Dự án cộng đồng sáng tác tranh, tượng về văn hoá các dân tộc của học sinh Hà Nội
Trong dự án này, học sinh được học về tư duy nghệ thuật và các kỹ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc giấy bồi, sơn mài, sơn dầu,...
Năm học vừa qua, một trong những dự án thực tế nằm trong chương trình học chính khoá của học sinh trường Maya là "Sáng tác tranh, tượng về văn hoá các dân tộc Việt Nam", với mục tiêu cổ vũ người trẻ quan tâm hơn đến các giá trị văn hoá. Hành trình ý nghĩa và đầy cảm hứng của nhóm dự án đang được kể lại tại Triển lãm Phát Triển Bền Vững "Những Dấu Chân Nhỏ" - Mùa 3 diễn ra tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật - số 22 Hàng Buồm.
Văn hoá - Nghệ thuật dưới con mắt của các bạn trẻ
Khởi nguồn từ thực trạng nhiều người trẻ chưa thật sự có kiến thức về văn hoá các dân tộc Việt Nam, trong khi sự hiểu biết này là tiền đề quan trọng cho tình yêu đất nước, nhóm học sinh THCS Maya đã dành một năm học để nghiên cứu và sáng tác những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về mặt thẩm mỹ, và sâu sắc về ý nghĩa văn hoá. Qua đó, các bạn muốn truyền cảm hứng để người trẻ quan tâm hơn đến văn hoá dân tộc - những nét đẹp đang dần bị lãng quên.
Từ chuyến tham quan để quan sát và phỏng vấn người dân của các dân tộc như Mường, Tày, JRai, Ê Đê, H'Mông,... cùng với những giờ nghiên cứu thứ cấp, các bạn học sinh dần say mê với những câu chuyện độc đáo, đa dạng của các dân tộc trên khắp đất nước. Ở đó, các bạn biết rằng người Tày đặt hình ảnh con nhện vào đôi gối cưới với mong muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình trăm năm bền lâu, hay người Ê Đê có cách huấn luyện voi đặc biệt để dù voi đi đâu cũng biết đường trở về với buôn làng.
Trong dự án này, các bạn học sinh Maya còn được học về tư duy nghệ thuật và các kỹ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc giấy bồi, sơn mài, sơn dầu từ các nghệ sĩ có tên tuổi trong nghề, mở ra thế giới bao la của sáng tạo và trí tưởng tượng. Từ đó, niềm cảm hứng từ những tạo hình văn hoá đặc sắc được chuyển hoá thành những tác phẩm nghệ thuật hữu hình, tận dụng các chất liệu bền vững với môi trường như giấy bồi, gỗ ghép thanh, gỗ vụn thừa tại các xưởng sản xuất.
“Từ nguồn cảm hứng về văn hóa các dân tộc Việt Nam, các bạn đã biết chắt lọc và sáng tạo chủ động chứ không theo khuôn mẫu có sẵn, để từ đó đưa ra cái nhìn riêng với lăng kính hồn nhiên vui tươi của tuổi trẻ… Một số tác phẩm thực sự xuất sắc và chuyên nghiệp. Tôi nghĩ dự án đã thành công khơi dậy tình yêu, cảm hứng và nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật nơi các con. Đó là hành trang quan trọng trên con đường đi tới thành công của các con trong tương lai”, Nghệ sĩ - Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh chia sẻ sau quá trình làm việc với các bạn học sinh trong dự án.
Thế hệ trẻ chung tay gìn giữ văn hoá
Trước thực tế rằng với nhiều người trẻ, văn hoá dân tộc dường như vẫn bị coi là "kém thu hút" so với những trào lưu mới mà xã hội hiện đại mang tới, thì chính những bạn trẻ nên là người khởi xướng, hành động để truyền tải vẻ đẹp của văn hoá dưới những góc nhìn sáng tạo, từ đó truyền cảm hứng tới bạn bè cùng thế hệ. Đó chính là điều mà các thành viên trong dự án "Sáng tác tranh, tượng về văn hoá các dân tộc Việt Nam" nỗ lực thực hiện trong suốt 10 tháng qua.
Ở Trường PTLC Song ngữ Maya, chương trình giáo dục áp dụng phương pháp “Học qua dự án" (Project-Based Learning) cung cấp cho các bạn học sinh điều kiện và môi trường thuận lợi để tự tin, chủ động hành động để hiện thực hóa những ý tưởng tốt đẹp ấy cho cộng đồng.
Với dự án “Sáng tác tranh, tượng về văn hoá các dân tộc Việt Nam", những câu chuyện văn hoá, những tạo hình thể hiện phong tục, tập quán đã lưu truyền từ bao đời, được kể dưới hình hài của các tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc, cùng lời dẫn của chính các tác giả trẻ tuổi - đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều khán giả trẻ đến tham gia Triển lãm Phát Triển Bền Vững “Những Dấu Chân Nhỏ" - Mùa 3.
"Con thích nhất tác phẩm Cuộc Di Cư Của Đàn Cá vì những con cá được trang trí với màu sắc rất rực rỡ. Khi được giải thích về cảm hứng của tác phẩm, con được biết rằng khi người Mường đắp bếp, chủ nhà sẽ lấy bẹ chuối cắt thành hình con cá, nướng qua bếp rồi buộc lên cột cái của ngôi nhà hoặc gác bếp để cầu cho bếp luôn đỏ lửa, gia đình sung túc và no đủ. Con cảm thấy rất ấn tượng và muốn tìm hiểu thêm về nét sinh hoạt này của người Mường", bạn Vũ Nguyễn Hiền Anh - Học sinh lớp 10, Cầu Giấy - Hà Nội chia sẻ khi tham quan Triển lãm “Những Dấu Chân Nhỏ".
Mặt khác, bên cạnh những đóng góp của dự án cho cộng đồng, đây cũng là cơ hội để mỗi thành viên trau dồi cho chính mình ý thức trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu và các kỹ năng quan trọng nằm trong 16 kỹ năng của thế kỷ 21 mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nghiên cứu và đề xuất, như kỹ năng giao tiếp, cộng tác, tư duy phản biện & giải quyết vấn đề…