Đi ngủ với cơn nhức đầu dữ dội, đến khi tỉnh dậy, người phụ nữ Mỹ bất ngờ nói giọng Anh lưu loát như người bản xứ

Đinh Hương,
Chia sẻ

Mặc dù chưa bao giờ xuất ngoại, cũng chưa từng học một thứ ngôn ngữ nào khác, thế nhưng sau khi trải qua một đêm nhức đầu, người phụ nữ không tài nào hiểu nổi vì sao cứ mở miệng ra là lại nói thành giọng Anh.

Theo như trang Washington Post đưa tin, người phụ nữ quốc tịch Mỹ, sống tại Buckeye, bang Arizona, chị Michelle Myers, khoảng hơn 2 năm trước đã bị một cơn đau đầu dữ dội hành hạ. Sau một đêm ngủ dậy, bất ngờ thay giọng nói của chị đã biến thành giọng Anh đặc sệt.

Đi ngủ với cơn nhức đầu dữ dội, đến khi tỉnh dậy, người phụ nữ Mỹ bất ngờ nói giọng Anh lưu loát như người bản xứ - Ảnh 1.

Được biết trước đây đã vài lần chị Michelle từng bị đổi giọng giống như thế. Triệu chứng bắt đầu bằng một cơn nhức đầu như búa bổ, sau đó chị Michelle đi ngủ và thức dậy với giọng nói đã bị thay đổi. Biểu hiện kỳ lạ ngày chỉ kéo dài khoảng vài tuần nhưng lần gần đây nhất thì kéo dài đến tận hơn 2 năm, cho đến hiện nay chị Michelle vẫn chưa nói lại được giọng Mỹ của mình.

Michelle cho biết cô được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng giọng nước ngoài (FAS). Theo Trung tâm Nghiên cứu rối loạn giao tiếp tại Đại học Texas tại Dallas, rối loạn thường xảy ra sau khi bệnh nhân gặp tai biến mạch máu não hoặc chấn thương sọ não ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm ngôn ngữ trên bộ não - khiến cho bệnh nhân khi nói tiếng mẹ đẻ có vẻ như bị bẻ giọng, nghe giống như giọng nước ngoài .

Đi ngủ với cơn nhức đầu dữ dội, đến khi tỉnh dậy, người phụ nữ Mỹ bất ngờ nói giọng Anh lưu loát như người bản xứ - Ảnh 2.

Được biết khi còn bé, Michelle còn mắc phải một hội chứng khác có tên là Ehlers-Danlos. Hội chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mô liên kết trong cơ thể khiến các khớp lỏng lẻo, giãn lỗ chân lông, dễ bầm tím, và có nguy cơ làm mạch máu của người mắc bệnh vỡ ra.

Chia sẻ với Fox News, Michelle nói rằng các bác sĩ cho biết tình trạng của cô có thể là một phản ứng phụ của chứng đau nửa đầu (hemiplegic migraine), gây ra các triệu chứng tương tự như đột quỵ.

Đi ngủ với cơn nhức đầu dữ dội, đến khi tỉnh dậy, người phụ nữ Mỹ bất ngờ nói giọng Anh lưu loát như người bản xứ - Ảnh 3.

"Nó thực sự rất nguy hiểm," Michelle nói. "Nó giống như một cơn đột quỵ, nhưng nó không phải là đột quỵ. Họ không thể hiểu được thứ gì đã kích hoạt triệu chứng này”.

Theo như chia sẻ của Michelle, sống với hội chứng FAS, cô đã phải tập làm quen với những ánh mắt kì thị và chọc ghẹo từ mọi người.

“Mọi người nghĩ rằng nó chỉ là một câu đùa vui khi nói rằng giọng tôi nghe như mấy cô trong nhóm Spice Girls vậy”, Michelle trải lòng. “Đối với tôi đó là một sự thật khó khăn vô cùng. Tôi luôn phải đấu tranh với chính mình từng giây phút. Dần dà tôi phải học cách chấp nhận sự thật là giọng của tôi có lẽ sẽ như thế này mãi mãi”.

Đi ngủ với cơn nhức đầu dữ dội, đến khi tỉnh dậy, người phụ nữ Mỹ bất ngờ nói giọng Anh lưu loát như người bản xứ - Ảnh 4.

FAS lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1907, nhà thần kinh học người Pháp Pierre Marie đã khảo sát một người đàn ông sống tại Paris. Sau khi bị đột quỵ, bệnh nhân đột nhiên nói bằng giọng Alsace, mặc dù ông không phải là người từ vùng biên giới Pháp-Đức nơi thứ ngôn ngữ được sử dụng. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy cho đến nay chỉ có khoảng 60 trường hợp mắc FAS được ghi nhận trên toàn thế giới. Từ một phụ nữ ở Virginia đã bất ngờ nói giọng như người Nga sau khi bị té cầu thang cho đến một bệnh nhân đột quỵ ở Nhật bất ngờ nói theo ngữ điệu như người Hàn Quốc...

Trường hợp nổi bật nhất của hội chứng nói giọng nước ngoài xảy ra ở Oslo trong Thế chiến thứ II. Nhà thần kinh học người Na Uy, G.H. Monrad-Krohn, trong nghiên cứu về hội chứng này, đã viết một người phụ nữ bị mảnh kim loại bay vào đầu trong một vụ đánh bom vào năm 1941. Chấn thương não bộ đã làm lệch nhịp điệu và giai điệu mỗi khi người này cất giọng nói chuyện và khiến cho người ngoài nghe được đều cảm thấy như cô đang nói theo giọng nước ngoài.

Đi ngủ với cơn nhức đầu dữ dội, đến khi tỉnh dậy, người phụ nữ Mỹ bất ngờ nói giọng Anh lưu loát như người bản xứ - Ảnh 5.

Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể hiểu hết về hội chứng biến đổi giọng kỳ lạ này mặc dù vậy, Michelle vẫn rất mong mỏi sẽ có một ngày căn bệnh của cô sẽ có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

“Một số người nghĩ rằng đó là vấn đề sinh lý, những người khác nghĩ rằng đó là do tâm lý. Những người mắc bệnh như tôi thì không quan tâm nó là cái gì. Chúng tôi chỉ thật sự muốn được xem xét một cách nghiêm túc và nếu đó là thứ sẽ làm tổn thương tôi, hãy giúp tôi chữa trị”, Michelle chia sẻ. “Tôi sẽ đánh đổi bất cứ điều gì để có thể trở lại bình thường. Căn bệnh này khiến cho tôi cảm thấy cô đơn và bị cô lập. Tôi hy vọng mình có thể giúp đỡ được những người mắc bệnh tương tự để họ không phải che giấu bản thân mình nữa”.

(Nguồn: Washington Post)

Chia sẻ