Những chú chó mèo bị bỏ rơi và hàng rau của bà cụ không gia đình ở Sài Gòn
Đã từ rất lâu, người dân trên đường Nguyễn Huy Tự (Q.1, TP.HCM) đều quen thuộc với dáng người gầy gò, ốm yếu, khuất sau hàng rau của bà Nguyễn Thị Tám. Ở hàng rau đấy, bà Tám cùng những chú chó mèo nhặt được đùa vui cả ngày mà không biết chán...
Sáng loay hoay bán mớ rau, đêm về, bà Tám nằm co ro khuất sau hàng rau còn thừa, ôm lũ chó mèo của mình chìm vào giấc ngủ. Bà Tám sinh năm 1930, quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Trước kia, vợ chồng bà đông con nhưng không ngờ cuối cuộc đời, bà lại ôm chó mèo và nhận chúng là con của mình.
Ngày xưa, gia đình bà Tám cũng như bao gia đình khác ở Tiền Giang. Sáng sớm bà và chồng dẫn con ra đồng làm ruộng đến tối mịt mới về, khi bà bận làm thì ông tranh thủ hái mớ rau dại, bắt vài con cá đồng rồi thay phiên cho bà lên nấu cơm. Cả nhà ăn cơm dưới bóng râm, tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Bà Tám nhìn xa xăm: "Lúc đó cả nhà tôi vui lắm, tuy cực khổ một chút nhưng đi đâu, làm gì cũng có nhau. Cả đàn con tinh nghịch, sớm tối cứ hát ca vang nhà. Ông già nhiều khi không ngủ được cũng sinh bực bội nhưng ông ấy là người thương con hết mực, thế mà...", bỏ lửng câu nói, bà Tám ngậm ngùi, bà không còn nước mắt để khóc thân tủi phận.
Hàng rau cũng là ngôi nhà gần 50 năm qua của bà Tám, mọi người qua lại thấy bà đều mua ủng hộ, có người vui vẻ còn tặng bà luôn tiền thừa, nhờ vậy bà có đồng ra đồng vào để nuôi "mấy đứa con".
Nhà bà Tám có bảy đứa con thì năm đứa liên tục mất đi trong một trận dịch tả. Nỗi đau mất con chưa nguôi ngoai thì cụ ông cũng bỏ bà mà đi. Quá đau buồn, năm 1968, bà quyết định bồng bế hai đứa con còn lại bỏ nơi chứa đựng cả hạnh phúc lẫn khổ đau để đến Sài Gòn. Lúc đó bà nghe người ta nói, Sài Gòn là nơi hoa lệ, dễ sống, dễ kiếm tiền, bà không muốn con bà như anh chị của chúng, chết vì không có tiền chữa bệnh, vì nghèo, vì khổ. Cuộc sống không như sự mong đợi, đến đất Sài Gòn không lâu, hai con của bà cũng bệnh nặng rồi qua đời, để lại một mình bà cô đơn nơi đất khách.
Trời nắng thì bà chịu nóng được, những mấy hôm trời mưa, bà và đàn chó mèo của mình phải co ro nấp vào tấm áo mưa nhỏ nhưng vẫn ướt.
Một lần, có người thấy bà cô độc quá nên tặng bà chiếc radio, từ đó bà mở suốt ngày vì mê cải lương, cũng vì muốn có người nói chuyện với mình, bà nghe nhiều đến nỗi giờ tai của bà lúc nghe được lúc không, rồi bà buồn vì... "cô đó" không thèm nói chuyện với bà nữa.
Gần 50 năm đến Sài Gòn, là ngần ấy năm bà phải ngủ ngoài hiên nhà người ta, xin thức ăn thừa để sống. Tiết kiệm được chút vốn, ngày ngày bà lấy rau bán lại kiếm lời, thế nhưng cả năm tích góp, một tháng bệnh cũng bằng không. Sống một mình cũng quen, nhưng nhiều lúc thấy người ta có con, có cháu bà lại tủi phận khóc ròng. Một lần có con mèo đi lạc, nhìn bà kêu lên than đói, bà cho nó tí cơm thừa. Bà nghĩ nó ăn xong cũng sẽ bỏ bà mà đi, thế nhưng nó cứ quanh quẩn, cọ mặt vào chân bà nũng nịu, từ đó bà xem nó như đứa con của mình, luôn ôm nó bên người khi vắng khách.
Tuy một ngày bán rau, cố lắm cũng chỉ được hơn 50.000 đồng cả vốn lẫn lãi, nhưng bà chưa bao giờ từ chối chú mèo nào khi chúng đến với bà. Những lần đầu bà đều đặt tên cho chúng, thế nhưng những lúc chúng rủ nhau đến quá đông bà không thể nhớ hết tên của từng "đứa", vì thế mà bà thôi không đặt tên nữa.
Người ta có gái có trai, còn bà thì chó mèo có đủ, nhiều khi thấy bà khổ lại còn làm chuyện "bao đồng", người xung quanh cũng không chịu nổi, khi thì họ mang đến chút cơm thừa, khi thì cho đôi ba con cá để giúp bà đỡ gánh nặng.
Tiếng kêu của mèo bà nuôi dần thu hút những con mèo hoang khác, có lần chúng đến quá đông, bà phải nhường phần ăn của mình lại cho chúng, nhưng cảm giác vui đến lạ, cứ như ngày xưa, khi các con của bà còn bên cạnh. Bà Tám chia sẻ: "Có tụi nó ở đây vui lắm, chúng háu ăn, tranh nhau để được tôi bế, có lần tôi nuôi đến gần chục con, nhưng đêm đến người ta lén bắt hết, lấy luôn tiền vốn, tôi phải đi xin chủ bỏ rau cho tôi bán trước, rồi trả tiền sau. Nhiều khi bán ế không đủ tiền trả, người ta cũng không trách tôi, nhưng tôi buồn lắm vì họ cũng đâu có khá hơn mình".
Cứ con mèo này bị bắt mất là con khác tới với bà, bà cũng không nhớ được mình đã nuôi bao nhiêu con, nhưng con nào bà cũng xem nó như đứa con của mình.
Thời gian gần đây, tuy bà đã giấu bọn mèo rất kỹ nhưng lại mất thêm hai "đứa con", nhưng đổi lại, một chú chó khôn lanh đã đến với bà. Nhiều lúc bà đùa rằng người ta có trai có gái, bà thì chó mèo có đủ, không việc gì phải buồn. Chú chó này rất khôn lanh và nịnh bợ, nó luôn giành bà với lũ mèo. Lúc trước nó háu ăn quá bà không đủ tiền để nuôi, bà đuổi nó đi nhưng nó cứ đứng nhìn bà, bà tặc lưỡi nhường phần của mình cho nó
Bây giờ bà cưng nó nhất nhà...
Bà có thể nói chuyện với chúng cả ngày mà không biết chán.
Những khi chiều đến và các sạp hàng bên cạnh đã về, thì căn nhà nhỏ của bà Tám trở nên hiu quạnh. Nhưng giờ đây bà không chỉ có một mình, bà có "người" để trò chuyện, để kể cho chúng nghe về những gì bà đã trải qua.
Qua năm tháng cơ cực của cuộc đời, tài sản quý giá nhất của bà bây giờ là những lúc nhìn "mấy đứa con" tranh nhau ăn, tranh nhau để được bà ẵm bồng. "Đối với tôi, như vậy là tôi quá giàu rồi!"