Đừng bĩu môi chê lương 5 triệu/tháng, hãy cùng xem cô gái trẻ quê Tuyên Quang chia sẻ bí quyết vẫn sống tốt mà còn tiết kiệm được tới 1,5 triệu
Với nhiều người thì mức lương 5 triệu đồng/tháng là không đủ sống ở thành phố đắt đỏ. Tuy nhiên, với các bạn trẻ mới ra trường, đó lại chỉ là chuyện "muỗi". Với số tiền này, họ vẫn có thể sống tốt mà còn tiết kiệm được hẳn 1,5 triệu mỗi tháng.
Mới ra trường, bạn trẻ nào cũng phải đối đầu với nhiều áp lực và thử thách mới. Từ việc làm quen với môi trường xã hội, tới các mối quan hệ đồng nghiệp, xã giao, khách hàng... Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng việc khó nhất đối với họ lại chính là tập trang trải cuộc sống bằng chính đồng lương của mình.
Tương tự với chị Thúy Hà, một người trẻ mới ra trường chỉ có mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Tưởng chừng khó khăn khi sống ở đất Hà Nội đắt đỏ, tuy nhiên với cách chi tiêu tiết kiệm chị vẫn có thể sống tốt. Không những thế, mỗi tháng còn tiết kiệm được 1,5 triệu đồng để gửi ngân hàng.
Người trẻ mới ra trường và cách chi tiêu tiết kiệm
Rất nhiều người mới ra trường với mức lương 5 triệu đồng/tháng cảm thấy hụt hẫng và chán nản vì điều kiện sống không như họ mơ ước. Tuy nhiên, theo chị Thúy Hà chia sẻ, việc thu nhập thấp cũng giúp chị tập thói quen chi tiêu tiết kiệm đúng với mức lương của mình.
Chị Thúy Hà không có thói quen chi tiêu hoang phí, mua sắm thả phanh hay chiều chuộng bản thân với những món đồ chị thích. Với mức lương chỉ vừa đủ sinh hoạt, chị cần có chế độ chi tiêu hợp lý mới mong dư dả được số tiền tiết kiệm cho bản thân.
Cụ thể, chị Thúy Hà hiện đang trọ cùng với 2 người bạn của mình tại Cầu Giấy. Với căn nhà thuê rộng 25m2 với mức giá thuê là 3 triệu một tháng tính cả các chi phí phụ thu khác như điện, nước, mạng, vệ sinh. Tính ra, mỗi tháng chị Thúy Hà mất 1 triệu tiền thuê nhà.
Là người thích nấu ăn và cũng không ăn được đồ ăn bên ngoài, theo chị Thúy Hà chia sẻ, rất nhiều lần ăn thức ăn của các quán ăn gần công ty đều có biểu hiện đau bụng và khó chịu. Chính vì thế, chị quyết định mang cơm nấu sẵn từ nhà đi để đảm bảo an toàn vệ sinh, cũng như tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Quê chị Thúy Hà ở Tuyên Quang, đặc biệt, đất nhà rất rộng nên bố mẹ có hẳn vườn ao và đất trồng rau rất lớn. Hàng tuần, chị thường nhờ mẹ gửi xe khách các loại đồ ăn sạch của nhà trồng được để tiêu thụ. Chỉ vào các ngày cuối tuần, nếu không đủ thực phẩm chị mới phải đi chợ. Nếu đi, chị cũng chọn mua thực phẩm ở chợ sáng. Các loại thịt, cá, đồ ăn mua ở chợ sáng thường khá rẻ và tươi ngon.
Trung bình, một tháng chị Thúy Hà mất khoảng 1 triệu đồng tiền thức ăn phát sinh. Cộng thêm tiền xe khách để lấy đồ ăn sạch từ quê gửi ra là 200.000 đồng. Tổng cộng, chị mất 1,2 triệu cho nhu cầu ăn uống 1 tháng của mình.
Là người trẻ, mới ra trường, chị Thúy Hà còn chưa có xe máy. Phương tiện di chuyển duy nhất để đi làm của chị là sử dụng xe buýt. Hàng tháng, chị mất 200.000 đồng cho việc dán vé xe buýt. Còn di chuyển để đi chợ chị thường dùng xe đạp từ quê mang ra. Tính ra mức di chuyển một tháng của chị là 200.000 đồng.
Bên cạnh đó, chị Thúy Hà cũng không dùng bất cứ loại mỹ phẩm nào ngoại trừ sữa rửa mặt. Một tháng chị mất khoảng 50.000 tiền mĩ phẩm. Về quần áo thì chị cũng không có nhu cầu nhiều, 1 năm mua 1-2 đợt vào thời điểm big sale như cuối mùa, cuối năm… và không lần nào mua quá 2 triệu đồng. Tính ra, 1 tháng chị Thúy Hà chỉ mất trung bình khoảng 170.000 đồng tiền mua sắm.
Ngoài ra, chị tốn khoảng 100.000 đồng tiền điện thoại di động mỗi tháng, cộng với thỉnh thoảng có thêm chi phí hiếu hỉ khoảng 500.000 đồng.
Tập thói quen chi tiêu đúng với mức lương của mình
Theo chị Thúy Hà chia sẻ, với mức lương 5 triệu, chị bắt buộc phải nói không với các loại đồ trang sức đắt tiền như vàng, bạc, nhẫn đeo tay hay vòng cổ,... Bản thân chị cũng cảm thấy mình không cần tốn quá nhiều tiền vào những đồ trang sức đắt tiền như thế.
Nhiều đồng nghiệp của chị cũng thường buồn phiền, bứt rứt khi không mua được quần áo, giày dép, túi xách mới đang hot. Thay vì giống họ, chị Thúy Hà thường mua những món đồ thời trang như quần áo hoặc túi xách tiện lợi dễ sử dụng. Ưu tiên những món đồ có thể hợp với nhiều hoàn cảnh sử dụng khác nhau để tiết kiệm chi phí.
Một điều quan trọng giúp chị Thúy Hà tiết kiệm được tiền với mức lương trung bình chính là việc sử dụng xe buýt công cộng khi di chuyển. Một tháng chị chỉ mất 200.000 đồng cho việc di chuyển của mình thay vì cả triệu đồng như các đồng nghiệp khác. Chọn cách di chuyển này chị sẽ không phải mất tiền cho chi phí sửa chữa, hao mòn phương tiện xe cộ.
Không bị cám dỗ từ những chương trình giảm giá của các nhà hàng, các món ăn vặt, chị Thúy Hà cũng kiên trì với thói quen ăn cơm nhà của mình. Thức ăn vừa sạch, đảm bảo chất lượng lại giúp chị tiết kiệm 1 khoản không nhỏ trong ngân sách tiền ít ỏi của bản thân.
Và điều quan trọng nhất để tập được thói quen chi tiêu chính là tuân thủ đúng theo kế hoạch đã đặt ra. Những khoản tiền chi phát sinh cho các nhu cầu như mua sắm, ăn chơi sẽ không có trong từ điển của một người trẻ với mức lương còn thấp. Tuân thủ đúng theo kế hoạch sẽ giúp bạn tiết kiệm được đúng số tiền mình đã đề ra.