Đi ngang Quảng Nam nhớ ghé ăn bê thui Cầu Mống

Theo Tuổi Trẻ,
Chia sẻ

Vào Nam hay ra Bắc, nếu có dịp đi ngang vùng đất Quảng Nam bạn hãy ghé vào làng bê thui Cầu Mống để thưởng thức món đặc sản “lừng danh quốc lộ 1" này.

Vào Nam hay ra Bắc, nếu có dịp đi ngang vùng đất Quảng Nam bạn hãy ghé vào làng bê thui Cầu Mống để thưởng thức món đặc sản “lừng danh quốc lộ 1" này.


Đĩa bê thui thơm lừng đặt bên cạnh chém mắm cái, đĩa rau sống và bánh tráng, trông thật hấp dẫn - Ảnh: T.Ly

Có thể nói bê thui Cầu Mống là niềm tự hào của người dân nơi ngôi làng nhỏ nằm ở phía bắc đầu cầu Câu Lâu - cây cầu bắc qua sông Thu Bồn, trên tuyến quốc lộ 1 thuộc địa bàn xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.

Và ai từng nếm thử bê thui Cầu Mống một lần cũng mê hương vị hấp dẫn đặc biệt này.

Không mê sao được khi nhìn những tảng bê thui vàng rộm treo lủng lẳng hoặc nằm phơi mình trên bếp than hồng tỏa lên làn khói trắng. Dưới bàn tay cẩn thận của người bán, tảng bê ửng màu đỏ hấp dẫn, chỉ nhìn đã thấy ngon.

Nhưng ngon nhất là lúc mùi thơm của tảng bê lan tỏa trong không gian, kích thích vị giác.

Thật khó kìm lòng, trải miếng bánh tráng ra, đặt lên đó vài lát thịt bê, cuốn chung với rau, chấm vào chén mắm cái, cắn thêm một miếng ớt xanh rồi nhai thật chậm, thật kỹ mới cảm nhận hết vị ngọt bùi của thịt, vị đậm đà của nước mắm, thơm nồng của rau.

Người dân ở đây bảo không biết chính xác món bê thui Cầu Mống ra đờitự lúc nào, nhưng món này phảido chính người dân sống tại làng Cầu Mống đôi bờ sông Thu Bồn chế biến mới ngon.

Hằng ngày, từ sáng sớm xóm Cầu Mống đã trở mình, lục đục thui bê chuẩn bị cho buổi bán ngày mai.

Các chủ quán chỉ chọn bê còn nhỏ, độ 25 - 30kg nhưng phải là loại được thả rong trên các cánh đồng bãi bồi ven sông làng Gò Nổi, nơi hằng ngày lũ bò gặm những thảm cỏ non xanh mơn mởn hai bên bờ sông Thu Bồn mà lớn.


Bê được người bán hàng xắt sẵn thành những lát mỏng, đều đặn để phục vụ thực khách - Ảnh: T.Ly

Bê làm xong được thui bằng hom dâu và bã mía. Một người cầm bó đuốc hom dâu, bã mía đi tới đi lui, thui dọc thân cho đều. Hơn một giờ sau, bộ da sủi lên như những mũi trùn, dùng dao gạt, lấy vải lau sạch rồi tiếp tục thui. Được một giờ nữa lại gạt, lau những nốt sủi, hơn ba giờ trôi qua da bê mới chín vàng.

Cách thui bằng hom dâu, bã mía khá kỳ công, về sau người dân lại chuyển sang thui bằng than củi để vừa đảm bảo chất lượng, vừa thẩm mỹ.

Người thui phải tỉ mỉ, giữ lửa cho vừa đủ để cả con chín đều đặn bởi chỉ lơ là một tí, lửa hơi bén, thịt đã cháy sém không ngon. Thỉnh thoảng dùng que sắt có mũi nhọn châm đều lên da để thoát nước, lấy vải lau sạch rồi tiếp tục thui.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng món bê thui Cầu Mống là nước chấm. Nước chấm phải đúng loại mắm cái cá cơm, cá nục nguyên chất chế biến từ những vùng chài ven biển Hội An đem về gạn ép xác, lọc lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng, mè rang.

Bên cạnh đĩa bê thui, mắm cái còn có một khay rau sống Trà Quế gồm rất nhiều loại rau cần, húng, tía tô, xà lách, giá sống, khế chua, bắp chuối, chuối chát, đu đủ ngâm...

Chia sẻ