Khách Tây-quán ta

Dù sợ nhưng khách Tây vẫn bị ẩm thực Việt mê hoặc

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Mặc dù khách quốc tế coi thưởng thức ẩm thực đường phố Việt là một "sự liều lĩnh" nhưng trong suốt hành trình từ Bắc chí Nam, họ vẫn “săn lùng” cho được đặc sản của các vùng miền.

Có sự khác biệt về ngôn ngữ, các vị khách quốc tế khó phát âm chuẩn tên gọi các món ăn Việt nhưng họ nói không hề “ngại khó ngại khổ” để được thưởng thức chúng.

Qua những chuyến du lịch Việt Nam, cộng đồng blogger trên trang du lịch Jack and Jill nhận thấy đồ ăn "tràn ngập" trên các đường phố của dải đất hình chữ S: “Vào buổi sáng, khắp mọi nơi trên đường phố, bạn sẽ nhìn thấy cảnh tượng người người ngồi trên những bộ bàn ghế nhỏ, sì sụp húp mì. Là người mới, bạn khó lòng nhận ra được họ là thực khách trong một tiệm ăn hay chỉ đơn giản là một gia đình đang quây quần ăn sáng cùng nhau trước cửa nhà?”.

Đối với Jack and Jill, khi đã được cảm nhận tinh túy của những món ăn ngon nhất Việt Nam, việc phải đi lại xa xôi hay gặp khó khăn, trắc trở của cuộc hành trình... vẫn trở nên "nhẹ tựa lông hồng".
 



Những món ăn "từ Nam chí Bắc" gây ấn tượng nhất với thực khách quốc tế:
 
1. Phở
 
Đây là món ăn truyền thống của người Việt. Phở được ăn kèm rau sống (giá đỗ, húng quế,...). Để bát phở trọn vị, tốt nhất nên nêm thêm vào một chút dấm tỏi hoặc tương ớt. Qua quan sát của blogger, phổ biến nhất ở Việt Nam vẫn là phở bò và phở gà nhưng cũng có thêm phở chay. Phở chay thường được tìm thấy trong những quán phở lớn như Phở 24.

Tại Sài Gòn, quán phở chay ngon nhất mà blogger từng thưởng thức là Phở 2000.
 
Phở chay tại tiệm Phở 2000, Sài Gòn
 
2. Bánh mì
 
Nếu phở là “quốc ẩm” thì bánh mì chính là đồ ăn nhẹ phổ biến. Những hàng bán bánh mì có mặt ở nhiều góc phố. Bánh mì có thể được kẹp thịt lợn thái sợi, ba-tê gan, cá mòi đóng hộp hoặc trứng chiên,... kèm theo dưa góp tự chế với cà rốt, đu đủ ngâm dấm và thêm rau mùi. Tất cả thành phần này đều ẩn giấu dưới lớp vỏ bánh mì Pháp thơm giòn.
 
Tác giả đã phải thốt lên: “Quá tuyệt vời! Giá của mỗi chiếc bánh mì này chưa tới 1 USD. Với giá phải chăng như thế, đây chính là bữa ăn nhẹ hoàn hảo cho chọn lựa của chúng ta!”.
 
Những tiệm bánh mì và người bán hàng thường là phụ nữ.

3. Mì Quảng
 
Đây là đặc sản của Đà Nẵng. Một bát mì Quảng sẽ bao gồm sợi mì gạo, trứng luộc, thịt lợn, tôm và húng quế. Nước dùng chỉ chan sâm sấp để giữ cho mì ướt. Ăn mì quảng không thể thiếu lạc rang và bánh đa mè. Chính hai thành phần này làm cho hương vị của Mì Quảng khác biệt rõ rệt so với các món mì, phở khác.
 
Mì Quảng

4. Bánh bao - bánh vạc (White rose)
 
Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng nên đặc sản này của Hội An còn có tên là White Rose (hoa hồng bạch). Lớp bột gạo ở bên ngoài là vỏ bánh, bên trong bọc tôm. Bánh bao - bánh vạc là hai loại bánh khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt.

Theo kinh nghiệm của blogger, chất lượng bánh bao -  bánh vạc của các tiệm khác nhau ở Hội An vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, blogger thích nhất là những chiếc bánh hội tụ đủ hai yếu tố: vỏ mỏng - trong và hành khô ăn kèm phải được phi thơm giòn.
 
Bánh Bao - Bánh Vạc (Hoa hồng trắng) tại quán BoBo Cafe, Hội An.

5. Cao Lầu
 
Blogger của Jack and Jill nhận định Cao Lầu mà họ được thưởng thức ở Hội An là “bát Cao Lầu đích thực”: sợi cao lầu dai - chắc, những miếng thịt lợn được chọn từ chân giò, nhiều nạc ít mỡ. Chính sự đơn giản đã làm nên hương vị tuyệt vời cho món cao lầu!
 
Cao Lầu, Hội An

6. Bia Hơi
 
Nơi bán nhiều bia hơi và bia tươi (loại sản xuất trong nước) nhất là Thủ đô Hà Nội. Nhấm nháp một cốc bia, tí tách cắn hạt hướng dương, hạt bí và cùng nói chuyện với những người dân địa phương là một điều thú vị cho buổi tối.
 
Tuy nhiên, blogger của Jack and Jill cũng hài hước khuyên khách du lịch rằng dù bia hơi rất ‘ngon’ nhưng cũng không nên uống quá nhiều bởi hàm lượng nước của nó nhiều hơn chúng ta nghĩ!
 
Bia hơi ồn ào một góc phố cổ, Hà Nội.
Chia sẻ