Đợi 2 tiếng không ai ngó ngàng, nàng công sở ức chế bỏ về ngay trong buổi kiểm tra trình độ, dân mạng lại phản ứng trái ngược
"Sau khi hết thời gian làm kiểm tra nhưng không có ai trong công ty ra thu bài. Và em cũng đã ngồi đợi ở đó gần 2 tiếng đồng cũng không có ai thu bài cũng như mời đi phỏng vấn nên em đứng dậy bỏ về luôn".
Phỏng vấn là bước quan trọng bắt buộc mọi dân công sở phải vượt qua trước khi chính thức trở thành nhân viên của một công ty nào đó mà mình vừa ứng tuyển. Nói nghe có vẻ nghiêm túc nhưng thật ra, xoay quanh đề tài này đã có không ít câu chuyện bi hài khiến bao người khóc dở cười dở.
Nói có sách mách có chứng, mới đây, một nàng công sở trẻ tuổi đã đăng đàn chia sẻ tình huống mới trải qua của mình như sau:
“Xin chào anh chị. Em tốt nghiệp và đi làm một năm rồi nhưng nghỉ việc vì gia đình. Vừa rồi em có rải CV nhiều công ty và được một chỗ gọi tới làm bài kiểm tra và phỏng vấn. Bài kiểm tra em thấy tương đối dễ và câu hỏi, tình huống thì tầm trình độ tiểu học thôi nhưng thời gian làm bài tới tận 45 phút.
Sau khi hết thời gian làm kiểm tra nhưng không có ai trong công ty ra thu bài. Và em cũng đã ngồi đợi ở đó gần 2 tiếng đồng cũng không có ai thu bài cũng như mời đi phỏng vấn nên em đứng dậy bỏ về luôn.
Vì bực mình thái độ "làm việc chuyên nghiệp" của công ty đó nên sau khi về em có viết email "khen" thái độ làm việc chuyên nghiệp của công ty đó và xin lỗi vì bỏ về sau khi làm bài kiểm tra mà không chờ phỏng vấn.
Em muốn hỏi em làm vậy thì có láo quá không ạ? Rồi có anh chị nào từng bị bắt chờ dài cổ vậy chưa ạ? Và fresher như tụi em có đáng bị đối xử như vậy không ạ?”.
Quả thật, nghiêm túc làm bài kiểm tra năng lực để cuối cùng nhận được sự thờ ơ, lạnh lùng của nhà tuyển dụng thì ai mà không tức, cho nên tâm lý khó chịu của nàng công sở trong câu chuyện trên cũng là điều dễ hiểu. Ấy thế, sự khó chịu dẫn đến hành động bỏ về và viết email bỉ bai công ty “thiếu chuyên nghiệp” liệu có nên?
Để trả lời cho câu hỏi trên, rất đông dân mạng đã có đôi lời gửi gắm bên dưới phần bình luận của bài viết.
“Rút kinh nghiệm lần sau nha em. Phải chủ động lên chứ, công ty đúng sai không biết nhưng mình làm hết những gì có thể đã - nghĩa là phải tự hỏi nộp bài cho ai, sau đó thế nào.
Chị xưa giờ đi làm chưa bao giờ đợi ai cầm tay chỉ việc, mới vô rảnh quá thì xin tài liệu công ty đọc, thấy cái gì không được thì hỏi, xin được phép sửa. Chị thấy đa số công ty (trừ công ty đặc thù) đều chú trọng thái độ hơn trình độ nên rất có thể bài test đơn giản và việc không có người thu bài là test em thật đó”.
“Thứ 1, đó có thể là cách công ty xem em có chủ động trong công việc hay các mối quan hệ không.
Thứ 2, thắc mắc đợi lâu tầm 20p thì em phải mở miệng ra hỏi chứ, tại sao phải đợi tới 2 tiếng, nếu hỏi rồi mà họ ừ hử 2 tiếng không ra thì không còn gì để nói, đằng này việc em bỏ về không nói tiếng nào có khác gì họ đâu.
Qua việc em làm có thể cho thấy em là người không chủ động trong công việc, các mối quan hệ, làm việc không đến nơi, sẵn sàng bỏ ngang nếu có điều gì đó không hài lòng. Hay nói nặng hơn đó là sự thể hiện thiếu tôn trọng, thiếu lịch sự với công việc và các mối quan hệ. Ở đây chị không nói công ty đúng nhưng việc em làm vậy cũng không đúng đâu”.
“Đang thắc mắc tại sao thớt lại không chủ động tìm HR mà phải ngồi tận 2 tiếng? đôi khi đây là 1 cách để đánh giá chứ không đơn giản là bài test thông thường. Và chúc mừng, chủ thớt trượt rồi”.
Thế đấy dân công sở ạ, phỏng vấn nghe tưởng dễ mà không dễ chút nào bởi đằng sau các hành động hay bài test đơn giản của nhà tuyển dụng, đôi khi là cả một âm mưu sâu sa bắt buộc các ứng viên phải vượt qua nếu muốn trở thành một phần của công ty.
Cho nên, lời khuyên đưa ra là khi đi phỏng vấn, hãy khôn khéo nhận định, bình tĩnh và chân thành giải quyết mọi vấn đề, đừng vì một chút khó chịu kẻo “xôi hỏng bỏng không” đấy nhé!