Người phụ nữ bị trầm cảm kéo dài vì phải dùng vòi xịt nước hỗ trợ mỗi khi đi vệ sinh

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Bệnh nhân nữ, 45 tuổi bị trầm cảm kéo dài, nhiều năm gần đây xuất hiện táo bón. Mỗi lần đi đại tiện phải dùng vòi xịt vào đại tràng gây căng tức.

Táo bón kéo dài khiến người phụ nữ gặp khó khăn mỗi khi đại tiện

ThS.BS Vũ Duy Chinh (chuyên ngành Phục hồi chức năng một Bệnh viện tại Hà Nội) chia sẻ gần đây, anh mới tiếp nhận một trường hợp bị táo bón nặng nhiều năm.

Bệnh nhân nữ (45 tuổi, ở Hà Nội) có tiền sử trầm cảm, sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị hành vi và tâm trí. Nguyên nhân là do khoảng 4-5 năm trở lại đây, bệnh nhân xuất hiện tình trạng táo bón. Tình trạng này ngày càng nặng, các thuốc điều trị không có tác dụng nhiều.

Do tâm lý e ngại không muốn đi khám nên mỗi lần đi đại tiện, bệnh nhân đều phải dùng vòi vệ sinh xịt vào bên trong đại tràng để dễ dàng hơn.

Tình trạng diễn ra thường xuyên khiến bệnh nhân sau đó không chịu được đã quyết định đi khám, nội soi, phẫu thuật trĩ trong vòng 3 tháng. Kết quả ban đầu ghi nhận tình trạng của bệnh nhân được cải thiện tốt hơn. Nhưng sau 3 tháng, bệnh nhân lại xuất hiện táo bón, tình trạng tệ hơn.

Qua thăm khám, ThS.BS Vũ Duy Chinh nhận thấy, bệnh nhân bị táo bón rất nặng. Sau khi xác định rõ nguyên nhân, BS Chinh cùng ekip sử dụng phương pháp kích thích điện thần kinh kết hợp dùng một số thuốc hỗ trợ. Sau một liệu trình điều trị (10 ngày) bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu cải thiện tích cực. Kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống, sức khỏe của bệnh nhân hiện đã ổn định, không còn táo bón dù đã dừng thuốc.

Người phụ nữ phải dùng vòi xịt nước vệ sinh hỗ trợ mỗi khi "đi nặng" vì chứng bệnh khó nói - Ảnh 2.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Duy Chinh.

Điều chỉnh chế độ ăn uống - Yếu tố quan trọng nhất tránh táo bón kéo dài

ThS.BS Vũ Duy Chinh chia sẻ, điều quan trọng nhất, cơ bản nhất của quá trình táo bón là xuất phát từ vấn đề ăn uống. Táo bón bị dần dần theo thời gian, nếu không can thiệp kịp thời sẽ bị nặng dần lên.

Sau khi điều trị, tái lập được phản xạ đại tiện, nhu động ruột đã tốt trở lại, đi ngoài đều đặn, BS Chinh khuyên mọi người nên có chế độ ăn phù hợp. “Chế độ ăn uống lúc này đóng vai trò quan trọng”, BS Chinh cho biết. Bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn với sự cân bằng các chất tinh bột, chất xơ, protid, lipid, các vitamin và khoáng chất...

Người phụ nữ phải dùng vòi xịt nước vệ sinh hỗ trợ mỗi khi "đi nặng" vì chứng bệnh khó nói - Ảnh 3.

“Cơ thể cần được bù đủ nước. Uống nước đủ mỗi ngày đóng vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa táo bón”, BS Chinh nhấn mạnh. Đặc biệt vào mùa hè, nước sẽ đào thải qua mồ hôi, nước tiểu… thì lượng nước ở trong phân càng ít đi, dẫn đến phân khô hơn, nguy cơ táo bón cao hơn.

Chế độ ăn cần đặc biệt chú trọng cung cấp đủ chất xơ. Bạn có thể dễ dàng bổ sung chất xơ thông qua việc ăn các loại rau khác nhau. Điều này giúp giảm nguy cơ táo bón.

Ngoài ra, mất cân bằng hệ thống vi khuẩn ruột cũng sẽ gây táo bón. Đây là điều nhiều người không ngờ ngay cả khi bạn có chế độ ăn uống cân bằng. Lúc này, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, bổ sung lợi khuẩn để ngăn chặn táo bón.

Ngoài chế độ ăn cần có chế độ vận động, tập luyện hợp lý. Về cơ bản, để phòng tránh táo bón, bạn cần đi lại, vận động thường xuyên. Nhất là dân văn phòng, người già thường có thói quen ngồi lâu, trẻ có thói quen ngồi xem ti vi, chơi điện tử kéo dài hàng giờ…

“Sau khi bệnh nhân táo bón được đưa về trạng thái hoạt động bình thường cần đảm bảo chế độ ăn phù hợp, kết hợp tập luyện, vận động… Đây là những nguyên tắc cơ bản giúp bạn phòng tránh táo bón. Tuyệt đối không nên có tư tưởng đã đi đại tiện được bình thường là tùy tiện ăn uống, vận động vì có thể sẽ sớm táo bón trở lại”, BS Chinh khuyên.

Chia sẻ