“Dự báo thời tiết sai, thì sao?”

N.Đ.Q,
Chia sẻ

Về tình hình dự báo thời tiết, TS Nguyễn Đăng Quang, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn vừa, Hạn dài, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương có đôi lời chia sẻ của người làm trong nghề.

Siêu dông đã qua đi, đường phố Hà Nội nhiều nơi vẫn chưa thu dọn hết cây đổ, cột điện gẫy. Dưới góc nhìn của một người làm chuyên môn, anh có nhận xét gì về hiện tượng này?”

Có thể khẳng định cơn dông xảy ra vào chiều tối 13/06 tại Hà Nội là một trong những cơn dông mạnh nhất từng được ghi nhận tại Hà Nội. Gió trong cơn dông đạt cấp 8-9 (60-90km/h), có nơi giật cấp 10 (90-100km/h). Cơn dông này đã đạt cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2, cấp cao nhất của hiện tượng lốc, sét và mưa đá có thể gây ra. Đã có thiệt hại về người và tài sản. Chúng tôi xin được chia sẻ nỗi mất mát này với các gia đình bị nạn. 

Quay trở lại câu hỏi này, cảnh báo các hiện tượng thời tiết có quy mô như cơn dông vừa qua (kích thước ổ dông ban đầu cỡ 18-25km, thời gian cơn dông quét qua Hà Nội khoảng 30-60 phút) không chỉ là thách thức đối với cơ quan dự báo khí tượng nước ta mà đó còn là thách thức chung của các cơ quan dự báo khí tượng trên thế giới tại thời điểm hiện tại. Với những hiện tượng thời tiết quy mô nhỏ như vậy, trong khí tượng sử dụng thuật ngữ “nowcasting” - cảnh báo tức thời - để phân định khả năng dự báo thời tiết, cảnh báo một số hiện tượng thời tiết. Công cụ chính được sử dụng trong nowcasting hiện nay đó là các tín hiệu radar, vệ tinh và quan trắc thực tế được cập nhật với tần suất cao. Ở những nước có trình độ công nghệ cao, những dữ liệu này được cập nhật 5-10 phút. Tuy nhiên nowcasting tốt nhất cũng chỉ có thể đưa ra những cảnh báo sớm trước 3-6h. Với cơn dông 13/6, chúng tôi đã cảnh báo được sớm khoảng 30-45 phút trước khi nó càn quét Hà Nội. Cơ quan cũng đã gửi tin cảnh báo trên website và truyền tin tới các đơn vị có trách nhiệm liên quan. 

mưa dông
Cây cổ thụ to lớn bị gió quật ngã trên đường Giải Phóng

Một điểm then chốt cần được trao đổi ở đây đó là bên cạnh việc thường xuyên tăng cường công nghệ, năng lực dự báo thời tiết cảnh báo thì vấn đề làm sao tin cảnh báo tới được cộng đồng trực tiếp, hiệu quả là một thách thức vô cùng lớn nữa mà người làm dự báo chúng tôi mong muốn có được sự thông cảm của xã hội. 

Với cơn dông 13/06, cơ quan khí tượng đã cảnh báo sớm cho người dân trước 30-45 phút trước khi hiện tượng xảy ra. Điều gì sẽ xảy ra nếu cơ quan không dự báo được hiện tượng hoặc dự báo sai? 

Tôi hình dung câu hỏi này có liên quan đến những thảo luận trong Dự thảo luật Khí tượng thủy văn ngày 10/6 tại phiên họp của Quốc hội về việc có hay không một chế tài xử phạt nếu cơ quan dự báo dự báo sai. Câu hỏi này cũng làm tôi nhớ đến một sự kiện hy hữu trên thế giới. Đó là vụ việc tòa án Italy ngày 22/10/2012 đã kết tội sáu nhà khoa học đã dự báo sai trận động đất tại thành phố Aquila, Italy. Ngay sau đó, hơn 5000 nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đã gửi thư ngỏ tới tổng thống Italy nhằm phản đối phán quyết của phiên tòa. Theo lý lẽ của các nhà khoa học, sản phẩm cuối cùng của mọi bộ môn dự báo, bao gồm cả các dự báo kinh tế xã hội, là những con số xác suất. Bản thân từ “dự báo” đã hàm chứa yếu tố không chắc chắn trong đó. Ngày 10/11/2014, sáu nhà khoa học nói trên đã được xóa án tại tòa, kết thúc quá trình tìm kiếm sự công bằng cho khoa học. 

Tôi nghĩ người làm công tác chuyên môn, khoa học sẽ bị xử phạt nếu họ cố tình làm sai lệch kết quả dự báo. Nếu họ trung thực với những số liệu, dữ liệu và kết quả phân tích, thì dù thực tế xảy ra có khác xa với dự báo họ cũng cần nhận được những đánh giá công bằng. Tôi cho rằng những thảo luận về Dự thảo Luật khí tượng thủy văn vừa qua là xác đáng, sẽ giúp cho chúng tôi rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh các quy định về giám sát quy trình, quy phạm nghiệp vụ đang được triển khai lâu nay. 
Chia sẻ