Điểm mặt những bệnh có thể bị nặng hơn sau Tết
Sau Tết Nguyên đán, một số bệnh rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, bệnh trĩ, viêm loét dạ dày… có chiều hướng nặng thêm nếu bạn đang bị.
Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là biểu hiện đầu tiên của bệnh gan mà nguyên nhân có thể phân thành nhiều loại như gan nhiễm mỡ do dinh dưỡng, do hóa chất, do nội tiết, do vi sinh vật, do di truyền, do miễn dịch... Chính vì thế trong những dịp Tết mọi người không coi trọng việc ăn uống thì nguy cơ phát bệnh càng cao. Đặc biệt, những người đã có sẵn bệnh trước đó mà ăn càng nhiều chất béo, mỡ động vật, thức ăn có lượng đường quá cao sẽ dẫn đến bệnh càng nặng hơn. Đồng thời, chuyện ăn uống vào dịp Tết thường không điều độ, nên có thể gây rối loạn sự cân bằng trong quá trình chuyển hóa chất béo. Đó là điều kiện phát sinh béo phì và gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra việc uống rượu hay dùng các loại nước có ga trong dịp Tết cũng dẫn đến viêm gan bởi nó tích tụ lâu ngày. Những chất này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh và nhiều khi gây cho người bệnh biểu hiện như: chán ăn, nôn, đau bụng, sốt, vàng da... Những người uống rượu nhiều và liên tục, viêm gan do rượu có thể bị tử vong, nhất là với những người có tiền sử bệnh gan mật trước đó. Việc phát hiện và điều trị sớm viêm gan, có thể ngăn ngừa được xơ gan, ung thư gan.
Ăn uống vô độ trong Tết là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh không mong muốn. Ảnh minh họa
Bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng
Cũng là một trong những căn bệnh mà số lượng bệnh nhân đến điều trị chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh viện sau đợt Tết nguyên nhân một phần do ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng…
Những người ăn nhiều chất béo, có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, ăn vội vàng, nhai không kỹ… hoặc luôn bị rối loạn trong ăn uống như: ăn không đúng bữa, ăn quá khuya, lúc ăn thì quá no, lúc thì nhịn đói quá lâu… thì càng có nguy cơ bị các bệnh tiêu hóa cao hơn.
Những người có tiền sử về bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng nếu uống nhiều rượu còn có thể dẫn đến bục đại tràng, nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh trĩ
Đây là căn bệnh rất phổ biến, không từ một ai, lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nhất. Vào những dịp sau Tết, những người bị bệnh trĩ cần hết sức chú ý trong ăn uống. Vì trong và sau Tết mọi người thường có chế độ ăn uống không hợp lý (ăn quá ít chất xơ, rau xanh, ăn nhiều gia vị cay nóng, ít uống nước, uống quá nhiều bia rượu…) và chế độ sinh hoạt không điều độ (căng thẳng quá mức, không tập luyện thể dục thể thao…). Đây là tác nhân khiến cho bệnh trĩ có nguy cơ phát triển hoặc nặng thêm.
Người bị bệnh trĩ có thể thấy các triệu chứng như đại tiện ra máu, hoặc kèm theo các triệu chứng như mùi hôi, chảy nước, ngứa quanh lỗ hậu môn. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng trĩ gây ra một nỗi khó chịu, bực bội thường trực cho người bệnh.
Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
Ở thời điểm sau Tết Nguyên đán, có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do rối loại tiêu hóa mà nguyên nhân thường do các gia đình có thói quen tích trữ thức ăn, thực phẩm để dùng trong mấy ngày Tết, thực phẩm chín sống lẫn lộn khiến cho thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn… Thậm chí, thức ăn dùng không hết một lần, để qua nhiều ngày, hấp đi hấp lại, chiên tới chiên lui… cũng có thể gây đau bụng khi ăn.
Bên cạnh đó việc ăn uống thất thường dẫn đến rối loạn tiêu hóa do ăn quá nhiều, ăn không đúng bữa, nhiều mỡ, nhiều đạm... uống nhiều rượu bia đều là các tác nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng thông thường của bệnh này bao gồm tiêu chảy, táo bón, đầy bụng và tình trạng chậm tiêu hóa…
Không những thế, sau những dịp Tết các lễ hội bắt đầu được khai xuân, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa điểm diễm ra lễ hội thường không được đảm bảo nên cũng có thể là một trong những nguy cơ gây nên rối loạn tiêu hóa ở mức độ cao, thậm chí dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Sau Tết Nguyên đán, một số bệnh rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, bệnh trĩ, viêm loét dạ dày, tá tràng… có chiều hướng gia tăng. Ảnh minh họa
Cao huyết áp và các bệnh khác
Thường thì mọi người ít giữ chừng mực hay kiêng khem ăn uống trong dịp gặp mặt đầu năm. Bên cạnh đó, nhiều người hay thức khuya để... tham gia nhiều trò giải trí hoặc tụ tập, gặp mặt bạn bè, người thân… nên chế độ sinh hoạt cũng bị thay đổi.
Đó chính là lý do tại sao những người bị bệnh cao huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh tim mạch thường có nguy cơ bệnh nặng hơn trong và sau Tết. Người bị bệnh này có thể có các biểu hiện như: người mệt, hoa mắt, choáng váng, tê các chi, vùng mặt, nói khó, đứng không vững (là các dấu hiện của bệnh) thì cần đến bệnh viện để được xử trí kịp thời tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Để ngăn chặn những bệnh có thể gặp sau Tết như trên, theo Ths-Bs Lê Thị Phương Huệ thuộc Bệnh viện Thanh Nhàn thì ngay từ trong Tết, mọi người cần hạn chế ăn những gia vị cay nóng như ớt và hạt tiêu, gừng tươi, không nên sử dụng rượu, bia, nước uống có gas, đặc biệt là các loại rượu mạnh… Ngay cả vào những ngày trở lại công việc, kế hoạch ăn uống ngủ nghĩ hợp lý, bổ sung các chất giàu canxi và các loại rau xanh, hoa quả… càng trở nên quan trọng.
Mỗi ngày bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể mình vì nước có thể nhanh chóng giải tỏa cảm giác mệt mỏi. Sau bữa ăn sáng, bạn có thể uống một tách cà phê hoặc một tách trà sẽ giúp hưng phấn hệ thần kinh trung ương, tạo sự tỉnh táo và đầy phấn khích để bắt đầu lại công việc. Để cân bằng lại hoạt động cơ thể, hãy ăn uống khoa học, tránh ăn vặt hay bỏ bữa, không làm việc trong khi ăn, đồng thời luyện tập thể thao phù hợp để cơ thể không mệt mỏi và tăng sức đề kháng.
Nếu phát hiện thấy dấu hiệu bệnh, bạn đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.