Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp chủ nhà thứ cấp phá khóa vì người thuê "xù nợ"
Là người thầu lại các căn nhà rồi cho sinh viên, người lao động thuê từng phòng, bà Mai (trên phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân) có nguy cơ vỡ nợ vì người thuê không có tiền để trả.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người phải nghỉ làm do mất việc nên về quê, hoặc những sinh viên được nghỉ học nên không ở lại. Chính vì vậy, nhiều căn phòng bị bỏ trống, nhiều khu trọ bỗng dưng bị bỏ hoang.
Khách thuê về quê không trở lại
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai (chủ nhà thứ cấp, địa chỉ trên phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân) cho hay, kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhiều người thuê trọ về quê đã không trở lại nhưng cũng không xác nhận lại việc trả phòng, khiến kế hoạch kinh doanh của bà Mai bị đổ bể.
"Do người thuê về quê, xong lại không lên hoặc không tiếp tục ở nữa nhưng không thể liên lạc được, tiền thuê còn 2 tháng chưa trả. Mới đây tôi phải phá khóa một phòng để dọn dẹp chờ khách khác vào thuê, khi mở ra thì bên trong chẳng có tài sản gì có giá trị", bà Mai buồn bực.
Bà Mai cho biết, hiện tại gia đình bà thuê 3 căn hộ để cho thuê lại, mỗi căn bình quân có 8 phòng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hiện tại số phòng để trống khoảng 30 % vì nhiều người về quê. Điều đáng nói, một số người tuy không tiếp tục ở nữa nhưng vẫn liên tục xin hoãn trả tiền phòng, hoặc một số sinh viên về quê nghỉ, sau đó mất tăm.
"Khi xác định thấy khó khăn vì dịch bệnh, tôi nói với chủ nhà về phương án hỗ trợ, nhưng gia đình này không ý kiến gì. Trước đó tôi đã phải trả trước 6 tháng (mỗi tháng gần 70 triệu đồng), nếu đà này thì tôi vỡ nợ".
Bà Mai tâm sự: "Nhiều người in hẳn thông báo của một chủ trọ trong miền Nam hỗ trợ, hoặc miễn tiền thuê nhà rồi hỏi tôi có giảm giá không? Tôi rất nghĩ ngợi, vì tôi cũng chỉ là người thuê lại, cùng lắm thì tôi sẽ giảm cho họ tiền phí dịch vụ (bảo vệ, vệ sinh, internet), còn tiền nhà nếu chủ không giảm thì tôi không lấy đâu bù vào".
Cũng theo bà Mai, trong khi đó thời điểm này còn rất nhiều phòng để trống nhưng vẫn phải trả tiền cho chủ.
"Ngày trước nếu thuê thì phải đặt cọc và 3 tháng, nhưng bây giờ có ai thuê 1 tháng tôi cũng đồng ý để lấy tiền bù vào chi phí".
Khác với chủ nhà thứ cấp trên, chị Vân thuê nhà của chính chủ để mở hàng trong ngõ 178 Thái Hà chia sẻ, thời gian này dịch bệnh kéo dài khiến khách hàng giảm, doanh thu không đủ trả tiền nhà và nhân công.
"Nhiều lần bà chủ nhà đi qua dặn rằng; nếu cơ quan chức năng hỏi thì cứ bảo là chỗ 'người nhà' nên mượn chứ không phải đi thuê. Thế mà, mới đây tôi đề xuất chủ nhà giảm giá nhưng bà ấy còn đòi tăng".
Cho nợ tiền điện, nước, chứ không giảm tiền nhà
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một dãy nhà cho thuê trong ngõ thuộc phường Thịnh Liệt hiện nay nhiều người thuê phòng trọ đóng cửa để về quê.
Một chủ nhà ở phường Thịnh Liệt lại có phương án cho người thuê chậm tiền điện nước, chứ không giảm tiền thuê nhà.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lan Anh (làm công nhân) chia sẻ, thuê nhà ở khu vực này chủ yếu là những người hành nghề taxi, khi dịch xảy ra thì các tài xế tạm thời nghỉ về quê.
"Mỗi phòng ở đây tầm 2 triệu đồng/ tháng. Chủ nhà thu mỗi đầu người 60 nghìn tiền nước, còn điện thì tính theo số. Từ đầu năm đến nay, chồng tôi nghỉ làm và đưa con về quê sinh sống. Mỗi tháng vẫn phải đóng tiền nước theo đầu người, khó khăn quá tôi nói chuyện với chủ nhà để trừ tiền nước hoặc giảm giá thuê nhà. Tuy nhiên, chủ nhà ở đây không có thiện chí. Họ chỉ đồng ý cho nợ lại tiền điện nước chứ không giảm tiền nhà", chị Lan Anh nói.
Được biết, hiện tại nhiều chủ nhà ở TP HCM sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người thuê trọ với nhiều hình thức khác nhau. Đáng chú ý, có gia đình miễn hoàn toàn 2 tháng tiền nhà, ngoài ra còn hỗ trợ tiền điện nước cho người thuê.