Diệp Lâm Anh tiết lộ mắc bệnh trầm cảm cười trong "Chị đẹp đạp gió": Căn bệnh nguy hiểm hơn chúng ta tưởng rất nhiều
Những người mắc chứng trầm cảm cười thậm chí còn có nguy cơ tự tử cao hơn vì họ đã quen với việc vượt qua nỗi đau.
Trong tập 4 của show "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023", các chị đẹp của chương trình đã có một buổi tối cùng nhau tâm sự, chia sẻ về câu chuyện của bản thân mình. Diệp Lâm Anh gây bất ngờ khi đột nhiên chia sẻ về căn bệnh bản thân mắc từ lâu nhưng chưa bao giờ nói ra, đó là: Bệnh trầm cảm cười.
Cô nói: "Em có câu chuyện chưa bao giờ kể, đó là em mắc bệnh trầm cảm cười".
Cô xúc động nói thêm: "Em đúng là người rất dễ cười, em muốn bất cứ ai đối diện với em thì đều thấy em có rất nhiều năng lượng. Chứng trầm cảm cười có biểu hiện là lúc nào đối mặt với thế giới xung quanh, mình cũng muốn bản thân thật mạnh mẽ, mình phải cười, phải vui. Nhưng khi tự đối diện với chính mình thì ngược lại hoàn toàn".
Diệp Lâm Anh chia sẻ về bệnh trầm cảm cười trong show "Chị đẹp...".
Điều Diệp Lâm Anh chia sẻ khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi trước công chúng cô luôn tỏ ra là một người phụ nữ mạnh mẽ, năng động và rất sắc sảo. Hơn nữa, người ta thường nghe đến bệnh "trầm cảm" chứ gần như chưa từng nghe về bệnh "trầm cảm cười".
Song thực tế đây là một căn bệnh hoàn toàn có thật. Khi nghĩ về một người trầm cảm, bạn không thấy họ mỉm cười hay hạnh phúc. Thực ra, không phải ai cũng trải qua trầm cảm theo cách giống nhau. Thậm chí một số người có thể không biết rằng họ đang bị trầm cảm.
Theo tờ Healthshot, trầm cảm cười là một loại trầm cảm mà người bệnh trông có vẻ rất vui tươi nhưng bên trong họ lại đang trải qua nỗi đau. Nhà tâm lý học lâm sàng Aishwarya Raj (có trụ sở tại Gurugram, Ấn Độ) chia sẻ: Trầm cảm cười không phải là một tình trạng bệnh lý được công nhận rộng rãi, đó là lý do tại sao tất cả chúng ta đều cần phải chú ý đến nó.
Trầm cảm cười có nguy hiểm không?
Theo chuyên gia, trầm cảm cười nguy hiểm vì nó thường không được chú ý, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của người bệnh. Những người mắc chứng trầm cảm cười thậm chí còn có nguy cơ tự tử cao hơn vì họ đã quen với việc vượt qua nỗi đau. Họ có thể có nhiều năng lượng, sự tập trung hơn để nghĩ ra kế hoạch tự tử và thực hiện theo kế hoạch đó.
Dấu hiệu trầm cảm cười
Người thân của bệnh nhân có thể khó phát hiện ra dấu hiệu của bệnh trầm cảm cười. Nhưng bạn nên biết rằng, nỗi buồn kéo dài là triệu chứng nổi bật nhất của bệnh trầm cảm. Mọi người đều trải qua trầm cảm một cách khác nhau và có nhiều triệu chứng như:
- Lơ mơ hoặc mệt mỏi.
- Mất ngủ.
- Thay đổi cân nặng và thèm ăn.
- Bất lực.
- Thiếu hứng thú.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính gần 265 triệu người trên thế giới bị trầm cảm. Những người bị trầm cảm cười có thể có những triệu chứng quan sát được, nhưng cũng có triệu chứng được giữ kín và khó phát hiện. Thậm chí, bệnh nhân trầm cảm cười vẫn có thể giữ một công việc ổn định và cố gắng duy trì cuộc sống ở ngoài xã hội với trạng thái tích cực, lạc quan.
Chính vì vậy khi người thân, bạn bè nhận thấy người bệnh đang có các dấu hiệu không ổn như mệt mỏi, mất hứng thú với những gì họ từng thích... hãy quan tâm đến người bệnh hơn. Hãy động viên, lắng nghe, khuyến khích họ mở lòng...
Nhóm người có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cười
Bạn không bao giờ biết khi nào trầm cảm có thể tấn công mình, nhưng những người có nguy cơ cao là những người có những thay đổi lớn trong cuộc sống như:
- Có mối quan hệ hoặc hôn nhân không thành công.
- Mới bị mất việc.
- Đang đối mặt với khủng hoảng tài chính.
Ngày nay, chứng trầm cảm cười có thể ảnh hưởng đến những người nghiện mạng xã hội. Việc kỳ vọng quá nhiều vào cuộc sống cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Những người cầu toàn có thể còn dễ mắc bệnh hơn vì những tiêu chuẩn bất khả thi mà họ đặt ra cho chính mình.
Điều trị chứng trầm cảm cười thế nào?
Dùng thuốc và xây dựng chế độ ăn uống (thực phẩm chống trầm cảm) sẽ giúp kiểm soát loại trầm cảm này.
Người bệnh có thể cần sự trợ giúp trị liệu tâm lý từ chuyên gia, hoặc từ người thân để vượt qua chứng trầm cảm.