đã dùng thuốc này để bảo quản thì rất khó có thể phát hiện được đâu là thịt tươi đâu là thịt bảo quản. "Nhà chị bán hàng cả chục năm nay rồi, nhưng khi chị dùng thuốc này xong, để qua đêm hôm sau mang ra bán cùng thịt mới mà chẳng khác tí gì, khách đến mua cầm lên vẫn còn  khen là thịt tươi ngon thế", người chủ bán hàng thịt lợn ở trên cho biết.

Khi được hỏi về nơi cung cấp thì hầu hết các chủ hàng thịt mà chúng tôi gặp đều cho biết, họ biết đến loại thuốc này là do có người mách cho, còn về nơi mua thì chủ yếu là nhờ người quen mua cho trong các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hoặc lên Lạng Sơn lấy về bán lại cho.

Đi tìm mua loại thuốc này tại phố hàng Buồm, chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên, là những nơi nổi tiếng với hóa chất, phụ gia thực phẩm chúng tôi chỉ nhận được những khuôn mặt cau có cùng những lời không hay của các chủ cửa hàng, sạp. “Loại thuốc này cấm lấy đâu ra, đi đi không công an họ lại tới bây giờ, lắm chuyện quá thôi, toàn hỏi mua những thứ linh tinh”, chủ một cửa hàng trên phố hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cau có bảo.

Theo những gì ghi trên vỏ bao bì thì loại thuốc này có tên tiếng Việt chính xác là “Hoa quả thúc chín tố” của Nhà máy nông nghiệp hóa công Nam Ning Quảng Tây. Cũng theo những điểm lưu ý trên vỏ bao bì thì, loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại rất cao, có chất kích thích với mắt và da. Sự phân giải của thuốc sẽ mất tác dụng khi pha trộn với chất kiềm.

"Thúc chín tố" là một loại hóa chất độc với con người.

Tra một số tài liệu trên mạng Internet về loại hóa chất này, chúng tôi được biết, hoạt chất trong “thúc chín tố” chính là ethrel, một loại chất bị cấm ở nhiều nước trên thế giới. Nếu phun hoặc nhúng hoạt chất này sẽ gây ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người. Nguy hiểm hơn là etylen tác dụng với thành phần nitorat trong quả sẽ tạo ra chất etyenglycol dinitrat, một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3 mg/cm3.

 Sẽ xử lý nghiêm

Trong buổi họp bàn và triển khai các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp do Bộ NN và PTNT tổ chức vào chiều 16/9, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng đã xác nhận về việc, nhiều thương lái ở một số tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là ở phía Bắc đã lạm dụng loại hóa chất có tên “thúc chín tố” có hoạt chất chính là ethephon để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau khi giết mổ nhằm giữ độ tươi.

Ông Tiệp cũng cho biết thêm, đây là loại hóa chất gốc photpho, có tác dụng điều hòa sinh trưởng thực vật, ủ chín các loại hoa quả. Các nghiên cứu khoa học về độc tính của ethephon cho thấy, đối với mắt, ethephon gây kích ứng, xót mắt, gây đỏ mắt và nếu tiếp xúc trực tiếp sẽ ăn mòn, gây sưng, đỏ da. Ethephon không được phép sử dụng trong chế biến bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật vì có khả năng gây ngộ độc cho người sử dụng. 

Chúng tôi cũng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương kiểm soát, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc sử dụng loại thuốc thúc chín tố này và lạm dụng chất bảo quản thực phẩm nông lâm, thủy sản”, ông Tiệp khẳng định.

 

 

 

Chia sẻ