Tục bó chân của phụ nữ Trung Hoa cổ đại: Nỗi đau từ thể xác đến tinh thần không từ ngữ nào có thể diễn đạt trọn vẹn
Tục bó chân là một trong những hủ tục để lại hậu quả nặng nề nhất của Trung Quốc cổ đại.
Ba sự việc đặc biệt kỳ lạ thời Trung Quốc cổ đại lần lượt là ca kỹ, thái giám và bó chân. Trong số đó, ca kỹ và thái giám cũng xuất hiện ở các quốc gia khác, tuy nhiên tục bó chân ở phụ nữ là một tục lệ độc đáo nhất, chỉ có ở Trung Quốc ngày xưa.
Tục bó chân của phụ nữ Trung Hoa cổ đại bắt nguồn từ thời Bắc Tống, thịnh hành vào thời Nam Tống và phát triển mạnh mẽ nhất ở thời nhà Minh. Hầu như họ đã bắt đầu bó chân từ năm lên 4 - 5 tuổi. Đến lúc trưởng thành, khi phần xương chân đã được định hình, họ mới có thể tháo băng vải. Tuy nhiên, cũng có nhiều người quấn băng vải đến lúc qua đời.
Ở Trung Quốc có câu "một đôi chân nhỏ, một bể nước mắt" với hàm ý tục bó chân gây ra rất nhiều đau đớn cho phụ nữ. Người xưa thường chọn ngày 24/8 âm lịch để tiến hành bó chân cho các bé gái 4 - 5 tuổi. Đầu tiên, họ sẽ uốn cong các ngón chân quặp vào trong lòng bàn chân, trừ ngón cái. Sau đó quấn chặt lại bằng dải vải cotton trắng. Khi bàn chân phát triển, tấm vải sẽ thắt chặt đến khi xương chân bị gãy và không phát triển thêm.
Tục bó chân thay đổi hoàn toàn dáng đi và phong thái của người phụ nữ. Tục bó chân ở phụ nữ cũng giống như thói quen đọc sách của người đàn ông, là điều kiện cần thiết để họ gia nhập tầng lớp thượng lưu. Với khả năng di chuyển hạn chế, những phụ nữ đó chỉ có thể quanh quẩn trong nhà và trở thành "người hầu" cho chồng.
Vào thời điểm tục bó chân thịnh hành, những người phụ nữ có bàn chân to sẽ bị phân biệt đối xử, ngay cả khi họ có ngoại hình ưu tú và có đức hạnh. Khi một người đàn ông cầu thân, điều đầu tiên mà anh ta quan tâm là đối phương có bàn chân nhỏ hay không. Nếu tân nương có hai bàn chân bó thì sẽ được đối đãi thật tốt. Tuy nhiên, nếu cô gái đấy không bó chân, người đàn ông sẽ hủy hôn.
Dân gian Trung Quốc tương truyền rằng, từng có một tân lang trốn khỏi hôn lễ của mình, chạy đến một ngôi đền rồi ngồi khóc một mình. Bởi trước đó anh đã phát hiện hai chân tân tương rất to.
Trong một bài đăng trên trang Tân Hoa Xã ngày 30/5/2017, người viết chia sẻ về đôi chân nhỏ của bà cố ngoại mình: Khi tôi học tiểu học đã từng nhìn thấy đôi chân nhỏ của bà cố ngoại một lần. Lúc đó bà đã gần 80 tuổi, hai bàn chân trông như búp măng nhưng không hề đẹp đẽ. Cả đời bà cố ngoại đã phải di chuyển chậm chạp, không thể đi nhanh được.
Học giả Tằng Diễn Đông sống thời triều nhà Thanh, đã từng kể về một bi kịch của người phụ nữ thực hiện tục bó chân trong quyển bút ký "Tiểu Đậu Bằng". Nhân vật chính trong câu chuyện là một cô gái trẻ tên Mã Quế Tôn, quê ở Thiệu Hưng (Chiết Giang). Mã Quế Tôn khi còn nhỏ cũng được người lớn cho theo tục bó chân.
Khi trưởng thành, Mã Quế Tôn theo cha đến Quảng Châu (Quảng Đông), gia cảnh ngày càng sa sút hơn. Một thời gian sau Mã Quế Tôn kết hôn với người đàn ông họ Lôi, quê gốc ở Phúc Kiến. Tuy nhiên, cô chỉ là vợ lẽ của người này.
Chính thất phu nhân của người đàn ông họ Lôi là một người rất hay ghen tuông. Vốn có đôi chân to khỏe tự nhiên, vợ cả khi thấy hai chân của Mã Quế Tôn rất thon thả, dáng đi uyển chuyển thì nổi cơn ghen tức. Do đó, cô luôn tìm mọi cách để dạy dỗ Mã Quế Tôn, mỗi ngày viện đủ lý do để vợ lẽ của chồng phải đứng cạnh mình.
Nếu không vừa ý vợ cả sẽ đánh vào chân Mã Quế Tôn hoặc dùng mũi chân chà lên đôi chân nhỏ bé của đối phương. Mỗi một lần đánh đều khiến Mã Quế Tôn đau nhói, cảm giác như từng nhát dao chém vào xương, vào cẳng chân. Mã Quế Tôn sau đó chỉ có thể ngồi xổm trên mặt đất, dùng tay xoa bóp chân và nức nở khóc.
Không lâu sau đó, Mã Quế Tôn đã chọn cách tuyệt thực đến chết để giải thoát khỏi sự đau đớn đó.
Ở một khía cạnh khác, khi đất nước xảy ra chiến tranh, những người phụ nữ theo tục bó chân còn gặp phải những bi kịch khủng khiếp hơn. Những người đấy gần như không thể chạy, họ chỉ có thể ngồi yên tại nhà và chờ cái chết ập đến. Nhưng cũng có những người có cơ hội chạy trốn cùng người thân, tuy nhiên họ lại trở thành gánh nặng cho gia đình.
Vào những thời khắc nguy hiểm, mọi người phải chạy chậm lại để giúp đỡ người phụ nữ có đôi chân nhỏ. Trong quyển tùy bút "Mi Lư Tùng Thoại" có viết: "Hoặc là con cái mệt mỏi vì mẹ, chồng mệt mỏi vì vợ, cha mẹ mệt mỏi vì con cái, anh em trai mệt mỏi vì chị em gái,...".
Sau lệnh cấm tục bó chân của các triều đại nhà Thanh, phụ nữ Trung Quốc vẫn tiếp tục bó chân. Đến thời Trung Hoa Dân Quốc vào thế kỷ 20 chỉ còn một vài vùng miền hẻo lánh áp dụng hủ tục này.
Nguồn: Zhihu, Baidu, Sina History