"Độc chiêu" kinh doanh của ông chủ quán ốc luôn chật kín khách
Trong không gian ồn ào, náo nhiệt và chật hẹp, với hàng trăm thứ giấy ăn, vỏ ốc la liệt dưới sàn nhà, ông chủ quán vẫn miệt mài kéo violon, chơi guitar khiến các vị khách vô cùng thích thú.
Kéo violon, chơi guitar phục vụ khách ăn ốc
Nằm trong một con hẻm ở Đống Đa (Hà Nội), quán ốc của ông Nguyễn Văn Sỹ từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với những người sành ăn. Quán được lòng nhiều người không chỉ bởi đồ ăn ngon mà còn bởi ngón đàn điêu luyện của ông chủ quán - người vẫn được mọi người gọi vui là ông "Sỹ khùng".
Nằm trong một con hẻm ở Đống Đa (Hà Nội), quán ốc của ông Nguyễn Văn Sỹ từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với những người sành ăn. Quán được lòng nhiều người không chỉ bởi đồ ăn ngon mà còn bởi ngón đàn điêu luyện của ông chủ quán - người vẫn được mọi người gọi vui là ông "Sỹ khùng".
Giữa không gian quán chật chội, khi tiếng vilon hay guitar du dương cất lên, tất cả thực khách dù quen hay mới đến lần đầu đều cảm thấy thích thú, nhiều người không chỉ thưởng thức món đồ ăn hấp dẫn mà còn say mê thưởng thức âm thanh réo rắt từ cây đàn.
Mỗi lúc "phiêu", ông chủ quán ốc như đang được sống lại thời trai trẻ.
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, quán lại càng nhỏ hơn khiến các thực khách phải chật vật ngồi, chật vật đến mức người này chạm vai người kia. Việc để xe của khách lại càng vất vả, ấy thế mà một mình ông Sỹ "khùng" kiêm rất nhiều việc để vợ chuyên tâm vào việc chế biến đồ ăn: Nào là thu ngân, nhân viên trông xe, người điều phối chỗ ngồi cho khách, người ghi nhớ khách gọi món này món kia và quan trọng hơn cả là người nghệ sĩ, giữ nhịp háo hức cho thực khách.
Một mình luôn tay luôn chân với các công việc phục vụ khách nhưng chưa bao giờ "máu" nghệ sỹ thôi tắt trong ông.
Quán hoạt động từ 14h chiều đến 21h đêm nhưng suốt quãng thời gian đó khách luôn đông kín. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao không bán muộn hơn hoặc bán cả ngày, ông Sỹ "khùng" cười và nói rằng: "Để người ta còn thở nữa chứ, hò hét từ 14 giờ đến 21 giờ cũng đủ mệt rồi". Nhắc đến thu nhập, ông chủ chia sẻ: "Thu nhập không thể tiết lộ nhưng nhìn lượng khách các cậu cũng đoán ra phải không?".
"Khùng" để nhớ về một thời
Năm 18 tuổi, ông Sỹ đã được cha cho đi học nhạc, học chơi violon và theo đoàn đi biểu diễn khắp nơi. Chơi nhạc "mì ăn liền" giúp ông Sỹ "khùng" kiếm sống được trên khắp các tỉnh thành. Ông không thể nhớ mình đã đứng bao nhiêu lần trên sân khấu, kéo đàn cho bao nhiêu người nghe. Đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất của cuộc đời ông vì được sống hết mình với niềm đam mê nghệ thuật của mình.
Khoảnh khắc "phiêu" của người nghệ sĩ quán ốc.
Thế rồi, thời cuộc thay đổi, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên đôi vai, năm 1998 ông cùng vợ là bà Phạm Tú Oanh mở một quán ốc vỉa hè ở Hà Nội. Ít năm sau đó, ông mở quán ngay tại nhà mình.
Ông kiêm nhiều việc phục vụ khách trong quán ốc của mình.
Bận bịu với hàng quán là vậy nhưng cái "máu" nghệ sỹ lại luôn bùng cháy trong ông. Thế là ông mang cây đàn violon ra chơi cho khách nghe, những bản nhạc du dương cứ thế cất vang khiến người nghệ sỹ năm nào như sống lại một thời trai trẻ. Với ông, chiếu đàn violon chính là báu vật đã đi cùng ông qua bao năm tháng.
Ít năm trước, một cậu sinh viên trường Nhạc viện tặng ông một cây guitar và cũng từ dạo đó, ông có thêm "người bạn mới", chơi guitar cho thực khách đến với quán của mình nghe và dường như, đó là cách để ông níu chân, chiều chuộng các thượng đế của mình, kiến mọi người gắn bó với quán hơn.
Khách cứ miệt mài ăn, còn ông cứ miệt mài chơi guitar và cất vang tiếng hát.
Những ngày cuối thu, đầu đông trong cái se sẽ lạnh ngồi trong không gian chật trội để thưởng thức bát ốc nóng hổi và nghe tiếng tiếng đàn du dương, tiếng hát trầm ấm của ông Sỹ "khùng" cũng là một thú vui độc đáo.