Đôi giày đặc biệt từ thời xưa bỗng được bán online, dân mạng kêu gọi tẩy chay
Đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm này đã bị xóa khỏi nền tảng, tuy nhiên không rõ liệu việc bán chúng có bị xem là vi phạm pháp luật hay không?
Mới đây, một số người bán hàng trên các trang thương mại điện tử của Trung Quốc, bao gồm ứng dụng mua bán đồ cũ Xianyu của Alibaba, đã bị phát hiện có hành vi quảng cáo và buôn bán sản phẩm giày bó chân.
Loại giày này từng được sử dụng để làm thay đổi cấu trúc bàn chân của người phụ nữ nhằm mục đích thẩm mỹ vào thời xưa. Tuy nhiên, tập tục này vốn đã bị xóa bỏ từ 1 thế kỷ trước.
Theo các chuyên gia, việc tái diễn tập tục bó chân vào thời hiện đại là hành vi không đúng. Zheng Jinsong, Phó giám đốc Bảo tàng Đại học Tây Nam, chia sẻ: "Chúng ta nên lên án hành động bán giày bó chân. Việc buôn bán mặt hàng này cho thấy sự suy giảm trong ý thức và hành vi văn hóa, tâm lý".
Có nguồn gốc từ các cung nữ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 10, tập tục bó chân bắt buộc phụ nữ phải sử dụng những đôi giày với kích thước nhỏ bất thường cho đến khi họ có được "gót sen 3 tấc", tức là đôi chân bị thu nhỏ lại chỉ còn bằng 1/2, thậm chí là 1/3 so với bàn chân bình thường. Những người phụ nữ sở hữu bàn chân này được cho là dễ tìm được một người chồng tốt.
Tập tục này tồn tại trong hơn 1.000 năm và chính thức bị cấm vào năm 1912, mặc dù vẫn còn được bí mật áp dụng ở một số nơi.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của các lớp học "đức tính nữ" gây tranh cãi, tục bó chân bỗng nhiên có thêm nhiều người ủng hộ trong vài năm qua. Không ít người đã lên tiếng bênh vực cho tập tục này trên các diễn đàn trực tuyến, thậm chí có người còn chia sẻ kinh nghiệm bó chân của mình trong các nhóm chat và khuyên mọi người làm theo.
Trên trang thương mại điện tử Xianyu, nhiều loại sản phẩm bó chân được bày bán, bao gồm giày, tất và các tấm vải thêu hoa. Một cửa hàng chuyên bán các mặt hàng thêu truyền thống đang bán giày bó chân tùy chỉnh kích thước với giá 1.500 nhân dân tệ (khoảng 5,1 triệu đồng).
Theo Phó giám đốc Bảo tàng Đại học Tây Nam, những đôi giày bó chân nên được xem như các vật phẩm lịch sử và đưa vào bảo tàng với mục đích trưng bày thay vì buôn bán để thu lợi nhuận. Ông cũng cảnh báo rằng nó có thể gây ra tác động tiêu cực đến thanh thiếu niên - những người đang tìm cách khôi phục tập tục này với mục đích thẩm mỹ.
Mặc dù tục bó chân không còn phù hợp với thời đại và bị nhiều người phản đối, song một số lượng lớn phụ nữ tại Trung Quốc vẫn phải chịu áp lực trong việc tuân thủ những chuẩn mực về vẻ đẹp truyền thống.
Nhiều người bất chấp nguy hiểm để sử dụng sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc, hoặc thực hiện các cuộc phẫu thuật đầy rủi ro để thay đổi đặc điểm trên gương mặt và cơ thể mình.
Trên trang mạng xã hội Weibo, nhiều người dùng bày tỏ cảm giác kinh hoàng khi thấy các mặt hàng giày bó chân được buôn bán trực tuyến. "Thật đau lòng khi nhìn thấy bức ảnh về đôi giày này", một người dùng bình luận.
Người dùng khác cũng đồng tình: "Tại sao có thể nghĩ rằng việc bó chân thành hình móng guốc là đẹp đẽ cơ chứ?".