Cứ hè đến là phụ huynh lại nhao nhao đăng ký cho con làm điều này: Chuyên gia cảnh báo, không "tỉnh táo" thì vài hôm "mèo lại hoàn mèo"

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Đua nhau cho con làm điều này, cha mẹ có “ném tiền qua cửa sổ”?

Mùa hè là quãng thời gian quan trọng để các em học sinh thư giãn và trải nghiệm màu sắc cuộc sống qua những hoạt động khác nhau. Cho con học gì, chơi gì để vừa tạo niềm vui, vừa mang lại những bài học thiết thực luôn là điều nan giải của nhiều cha mẹ.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, có nhiều phương án được phụ huynh hiện nay lựa chọn. Trong đó, phổ biến nhất là đi học kỹ năng sống.

Cách đây chắc khoảng 10 năm, phong trào cho con đi học kỹ năng sống bắt đầu manh nha, rồi rầm rộ và ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn với đủ loại hình thức. Chủ yếu vẫn là các con sẽ được tham quan một vài nơi, tham dự một vài hoạt động để phát triển các kỹ năng sống cần thiết.

Cứ hè đến là phụ huynh lại nhao nhao đăng ký cho con làm điều này: Chuyên gia cảnh báo, không "tỉnh táo" thì vài hôm "mèo lại hoàn mèo" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhiều nơi quảng cáo chỉ vài ba ngày cưỡi ngựa xem hoa, chơi các trò chơi vận động, tập nấu nướng, tập gấp mùng mền, tập thể thao mỗi sáng... là từ một đứa trẻ lười biếng, ỷ lại, chậm chạp, vô kỷ luật... có thể trở thành đứa con tự lập, biết yêu thương và hiếu thảo. Tuy nhiên, một thực tế được nhiều phụ huynh cùng chia sẻ, sau khi trở về từ khóa học, con thay đổi ý thức rất tốt. Nhưng chỉ được vài tuần, một thời gian sau “đâu lại vào đấy”.

Chuyên gia Lê Khanh cho biết, các hoạt động cá nhân như ăn uống, tắm rửa, thay quần áo, làm vệ sinh… sẽ được gọi là kỹ năng sống khi nó được thực hiện một cách tự tin, tự giác, gọn gàng, ngăn nắp, cùng với những giá trị sống đi kèm. Nhưng cũng những hành động này, mà đứa trẻ phải thực hiện dưới sự giám sát, cưỡng chế, thực hiện một cách miễn cưỡng, tùy tiện làm cho xong việc, thì không thể gọi đó là kỹ năng sống được.

"Một em thiếu niên được bố mẹ đăng ký cho đi học một khóa học hay tham gia một trại hè trải nghiệm. Trong khuôn khổ các hoạt động tại đây, em miễn cưỡng làm theo các yêu cầu của ban tổ chức. Cuối học kỳ, hay khi kết thúc trại, em gặp lại bố mẹ rất vui mừng, cảm động, ôm hôn các kiểu và húa sẽ trở thành trò giỏi, con ngoan. Vậy là em đã có được các kỹ năng sống chưa? Sau vài ngày vui vẻ tại gia đình thì gần như chắc chắn là "mèo vẫn hoàn mèo", ông Khanh nói.

Rèn kỹ năng sống cho con ra sao?

Vậy thì ta phải dạy trẻ như thế nào để các em học được các kỹ năng sống này, nếu không cho tham gia các buổi học hỏi và trải nghiệm ngoài xã hội?

Theo ông Khanh, các trại hè trải nghiệm, các buổi tham quan ở các khu nghỉ dưỡng hay bất kỳ một hoạt động ngoài trời nào đều cần thiết và hữu ích cho việc thay đổi không khí, giải trí, hay vui chơi, nghỉ ngơi giống như đi du lịch... Đồng thời, có khả năng rèn luyện sự tự tin, can đảm, khéo léo cho trẻ. Dĩ nhiên là phải được thiết kế hết sức an toàn và có sự giám sát nghiêm ngặt.

Thế nhưng, đó không phải là việc rèn luyện kỹ năng sống. Gọi là kỹ năng sống là khi đứa trẻ có được sự tự tin vào bản thân, tự chủ trong suy nghĩ và tự giác trong các sinh hoạt hàng ngày, mà điều này không thể xây dựng trong một vài ngày hay một, hai tuần được. Chính việc tự ý thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách tử tế với tinh thần trách nhiệm cao mới thực sự là những hoạt động rèn luyện kỹ năng sống.

Nói cách khác – chúng ta không dạy trẻ về kỹ năng sống, mà chúng ta tạo cơ hội, trao quyền và khuyến khích trẻ tự ý, tự giác, tự nguyện thực hiện các hoạt động phục vụ bản thân và phục vụ những người xung quanh một cách tự chủ, trong ý thức tự do làm chủ bản thân.

Bởi vì chỉ có ý thức của chính mình mới hình thành nên những hoạt động của mình, để giúp mình. Việc giúp trẻ phát triển hoạt động để thực hành các kỹ năng sống cần đi cùng với các giá trị sống, không phải chỉ đến hè mới được tổ chức thông qua các hoạt động bên ngoài mà nó là những hoạt động thường xuyên. Cha mẹ cần tạo cơ hội cho các em thực hành và chính mình cũng là một hình mẫu cùng hoạt động với con trong cuộc sống hàng ngày.

Còn nếu phụ huynh vẫn muốn cho con tham gia các khóa để "đổi gió", hạn chế thiết bị điện tử hay tạo nền tảng tự lập ban đầu, thì cha mẹ phải "tỉnh táo" lựa chọn những địa chỉ uy tín, có chương trình hoạt động cụ thể, đồng thời xem xét lựa chọn theo sở thích của con và đánh giá mức tiền bỏ ra có xứng đáng với kết quả mong đợi hay không? Hãy dựa vào giá trị thực nhận được so với khoản đầu tư ấy có xứng đáng hay không?

Một đơn vị đào tạo kỹ năng sống uy tín cần cả một công nghệ đào tạo hoàn chỉnh và một quá trình nghiên cứu nghiêm túc chứ không phải giáo viên tự vạch ra kỹ năng và chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm với mục đích thu được lợi nhuận là chính. Chưa kể, cơ sở vật chất không bảo đảm, thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng… sẽ là mối nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ nhỏ.

Cha mẹ cũng cần xác định khóa học trong một thời gian rất ngắn không thể trông chờ vào sự thay đổi kỹ năng sống của trẻ. Đây chỉ là những kỹ năng ban đầu để các em có thể bước vào cuộc sống tự tin hơn. Vì thế, cha mẹ không nên quá áp đặt hay kỳ vọng quá nhiều. Các tổ chức giáo dục kỹ năng sống chỉ có thể hỗ trợ rèn kỹ năng chứ không thể đóng vai trò quyết định.

Chia sẻ