Dùng máy giặt: Nên và không nên làm gì để đảm bảo máy chạy bền lâu, quần áo lúc nào cũng tinh tươm thơm ngát
Máy giặt nhà ai cũng có, nhưng dùng sao cho đúng cách để giặt quần áo hiệu quả và giữ máy móc hoạt động bền bỉ nhiều năm thì chưa mấy ai hiểu rõ đâu.
Máy giặt cửa trước và cửa trên đều như nhau? Giặt ngần nào quần áo là đủ? Dùng bột giặt hay nước giặt nào cũng được? Có biết bao câu hỏi khó mà chị em dường như chẳng mấy khi để ý về chiếc máy giặt - người bạn đang giúp chúng ta tiết kiệm bao nhiêu thời gian, công sức mỗi ngày.
Để giải đáp được những thắc mắc đó, cộng thêm vô vàn thứ khác xoay quanh việc dùng máy giặt sao cho chuẩn nhất, mời chị em đọc bài hướng dẫn sau và nhớ lưu lại để có lúc sẽ cần nhé.
Máy giặt cửa trước và cửa trên có giống nhau không?
Câu trả lời tất nhiên là không. Về cơ bản, máy giặt cửa trước là lựa chọn đúng đắn hơn để tiết kiệm nước (giảm tới 3 lần) và giúp quần áo bền lâu hơn vì khi giặt ít bị xoắn và kéo dãn. Tuy nhiên, mức giá của các loại máy giặt này cũng cao hơn kha khá (vì thường có nhiều công nghệ, tính năng hiện đại hơn) và không phù hợp với những căn nhà có diện tích nhỏ hẹp.
Bù lại, nếu kinh phí hạn chế, chị em vẫn có thể lựa chọn máy giặt cửa trên loại tốt, vẫn có đủ các tính năng cần thiết để giặt hiệu quả mà còn tiết kiệm điện hơn kha khá nữa. Dù vậy, hai loại máy giặt cũng có rất nhiều điểm chung trong quá trình sử dụng mà chị em cần lưu ý, vừa để đảm bảo độ bền cho chiếc máy, vừa để quần áo luôn thơm tho, sạch đẹp nhất có thể.
Chọn đúng loại bột giặt/nước giặt
Cách dùng bột giặt/nước giặt của hai kiểu máy cũng khác nhau. Chị em cần chọn đúng loại cho từng máy, ví dụ như loại cho máy cửa trước thì tạo ít bọt hơn để bị tràn khi đang giặt. Ngược lại, máy cửa trên thường sử dụng nhiều nước hơn nên chị em cũng phải bù vào với nhiều nước giặt/nước xả hơn thì quần áo mới đủ sạch thơm được. Trên thị trường, các thương hiệu bột/nước giặt phổ biến đều bày bán các loại dành cho từng kiểu máy, chị em cứ dùng thử rồi chọn ra loại cảm thấy hợp và thơm nhất là được.
Kiểm tra đồ trước khi giặt
Vì bận nên nhiều người có thói quen thảy hết cả chậu quần áo vào máy rồi bấm nút. Đôi khi có thể lại quên đồ đạc, chìa khóa hay ví tiền ở trong mà không hay biết. Những tai nạn thế này cực kì phổ biến, vừa dễ hỏng quần áo mà lồng giặt cũng có thể gặp vấn đề, nhất là khi hoạt động mà có đồ bằng kim loại bên trong.
Lời khuyên cho chị em là luôn dành ra vài phút để kiểm tra hết các túi quần, túi áo trước khi giặt. Tiện thể thì lộn trái đồ, đóng cúc nữa cho chắc chắn, tránh bị kẹt vào lồng giặt và làm hỏng.
Không giặt ít quá hoặc nhiều quá
Giặt nhiều quá thì đúng là không hiệu quả thật, nhưng giặt ít quá mà cũng không được sao? Sự thật là nhiều dòng máy hiện nay không phân biệt được số lượng quần áo bên trong nên nếu giặt ít vừa tốn điện nước, vừa có thể ảnh hưởng tới trục động cơ vì đồ bị phân bố lệch trong lồng giặt (với máy giặt cửa trên).
Nhìn chung, chị em nên gom đủ khoảng 2/3 lượng quần áo tối đa có thể giặt, ví dụ nếu máy giặt được tối đa 10kg quần áo thì nên gom đủ khoảng 6 - 8kg là vừa.
Chỉnh lại chân máy cho bằng phẳng
Nhiều chị em kêu than vì máy giặt chạy ồn quá, nhưng đâu biết lý do chưa chắc là vì máy “rởm”. Một vấn đề nhiều gia đình mắc phải là đặt lệch chân đế, khiến chiếc máy rung lên theo mỗi vòng quay, vừa ồn mà còn ảnh hưởng lớn đến độ bền nữa.
Vì thế, chị em có thể tham khảo một số loại chân đế chống rung cho máy giặt với giá chỉ khoảng 150.000đ/bộ. Món này có thiết kế đơn giản thôi, sử dụng núm chân cao su để đảm bảo giảm ồn xuống mức tối đa, giúp máy hoạt động trơn tru hơn nhiều.
Phân loại đồ trước khi giặt
Không chỉ theo màu, mà chất vải cũng cần được phân loại kĩ càng, nhất là với những loại quần áo đắt tiền. Vì mỗi loại vải chịu được áp lực xoắn khác nhau nên cần phải chọn chế độ giặt cho phù hợp, nếu không sẽ rất nhanh hỏng, nhão.
Vệ sinh lồng máy giặt thường xuyên
Đây cũng là điều mà hầu hết các gia đình đều bỏ qua khi dùng máy giặt. Bằng cảm quan, chiếc lồng giặt sáng bóng đó thực chất đang ẩn chứa cả ổ vi khuẩn, cặn bẩn không được xử lý, để lâu ngày sẽ làm quần áo hôi hám dù vừa mới giặt xong, thậm chí còn gây ngứa ngáy, dị ứng với ai có làn da nhạy cảm.
Cách vệ sinh đơn giản nhất là sử dụng khăn ẩm, thấm dung dịch bao gồm baking soda, dấm và nước rồi lau sạch miệng máy. Tiếp theo, cũng dùng dung dịch trên, đổ vào khoang chứa chất làm sạch rồi chạy một chu trình giặt bình thường. Cuối cùng là lấy các bộ phận có thể tháo rời trong lồng giặt ra và vệ sinh thêm lần nữa. Chị em nên lặp lại quá trình mỗi tháng 1 lần, hơi mất công nhưng muốn quần áo luôn thơm tho sạch sẽ thì đây là điều cực kì nên làm.
Nếu không muốn mất thời gian tự làm dung dịch trên, chị em có thể tham khảo một vài loại sản phẩm vệ sinh lồng giặt đóng sẵn, ví dụ như loại của Hando (75.000đ/400gr) hay Sandokkaebi (47.000đ/450gr) rồi làm theo hướng dẫn trên bao bì là được.
Vệ sinh đường ống xả
Đường ống xả thì liên quan gì đến máy giặt ư? Sự thật là các cặn bẩn dính trong đường ống xả về lâu dài sẽ tích tụ đủ để làm vi khuẩn lây lan ngược lại bên trong lồng máy giặt. Ngoài ra, nếu để quá lâu, mùi hôi từ ống này sẽ bốc lên, ám vào trong lồng giặt và quần áo mà chị em không hề hay biết.
Chọn máy giặt tiết kiệm năng lượng
Cũng như bao loại đồ điện khác, máy giặt cũng được phân loại bằng nhãn Energy Star với mức 5 sao là cao nhất. Nếu máy giặt đạt được tiêu chuẩn này thì có thể tiết kiệm điện và nước tới 50% so với loại không đạt chuẩn. Tất nhiên, chị em ban đầu phải đầu tư nhiều hơn kha khá, nhưng một chiếc máy giặt vốn dùng được trong cả chục năm nên tính ra thì vẫn lãi đó chứ?