Dù thích niềng răng đến mấy nhưng rơi vào 4 trường hợp này thì tốt nhất không nên

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Muốn hàm răng đều đẹp, nhiều chị em nghĩ ngay đến việc niềng răng. Thực tế thì chưa chắc bạn đã phù hợp với kiểu thẩm mỹ này.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của con người càng được nâng cao. Vì thế, niềng răng cũng được xem là phương pháp được đông đảo mọi người lựa chọn để nâng cao tính thẩm mĩ phần hàm mặt. Đây là phương pháp mang đến hiệu quả cao để mọi người có được nụ cười đẹp và hàm răng thẳng tắp. 

"Có nên niềng răng hay không và liệu rằng niềng răng có phải là quyết định chính xác" là những thắc mắc của nhiều khách hàng khi có nhu cầu muốn chỉnh nha. Tư vấn của BS Nguyễn Thanh Tuấn (chuyên khoa Răng Hàm Mặt, làm việc tại Hà Nội) sẽ khiến bạn có cái nhìn được thấu đáo và khoa học nhất về quyết định niềng răng!

Dù thích niềng răng đến mấy nhưng rơi vào 4 trường hợp này tốt nhất không nên! - Ảnh 1.

BS Nguyễn Thanh Tuấn. (Ảnh: BSCC)

Những trường hợp tuyệt đối không nên niềng răng

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn nhận định: "Niềng răng là một trong những phương pháp được chỉ định làm khi răng có những khuyết điểm như hô, móm, răng khấp khểnh, mọc lệch, thưa… Mục tiêu của việc chỉnh nha này là giúp bạn có một nụ cười đẹp, hàm răng đều, thẳng và cuối cùng là nhai tốt, ít gặp bệnh răng miệng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể niềng răng". Đó là:

Người có bệnh lý nha chu nghiêm trọng tuyệt đối không nên niềng răng

Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh, viêm nha chu xảy ra khi vi khuẩn tấn công vào lợi và gây sưng viêm. Ban đầu chỉ là viêm nướu nhưng sau đó sẽ tiến triển thành viêm nha chu. Lúc này, các tổ chức bị tổn thương gồm xương hàm, lợi, nướu, dây chằng xung quanh răng... làm cho răng mất khả năng nâng đỡ nên ngày càng suy yếu.

Dù thích niềng răng đến mấy nhưng rơi vào 4 trường hợp này tốt nhất không nên! - Ảnh 2.

Người có bệnh lý nha chu nghiêm trọng tuyệt đối không nên niềng răng. (Ảnh minh họa)

Người bị viêm nha chu thuộc nhóm những người không nên niềng răng vì lực tác động trong quá trình chỉnh nha làm dịch chuyển răng sẽ gia tăng mức độ đau đớn, răng bị lung lay và thậm chí còn có thể mất răng.

Vì thế, trước khi quyết định niềng răng, nếu đang bị bệnh nha chu thì nên trao đổi với bác sĩ nha khoa để điều trị dứt điểm bệnh lý này rồi mới bắt đầu quá trình chỉnh nha. Đây là cách tốt nhất để tránh những rủi ro không mong muốn xảy ra cho sức khỏe răng lợi.

Người có răng và xương hàm quá yếu nên cân nhắc khi niềng răng

BS Tuấn cho rằng, đây là trường hợp đặc biệt mang tính cá nhân do cấu trúc và nền tảng xương hàm yếu. Niềng răng đòi hỏi xương hàm khỏe mạnh, nếu không, khi dịch chuyển, răng sẽ gây áp lực lên xương hàm. Trường hợp này nếu niềng thì răng có thể dịch chuyển nhưng không thể duy trì được lâu dài, răng sẽ chạy lại về vị trí cũ do lực ăn nhai hay các tác động khác từ bên ngoài.

Ngoài ra, người có các vấn đề về khớp hàm như thoái hóa khớp, có thể làm tăng rủi ro cho sức khỏe răng lợi khi niềng răng. Áp lực từ quá trình chỉnh nha có thể ảnh hưởng đến khớp hàm, gây đau và khó chịu cho người niềng răng. Trong những trường hợp này, cần phải tìm phương pháp điều trị khác phù hợp với tình trạng của khớp hàm.

Dù thích niềng răng đến mấy nhưng rơi vào 4 trường hợp này tốt nhất không nên! - Ảnh 3.

Người có răng và xương hàm quá yếu nên cân nhắc khi niềng răng. (Ảnh minh họa)

Người đã bọc răng sứ hay trồng răng implant cũng không nên niềng răng

Theo BS Tuấn, với những người trồng răng giả hay bọc sứ cũng nên cân nhắc việc niềng răng. Bởi khi tiến hành kéo siết niềng có thể làm lung lay chân răng giả, đồng thời độ chắc và tích hợp của trụ implant vào xương hàm lớn cũng có thể khiến lực kéo chỉnh nha thất bại. 

Chưa kể, răng sứ khi niềng dễ bị vỡ, mẻ, hiệu quả niềng răng không tối ưu.

Người mắc bệnh lý toàn thân cũng nên cân nhắc khi niềng răng

Bác sĩ Tuấn cho rằng, một số người mắc bệnh lý toàn thân như động kinh, tâm thần, tim mạch nặng, bệnh tiểu đường, căn bệnh ác tính như ung thư... không nên niềng răng là bởi khả năng chống lây nhiễm đã rất kém, việc xử lý vấn đề ở răng có thể tạo ra vết thương khó liền, rất dễ gây nhiễm trùng nặng.

Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, động kinh chống chỉ định với phương pháp chỉnh nha

"Chính stress, đau đớn trong quá trình thực hiện, điều trị có thể gây ra chứng khó thở, tim đập nhanh, suy tim... hay khiến người bệnh tái phát cơn động kinh bất cứ lúc nào. Vì thế, người bệnh cần thăm khám và gặp trực tiếp bác sĩ tư vấn, nói rõ về tình trạng của bản thân trước khi quyết định chỉnh nha để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Dù thích niềng răng đến mấy nhưng rơi vào 4 trường hợp này tốt nhất không nên! - Ảnh 4.

Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, động kinh chống chỉ định với phương pháp chỉnh nha. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, những người có tiền sử cơ địa dị ứng rất dễ gặp phản ứng dị ứng với vật liệu chỉnh nha. Trong trường hợp này, việc niềng răng có thể gây kích ứng và khiến họ gặp các vấn đề sức khỏe. Do đó, người có tiền sử dị ứng cũng được khuyến nghị không nên niềng răng.

Ai có thể niềng răng? Độ tuổi nào được xem là lý tưởng?

Khi nào cần niềng răng là thắc mắc của nhiều bạn. BS Tuấn cho rằng, những trường hợp nên niềng răng thường gặp là các sai lệch về răng như răng hô, móm, thưa, lệch lạc, khớp cắn hở, khớp cắn chéo, răng mọc ngầm… Những trường hợp này khi niềng sẽ đem lại tính thẩm mĩ rất cao. Cụ thể:

- Răng hô: Răng cửa hàm trên nằm quá xa về phía trước so với hàm dưới. Điều này ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, về lâu dài ảnh hưởng đến xương hàm và khớp thái dương.

- Răng móm: Răng cửa hàm dưới quá xa về phía trước so với răng ở hàm trên. Nguyên nhân gây ra tình trạng răng móm có thể do bẩm sinh di truyền hoặc cũng có thể là do những thói quen xấu từ nhỏ như: Mút tay, mút môi, đẩy lưỡi.

- Răng thưa: Tình trạng răng mọc xa nhau, không khít sát trên khung hàm khiến cho bạn cảm thấy mất tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quanh. 

Dù thích niềng răng đến mấy nhưng rơi vào 4 trường hợp này tốt nhất không nên! - Ảnh 5.

Khi nào cần niềng răng là thắc mắc của nhiều bạn. (Ảnh minh họa)

- Răng khấp khểnh: Răng khấp khểnh và chen chúc thường xuất phát bởi cấu trúc xương hàm, cách chăm sóc, can thiệp chỉnh nha sai thời điểm.

- Răng cắn ngược: Răng trên không khớp cùng răng dưới như bình thức lúc cắn lại.

- Răng cắn hở: Khi mà hàm trên cùng hàm dưới cắn lại xuất hiện khoảng hở giữa các bề mặt cắn của phần răng cửa.

- Khe hở răng cửa giữa: Răng cửa giữa hàm trên không thẳng hàng với răng cửa giữa hàm dưới hình thành khoảng hở.

- Răng sai khớp cắn: Tình trạng răng sai khớp cắn thường gặp đó là khớp cắn gối đầu, khớp cắn ngược, khớp cắn sâu, răng mọc chen chúc,…

Theo BS Nguyễn Thanh Tuấn, trong niềng răng không có giới hạn độ tuổi. Chính vì vậy, ở bất kỳ độ tuổi nào nếu bạn có những sai lệch về răng thì đều có thể tiến hành niềng để cải thiện theo mong muốn.

Dù thích niềng răng đến mấy nhưng rơi vào 4 trường hợp này tốt nhất không nên! - Ảnh 6.

Thông thường độ tuổi niềng răng lý tưởng để đạt hiệu quả tốt nhất là ở độ tuổi trẻ em và đang phát triển. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên bạn nên niềng răng ở độ tuổi còn trẻ bởi lúc này răng và xương hàm vẫn còn đang phát triển, mềm dễ nắn chỉnh hơn so với lớn tuổi. Khi đã lớn tuổi, răng và xương đã ngừng phát triển, cứng chắc.

Thông thường độ tuổi niềng răng lý tưởng để đạt hiệu quả tốt nhất là ở độ tuổi trẻ em và đang phát triển. Càng lớn tuổi hiệu quả niềng sẽ cảm giảm, chi phí càng cao và mức độ đau, khó khăn khi chỉnh nha cũng nhiều hơn.

Chính vì vậy, bác sĩ Tuấn khuyên những bạn trẻ hoặc những bậc phụ huynh có con, em đang trong độ tuổi thích hợp niềng, có sai lệch về răng thì nên thăm khám sớm để can thiệp chỉnh nha kịp thời đạt kết quả như mong đợi.

Ngoài ra, các bạn trẻ cũng nên chủ động thăm khám răng với các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được thăm khám chuyên sâu như chụp phim X-quang. Ngoài ra, nếu răng có những sai lệch bạn nên điều trị để kịp thời để có thể sở hữu cho chính mình nụ cười đẹp hơn.

Chia sẻ