Đi hiến tinh trùng, nam thanh niên 'chết đứng' khi biết điều này
Sau khi làm thủ tục đăng ký tự nguyện hiến tinh trùng, Kiên được hướng dẫn tự lấy nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu tinh dịch không có tinh trùng.
Mạc Văn Kiên (22 tuổi, quê Hà Giang) đang học một trường y ở Hà Nội, được người bạn thân rủ đi hiến tin trùng. Ban đầu ngại ngùng nhưng được giới thiệu có thể kết hợp kiểm tra sức khỏe sinh sản luôn nên Kiên đồng ý đến một ngân hàng tinh trùng.
Sau khi làm các bước kiểm tra xét nghiệm, Kiên được hướng dẫn vào phòng lấy tinh dịch để làm thêm bước xét nghiệm chất lượng tinh trùng. Nếu tốt thì ba ngày sau Kiên quay lại hiến tinh trùng.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, Kiên nhận được tin nhắn từ trung tâm thông báo đến gặp bác sĩ nam học. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của Kiên không có tinh trùng. Bác sĩ nam học khuyên Kiên nên làm các biện pháp chuyên sâu để xác định nguyên nhân.
Kiên hốt hoảng, lo lắng khi biết tin. Gia đình có hai chị em, chị gái đã lấy chồng, bố mẹ ở quê biết cậu con trai duy nhất lại không có “con giống” để nối dõi tông đường thì họ sẽ rất sốc.
Bạn gái của Kiên cũng là con một. Hai người yêu từ ngày học xong cấp 3. Kiên sợ bạn gái sẽ chia tay nếu biết cậu không có khả năng làm bố.
Theo ThS.BS Hà Ngọc Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ (Hà Nội), tình trạng không tinh trùng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nam. Triệu chứng không có, bệnh nhân rất khó phát hiện nếu không xét nghiệm, phân tích tinh dịch. Trên lâm sàng các bác sĩ gặp nhiều nam giới hình thức ưa nhìn, tình dục vẫn tốt nhưng tinh dịch lại không có tinh trùng. Khi đó chỉ có phân tích tinh dịch mới xác định có tinh trùng hay không.
Nguyên nhân của hiện tượng trên là do tắc nghẽn. Quá trình sinh tinh vẫn có thể diễn ra bình thường, các giá trị FSH và testosteron trong giới hạn bình thường. Vị trí tắc nghẽn có thể ở mào tinh, ống dẫn tinh hay ống phóng tinh do nhiễm trùng hoặc bất sản hai ống dẫn tinh.
Ngoài ra, nguyên nhân có thể do có bất thường trong quá trình sinh tinh, do các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng clinefelter (47-XXY) hay bất thường di truyền. Khoảng 30% trường hợp không có tinh trùng hay tinh trùng ít yếu dị dạng nặng là do bất thường về gene, hoặc mất đoạn gene của nhánh dài trên nhiễm sắc thể Y.
Không tinh trùng cũng có thể mắc phải sau khi bệnh nhân điều trị ung thư, quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn.
Ngoài ra, rối loạn hoạt động của đường dẫn tinh cũng là một trong những nguyên nhân không có tinh trùng, thường gặp nhất là xuất tinh ngược dòng (chiếm khoảng 3% nguyên nhân vô sinh).
Theo bác sĩ Mạnh, độ tuổi hiến tinh trùng theo quy định là từ 22 đến 55 tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe, tâm thần. Người hiến sẽ được kiểm tra, sàng lọc các loại bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, HIV và đánh giá chất lượng tinh trùng.
Sau khi xét nghiệm đầy đủ không có các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bất thường nhiễm sắc thể, người hiến sẽ được lấy 3 mẫu tinh trùng cách nhau tối thiểu 3 ngày.
Ba tháng sau, họ quay lại để làm xét nghiệm HIV, nếu kết quả âm tính thì khi đó các mẫu tinh trùng mới đủ điều kiện sử dụng. Toàn bộ công việc hiến và sử dụng tinh trùng sau khi hiến sẽ đảm bảo nguyên tắc vô danh.
Đơn vị thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng mẫu tinh trùng hiến phải đảm bảo người cho và người nhận không biết thông tin về nhau. Đặc biệt, mẫu sẽ thực hiện chọn ngẫu nhiên.
“Xét về góc độ nhân văn, việc hiến tinh trùng là việc tốt, giúp đỡ những gia đình hiếm muộn có cơ hội làm cha làm mẹ, tránh những tổn thương và hệ lụy liên quan đến hạnh phúc gia đình”, bác sĩ Hà Ngọc Mạnh nói.