Dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người phải nhập viện: Những ai cần đi tiêm phòng cúm ngay? Những ai cần tránh?
Nhiều người hiện nay sốt sắng đi tiêm phòng cúm. Nhưng bạn có biết, tiêm phòng cúm cần thiết với người này nhưng chưa chắc đã là giải pháp hàng đầu với người khác trong hiện tại?
Thông tin dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người gặp biến chứng phải nhập viện ở nhiều bệnh viện Hà Nội khiến chúng ta không thể chủ quan. Việc tiêm phòng cúm trong hiện tại là điều nên làm càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe của chính bạn và người thân.
Mặc dù vậy, tiêm phòng cúm cần thiết với người này nhưng chưa chắc đã là giải pháp hàng đầu với người khác trong hiện tại. Chúng ta hãy cùng xem mình thuộc nhóm nào rồi hãy đi tiêm phòng cúm nhé!
![Dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người phải nhập viện: Những ai cần đi tiêm phòng cúm ngay? Những ai cần tránh? - Ảnh 1. Dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người phải nhập viện: Những ai cần đi tiêm phòng cúm ngay? Những ai cần tránh? - Ảnh 1.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/7/tiem-phong-cum1-1738904934519395381388.jpg)
Những người cần tiêm phòng cúm ngay lúc này
1. Trẻ từ 6 tháng trở lên
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên được khuyến cáo nên đi tiêm phòng cúm vì nhóm trẻ này có sức đề kháng yếu, rất dễ mắc các mầm bệnh xung quanh.
Đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Nhóm trẻ này có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng khi bị bệnh cúm. Do đó, hãy đưa trẻ đi tiêm phòng cúm khi đủ tháng tuổi và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo hàng năm của bác sĩ.
2. Phụ nữ đang có ý định mang thai, phụ nữ mang thai
Nhóm đối tượng này có sức đề kháng rất kém. Họ có nguy cơ cao gặp biến chứng từ cúm. Do đó, việc tiêm phòng cúm là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
Thông thường, phụ nữ có ý định mang thai nên tiêm phòng cúm trước 1 tháng dự định. Hoặc, chị em có thể tiêm vắc-xin cúm trong thai kỳ, thời điểm lý tưởng nhất là 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.
![Dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người phải nhập viện: Những ai cần đi tiêm phòng cúm ngay? Những ai cần tránh? - Ảnh 3. Dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người phải nhập viện: Những ai cần đi tiêm phòng cúm ngay? Những ai cần tránh? - Ảnh 3.](https://afamilycdn.com/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/7/tiem-phong-cum2-1738904934545768047755.jpg)
3. Người cao tuổi
Người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 65 tuổi, là nhóm người có sức khỏe suy giảm, sức đề kháng yếu, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.
Do đó, nhóm người này nên đi tiêm phòng cúm để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
4. Người mắc bệnh mãn tính
Khi có bệnh mãn tính, sức khỏe của bạn sẽ suy yếu nhanh hơn, dễ gặp biến chứng hơn nếu bị bệnh cúm.
Do đó, những người mắc bệnh mãn tính như tim mạch, hen suyễn, tiểu đường cần đi tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt.
![Dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người phải nhập viện: Những ai cần đi tiêm phòng cúm ngay? Những ai cần tránh? - Ảnh 4. Dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người phải nhập viện: Những ai cần đi tiêm phòng cúm ngay? Những ai cần tránh? - Ảnh 4.](https://afamilycdn.com/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/7/tiem-phong-cum3-1738904934550565136489.jpg)
5. Người có hệ miễn dịch yếu
Những người có hệ miễn dịch yếu, bao gồm cả người đang điều trị ung thư, HIV/AIDS hoặc nhận các phương pháp điều trị làm suy giảm miễn dịch. Nếu chẳng may bị bệnh cúm thì sức khỏe suy giảm mạnh, dễ biến chứng và lâu khỏi bệnh hơn.
Việc tiêm phòng cúm có thể tăng cường hệ miễn dịch, giúp người có hệ miễn dịch yếu tăng sức khỏe chống lại bệnh.
6. Nhân viên y tế và người chăm sóc trực tiếp người bệnh
Tiếp xúc trực tiếp với những người mắc bệnh cúm thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. Do đó, nhân viên y tế và người chăm sóc trực tiếp người bệnh rất nên tiêm phòng cúm. Điều này giúp bảo vệ họ và ngăn chặn sự lây lan của virus cúm.
Những ai không nên tiêm phòng cúm
1. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi
Trẻ dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để tiêm phòng cúm. Bởi vậy, khi đi tiêm chủng, các bác sĩ vẫn luôn chú ý hẹn lịch tiêm cho con sau 6 tháng.
![Dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người phải nhập viện: Những ai cần đi tiêm phòng cúm ngay? Những ai cần tránh? - Ảnh 5. Dịch cúm lan rộng trong cộng đồng, nhiều người phải nhập viện: Những ai cần đi tiêm phòng cúm ngay? Những ai cần tránh? - Ảnh 5.](https://afamilycdn.com/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/7/tiem-phong-cum4-1738904934581757200626.png)
Nếu con bạn dưới 6 tháng tuổi thì hãy chú ý bảo vệ sức khỏe của con bằng cách tránh tối đa các nguồn lây nhiễm cúm, cho trẻ bú sữa mẹ... thay vì tiêm phòng cúm.
2. Người có tiền sử phản vệ đối với vắc-xin cúm hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc-xin
Tiêm vắc-xin lúc này có thể đe dọa tính mạng, do đó cần tránh tiêm phòng cúm cũng như các loại vắc-xin khác.
Các thành phần có trong vắc-xin có thể gây phản ứng bao gồm gelatin, kháng sinh hoặc các thành phần khác.
3. Người đang mắc bệnh cấp tính nặng, người bị sốt cao
Những đối tượng này nên hoãn tiêm phòng cúm vì có thể gây phản tác dụng, khiến bệnh tình thêm nặng hơn.
Thay vào đó, bạn nên đợi khỏi bệnh, hết sốt, sau đó có thể đi tiêm phòng bệnh bình thường.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.
7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.