Con bị bạo hành, đừng chỉ đổ lỗi cho cô nuôi dạy trẻ

Mai Phương,
Chia sẻ

Liên tiếp những thông tin về trẻ em bị bảo mẫu bạo hành khiến dư luận phẫn nộ. Ngoài việc đổ trách nhiệm cho cơ sở đào tạo, nhân viên vô lương tâm, những người làm cha mẹ cũng cần nhìn lại bản thân mình.

Clip hành hạ trẻ mầm non được đăng tải trong sáng ngày 17/12/2013 thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Không chỉ những bà mẹ có con nhỏ, mà bất cứ ai nhìn thấy cảnh các bảo mẫu này quát tháo, bóp cổ, dọa nạt những em bé chỉ 2-3 tuổi cũng vô cùng phẫn nộ.

Con bị bạo hành, đừng chỉ đổ lỗi cho cô nuôi dạy trẻ 1
Hình ảnh đánh đập trẻ dã man trong clip khiến dư luận phẫn nộ
Đánh có "giáo dục" khác với bạo hành

Nhìn lại tuổi thơ, những người làm cha làm mẹ, hẳn ai cũng biết câu nói đó. Khi gửi chúng ta đến lớp, bố mẹ nói với cô giáo: “Nhờ cô quan tâm dạy dỗ cháu. Nếu cần, cô cứ đánh. Đánh cho cháu nên người”.

Trong mỗi người lớn từng có một đứa trẻ biếng ăn, bố mẹ bế đi rong không ăn, làm đủ trò không ăn, thậm chí bực mình phát cho mấy cái mới há miệng cho bố mẹ đút thìa cháo vào. Thế nhưng đến tuổi, chúng ta được bố mẹ “tống” đi nhà trẻ, mẫu giáo với mong ước “Đến đấy cô quát cho sợ là phải ăn ngay!”

Thế là, trong ký ức mỗi người, hình ảnh cô giáo lăm lăm thước kẻ bắt đầu từ đó: Mẫu giáo, cô đánh vào tay những đứa nghịch bẩn, lười ăn, trốn ngủ trưa. Tiểu học, cô phạt những đứa viết ẩu. Dường như trò càng bé, cô càng cần uốn nắn, để lớn lên, thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời.

Mỗi khi đi họp lớp, thăm lại mái trường xưa, gặp lại bạn bè cũ, những người học trò năm nào thường cười hỉ hả trước những kỷ niệm bị thầy cô giáo đánh phạt. Rồi họ kéo nhau đến nhà thăm cô, dù cô không còn nhớ đứa nào với đứa nào. Khi ấy, những người “mẹ thứ hai” cười thật hiền khi nghe học trò cũ kể lể “Ngày xưa, cô phạt em đau lắm”.

Lớn lên, “những đứa trẻ năm nào” thành những người làm cha làm mẹ. Cuộc sống hôm nay tốt hơn, hiện đại hơn rất nhiều. Phương châm “vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” không còn nữa. Thay vào đó là “kỉ luật không nước mắt”, là dạy con kiểu Nhật, kiểu Pháp, kiểu Do Thái.

Những người mẹ vừa quay cuồng trong guồng quay cuộc sống, vừa phải lo lắng con mình phát triển đúng “tỉ lệ vàng”, cả về cân nặng, cả về trí tuệ. Mà mẹ lo lắng lắm, tin tức thời nay nhanh như vũ bão, ngày nay thấy trường này bắt con xách cả nồi lớn thức ăn leo cầu thang, ngày mai lại thấy trường nọ có học sinh hóc không cấp cứu kịp, mọi thứ tốt xấu cứ loạn hết cả.  

Bạn Huỳnh Tranh ở địa chỉ Huynhthanh@g... nhận định: “Tôi tin đây hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt, có thể còn biết bao nhiêu ''bảo mẫu'' như thế mà chúng ta chưa được biết đến. Cần có biện pháp quản lí chặt chẽ đối với các trường mầm non tư thục như thế này, còn mà quản lí không được thì cấm luôn đi. Các vị phụ huynh cũng cần phải sáng suốt khi chọn chỗ gửi con mình.”

Thế nên mẹ chọn trường kha khá, có hẳn camera, thế là yên tâm đi kiếm tiền…

Quên mất dạy con tự bảo vệ mình

Nhìn lại vụ việc trên, trách nhiệm hẳn nhiên thuộc về cơ sở nuôi dạy trẻ, họ đã phải trả giá cho cái tâm không xứng đáng với nghề. Các cơ quan chức năng đã bắt tạm giam hai bảo mẫu trong clip gây bức xúc. Động thái này đã phần nào làm dịu lại sự phẫn nộ của quần chúng, cư dân mạng và những bậc làm cha làm mẹ.

Con bị bạo hành, đừng chỉ đổ lỗi cho cô nuôi dạy trẻ 2
Hai bảo mẫu trong clip đã bị tạm giam

Tuy nhiên, đó có phải là hồi kết cho tất cả?

Độc giả Luthuyhien trên một trang tin chia sẻ: “Tôi hoàn toàn cảm thông đối với các bậc phụ huynh bận rộn và phải lo cơm áo gạo tiền. Nhưng một khi đã gửi trẻ trường tư thục hay kể cả nhà nước, làm ơn kiểm tra lại và làm ơn theo dõi biểu hiện của trẻ, tại sao trẻ lại bơ phờ, không muốn đi học. Có nhiều bậc phụ huynh cũng thấy rằng con mình không muốn đi hoc thì lại nghĩ do chưa quen, nhưng rồi khi sự việc xảy ra thì trời ơi... con của mình bị hành hạ dã man thế.”

Như vậy, dường như ngoài giáo dục thể chất, giáo dục trí tuệ, những người làm cha làm mẹ dường như đã “quên” mất việc “để ý”đến những biểu hiện tâm lý của con. "Bé lớn nhà mình lúc 18 tháng cũng cho đi học ở 1 trường công lập. 1 tháng đầu thì vui vẻ. Đến tháng thứ 2 cứ đến cổng trường là bé khóc thét lên "ko đi học đâu, ko đi học đâu". Ba bé đi công tác về hỏi "sao con ko chịu đi học, nói ba nghe đi rồi mai ba đi học với con?" Bé bảo "cô nhéo con nè ba. Nhéo nách nè. Nhéo tay nữa” - Chia sẻ của thành viên Webtretho.

Đừng nghĩ việc chọn cho con trường nổi tiếng, trang thiết bị hiện đại là đủ, cha mẹ cũng cần trang bị kỹ năng quan trọng cho con trong cuộc sống hiện đại, đó là phải biết cách tự bảo vệ mình, tự mình tìm cách xoay sở với những “thảm họa” trong cuộc sống. T.B (Nhân viên văn phòng) chốt lại: “Ngoài sự quản lý của nhà nước thì chính cha mẹ là người bảo vệ con mình. Cha mẹ hiện nay bị internet, cuộc sống ảo chi phối quá nhiều. Áp dụng lắm phương pháp làm gì, cha mẹ hãy cứ dạy con biết xúc khi ăn, biết khóc đi đau, biết trốn khi có người dọa đánh. Đón con về tắm rửa, để ý coi có chỗ nào bị trầy, bầm, xoa đầu con xem có chỗ nào bị đau không, dặn con nhớ mách người lớn khi bị bắt nạt, nhớ chạy khi gặp người lạ. Đừng nghĩ thế là thừa, cuộc sống bây giờ phức tạp lắm!”

Như vậy, cha mẹ cũng nên nhìn lại toàn cảnh những vụ việc “cô nuôi dạy trẻ” vừa qua để xem lại mình. Vì đâu các con phải chịu những cảnh thương tâm như thế? Đừng chỉ đổ lỗi cho nền giáo dục mầm non của chúng ta non yếu, quá tải, thiếu chuyên nghiệp; đổ lỗi cho lương tâm hành nghề của đội ngũ nuôi dạy trẻ; đổ lỗi cho các con quá nhỏ, chưa biết nói sõi, chưa hiểu đúng sai chỉ biết chịu đựng.

Cha mẹ cũng cần nhìn nhận lại, đánh giá lại tiêu chuẩn nuôi dạy con, con thật sự cần gì, thiếu gì, trong ánh mắt con có gì sợ hãi, có hiểm họa nào đang đe dọa con không, có biểu hiện gì lạ từ phía con không? Đừng khiến con đơn độc trong cuộc sống ngày càng vội vã và nhiều biến đổi, để lớn lên an toàn, con rất cần cha mẹ chú tâm song hành.
Chia sẻ