Chuyện ít ai biết về mối tình đầu của vị danh tướng lừng lẫy thời Trần và màn cướp dâu chấn động lịch sử
Là một vị tướng tài ba bậc nhất trong sử Việt, vì một chữ tình, Trần Quốc Tuấn vẫn bất chấp mọi thứ để đổi lấy trái tim người đẹp. Và câu chuyện tình ấy vẫn được hậu thế đời sau nhắc lại.
Lễ cáo yết mở hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 đã được tổ chức vào ngày 24/9 (tức ngày 10/8 âm lịch). Đây là nghi lễ cổ truyền quan trọng, cũng là nghi lễ mở màn cho các sự kiện diễn ra vào Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đội tế gồm các bô lão địa phương tế kỳ phúc cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bệnh tật tiêu trừ, thế giới hòa bình; cầu mong lễ hội mùa thu diễn ra suôn sẻ. Cùng với đó là Lễ tưởng niệm 723 ngày mất của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Trần Hưng Đạo, tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương. Ông là tôn thất hoàng gia, một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc Đại Việt thời nhà Trần. Là con dân người Việt, không ai là không biết đến tài năng và chiến công của ông trong lịch sử nước nhà. Thời nhà Trần, Trần Quốc Tuấn chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông năm 1258 và năm 1285. Trong lần quân Nguyên xâm lược thứ 3 (cuối năm 1287), ông đi theo vua hỗ trợ và cũng đạt được chiến công lớn.
Sau khi ông mất, dân gian suy tôn gọi ông là Đức Thánh Trần (hay còn gọi là Cửu Thiên Vũ Đế) và lập đền thờ ở nhiều nơi, song nổi tiếng hơn cả là khu di tích đền Kiếp Bạc - cũng là nơi thờ phụng người ông yêu nhất, người mà ông bất chấp danh dự để đón nàng về dinh.
Cho đến bây giờ, khi nhắc tới Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, phần lớn mọi người chỉ biết tới hình ảnh một vị tướng tài ba với gia thế hiển hách mà ít ai biết rằng, đằng sau sự mạnh mẽ ấy cũng là một trái tim rực lửa tình yêu, nhất mực một lòng với mối tình đầu của mình. Người ta yêu chỉ riêng nàng, ngàn năm không đổi, một đời không thay, vì lẽ này, nam nhân đầu đội trời, chân đạp đất hết lòng vì nước ấy đã tạo ra vụ cướp dâu chấn động nhất lịch sử Việt Nam.
Trước khi nói đến người trong lòng, cần phải nói đến biến động gia đình khiến cuộc đời Trần Quốc Tuấn có nhiều ngã rẽ. Năm 1237, Trần Thủ Độ đã gây ra sự kiện mà đến giờ vẫn bị nhiều người lên án, đó là ép vua Trần Thái Tông phế hoàng hậu Chiêu Thánh và cưới chị dâu là Thuận Thiên công chúa. Ngặt nỗi, công chúa Thuận Thiên khi ấy đang mang thai 3 tháng, cũng là vợ của Trần Liễu - tức cha của Trần Quốc Tuấn.
Phẫn uất tột cùng, Trần Liễu dấy binh rửa hận nhưng không đủ lực phải đầu hàng. Vua Trần Thái Tông thương anh trai nên xin Trần Thủ Độ tha tội cho Trần Liễu, nhưng quân lính đi theo Trần Liễu bị giết hết. Trần Liễu bị giáng xuống làm An Sinh vương, cho về an trú tại đất Yên Sinh. Khi ấy, Trần Quốc Tuấn mới có 7 tuổi.
Công chúa Thụy Bà, thương xót cháu còn nhỏ mà phải rời kinh thành tới nơi xa xôi, lại tủi khi phu quân đã về thế giới bên kia, bèn xin vua nhận Trần Quốc Tuấn làm con nuôi để ở bên khuây khỏa nỗi buồn. Cứ như vậy, trong 8 năm, Trần Quốc Tuấn được lớn lên cùng anh em tôn thất và học văn học võ đầy đủ.
Đại Việt sử ký toàn thư mô tả Trần Quốc Tuấn là "người có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người", lại được người tài đến giảng dạy từ nhỏ nên Trần Quốc Tuấn sớm trở thành trang nam tử đọc thông hiểu rộng, văn võ song toàn.
Ở tuổi 19, những rung động đầu đời thật đẹp khi Trần Quốc Tuấn đem lòng yêu công chúa Thiên Thành. Trong sử sách không đề cập nhiều đến vị công chúa này, chỉ biết rằng nàng là trưởng công chúa của vua Trần Thái Tông.
Có thể nói rằng, Trần Quốc Tuấn cùng công chúa Thiên Thành đã trải qua tuổi thanh xuân cùng nhau. Cứ ngỡ những năm tháng êm đềm ấy sẽ nuôi dưỡng một mối lương duyên trời ban nhưng khi công chúa Thiên Thành đến tuổi gả chồng, mọi sự lại khác.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép, mùa xuân năm Tân Hợi 1251, vua gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương. Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành vương.
Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (cha của Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.
Công chúa Thụy Bà liền đến gõ cửa điện cáo gấp, người coi cửa vào tâu, vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời: "Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu".
Ngay cả thời hiện đại, việc một người phụ nữ tư thông với người đàn ông khác trước ngày cưới là điều không thể chấp nhận được, nữa là thời xưa. Việc công chúa tư thông với nam tử khác trong phủ sắp cưới là sự kiện chấn động triều đình và khắp Đại Việt lúc bấy giờ.
Sau đó, vua sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành đã thấy Quốc Tuấn ở đấy, Nhân Đạo Vương bấy giờ mới biết chuyện. Ngay hôm sau, Thụy Bà đã dâng 10 mâm vàng sống với vua, tâu rằng: "Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật".
Dẫu chuyện tày đình, nhưng cả vua lẫn Thụy Bà đều biết tới tình cảm của hai người, vua bất đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn. Tiếp đó, vua lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật cho Trung Thành Vương.
Liều lĩnh vì chữ tình, Trần Quốc Tuấn đón được công chúa về dinh. Cuối cùng, Trần Quốc Tuấn cũng lấy được thanh mai trúc mã, và hoa thơm quả ngọt đã nở rộ trong cuộc sống lứa đôi của hai vợ chồng Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa.
Sau cuộc hôn nhân hạnh phúc với Trần Quốc Tuấn, công chúa Thiên Thành sinh được 5 người con, 4 trai 1 gái. Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, trở thành phò mã của Trần Thánh Tông, đính hôn với công chúa Thiên Thụy, nhưng rồi công chúa thông dâm với Trần Khánh Dư nên bị buộc xuất gia tu hành, sau này Hưng Vũ vương được phong làm Khai Quốc công.
Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uy có công đánh dẹp Ngưu Hống phản loạn, trấn thủ biên cương phía Nam. Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, sau là cha của Bảo Từ Thuận Thánh Hoàng hậu (vợ vua Trần Anh Tông), được phong làm Tiết độ sứ.
Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện, có công khai khẩn vùng đất hoang ở Hải Dương ngày nay. Con gái Trần Thị Trinh, sau này là hoàng hậu của Trần Nhân Tông, mẹ đẻ của vua Trần Anh Tông.
Vốn là người hết lòng vì nước, nay chuyện chung thân đại sự đã xong, Trần Quốc Tuấn cùng với vua Trần lãnh đạo quân đội đi qua nhiều cuộc chiến, giành thắng lợi. Những chiến công của ông đã góp phần đưa tên tuổi của ông trở thành "thiên tài quân sự có tầm chiến lược và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần".
Nghĩ về Trần Quốc Tuấn, hậu nhân chỉ biết rằng ông là người viết nên trang sử vàng của dân tộc với bao chiến tích được ca ngợi khắp non sông Đại Việt. Nhưng cũng mấy ai biết rằng, đằng sau sự trung quân ái quốc, hết mình vì nước ấy, ông cũng là một chàng trai si tình, bất chấp tất thảy để giữ được người mình yêu.