Đòi tự tử vì bị bắt nạt qua facebook, tin nhắn

Theo Tiền Phong,
Chia sẻ

Bên cạnh việc bị bắt nạt, bạo lực, quấy rối tình dục trực tiếp, nhiều học sinh hiện nay còn bị bắt nạt, bạo lực, quấy rối tình dục qua phương tiện thông tin điện tử như facebook, tin nhắn. Những hành động vô hình này đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển thể chất, tinh thần của học sinh, thậm chí nhiều em còn muốn tự tử.

Đòi tự tử vì bị bắt nạt qua facebook, tin nhắn 1

Tổ chức Plan Việt Nam (một tổ chức phi chính phủ quốc tế) hôm qua chia sẻ kết quả nghiên cứu thực trạng bạo lực giới trong trường học ở Hà Nội. Trong số 3.000 học sinh được khảo sát ở lứa tuổi 11-18 có tới 40% từng bị bắt nạt trong sáu tháng qua. Trong đó, học sinh nữ bị bạo lực tinh thần cao hơn học sinh nam và học sinh nữ ở độ tuổi 15-17 bị xâm hại, quấy rối tình dục nhiều nhất. Có 62% học sinh nam đánh giá đường đến trường an toàn trong khi chỉ có 42% học sinh nữ cảm thấy như vậy.

Báo cáo chỉ ra điểm mới là tình trạng học sinh bị bắt nạt qua các phương tiện thông tin điện tử như facebook, tin nhắn. Cứ 100 học sinh thì có 6 học sinh bị bắt nạt. Gần một nửa trong số các em không biết người gây ra hành vi bắt nạt qua phương tiện điện tử. Tuy nhiên, hành động vô hình này lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất, tinh thần ở học sinh. Theo nghiên cứu, 3/4 học sinh bị bạo lực đều cảm thấy bị ảnh hưởng về thể chất, tinh thần, thân thể, có em muốn tự tử, có em cảm thấy bị cô lập, xa lánh, có em sợ đến trường, cảm thấy buồn bã thất vọng.

Đáng chú ý, có tới 2/3 phụ huynh và một nửa giáo viên khi được con, em báo cáo về tình trạng bị bạo lực học đường lại tỏ ra thờ ơ. “Một học sinh nói với tôi, khi em kể cho mẹ nghe chuyện bị quấy rối tình dục, mẹ em liền bảo “chắc mày ăn mặc thế nào chứ””, bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý của tổ chức Plan tại Việt Nam chia sẻ. Khoảng 2/3 phụ huynh đổ lỗi cho con và không có hành động gì khi con chia sẻ về trải nghiệm bạo lực. Điều này khiến học sinh khi bị bạo lực học đường thường tự mình giải quyết. Qua đó tiềm ẩn những ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý. “Việc học sinh bị bạo lực không thường xuyên phản ánh, báo cáo sự việc với giáo viên hoặc phụ huynh cho thấy, bạo lực học đường và hậu quả của nó vẫn chưa được coi trọng đúng mức ở các trường học”, bà Lan nói.
 

“Một học sinh nói với tôi, khi em kể cho mẹ nghe chuyện bị quấy rối tình dục, mẹ em liền bảo “chắc mày ăn mặc thế nào chứ””.

Bà Lê Quỳnh Lan - Quản lý của tổ chức Plan tại Việt Nam chia sẻ.
Chia sẻ