Đưa con đi học bằng siêu xe, người đàn ông Trung Quốc bị các phụ huynh khác "tẩy chay"
Người bố giàu có ở miền Đông Trung Quốc đưa con đi học bằng siêu xe Ferrari 488 đã bị các phụ huynh khác chỉ trích là khoe của và tẩy chay.
Một chiếc Ferrari 488. Ảnh: AP.
Người đàn ông họ Li, bố của một học sinh cấp hai ở Hàng Châu, Chiết Giang, là quản lý cấp cao của một công ty bất động sản. Ông có thu nhập 578.000 USD một năm và lái chiếc Ferrari 488, theo báo địa phương City Express.
Trong nhóm WeChat của phụ huynh, ông Lý được đề nghị hãy… đổi xe chứ đừng đưa con đi học bằng Ferrari. "Dù giàu có cỡ nào thì anh cũng đừng nên khoe khoang như vậy chứ!", một phụ huynh viết.
"Chỉ là đưa con đi học thôi mà, anh không dùng một chiếc xe bình thường được à?", một người khác gửi tin nhắn. "Dù sao thì anh cũng không thiếu tiền".
Thậm chí, giáo viên chủ nhiệm cũng cho rằng việc này sẽ dẫn đến những so sánh không lành mạnh trong lớp học, không có lợi cho việc phát triển tình đoàn kết giữa các học sinh.
Về phần mình, ông Lý từ chối với đề nghị này của các vị phụ huynh cùng lớp con trai. Ông nói, ông đã làm việc cật lực để kiếm tiền chính đáng và sẽ cho con trai mình cuộc sống tốt nhất, chẳng có lý gì mà phải đổi xe.
"Tại sao tôi phải mua một chiếc xe khác chỉ vì yêu cầu của các anh chị. Nếu chỉ nhìn người khác đi xe hơi sang mà cũng tổn thương, e là con các vị đã quá nhạy cảm rồi". Cũng chỉ vì những lời này mà ông Lý bị loại khỏi nhóm WeChat của nhóm phụ huynh.
Câu chuyện này đã tạo ra một làn sóng tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc với 30.000 bình luận và hơn 12.000 lượt chia sẻ trên Weibo. Nhiều người không đồng ý với cách hành xử của giáo viên.
Những người khác nói rằng giáo viên và các phụ huynh lẽ ra có thể sử dụng việc này như cơ hội để trẻ em hiểu về cuộc sống và tiền bạc. "Khoảng cách giàu nghèo luôn tồn tại. Tốt hơn là giáo dục cho trẻ em đối mặt với nó chứ không phải là công kích những người đi xe thể thao", một người bình luận.
Chỉ số Gini (tức chỉ số đo lường sự bất bình đẳng thu nhập) đo được ở Trung Quốc tăng lên 0,465 hồi năm ngoái, theo Liên Hợp Quốc. Ở Mỹ, chỉ số này là 0,497.