Đi dự đám cưới cũng phải... học
Đám cưới là nơi tuyệt vời để hoà nhập, làm quen với những người mới, cũng là nơi bạn thể hiện sự thanh lịch của mình. Hãy biết cách ứng xử đúng mực.
Với những lời mời
Xác nhận nhanh chóng
Nhận được thiệp mời, hãy khẳng định bạn có thể tham dự được hay không. Vì chủ nhân cần biết chính xác số lượng khách đến chia vui với họ để tiện cho khâu tổ chức, bạn tối kỵ những câu trả lời như: “Nếu bố trí được tớ sẽ tham dự”, hay “Nếu không bận tớ sẽ đến”. Đó là một kiểu trả lời thiếu tôn trọng.
Đừng mang theo những “vị khách không mời”
Thông thường, nếu bạn đã kết hôn hoặc có người yêu, nếu có nhã ý mời cả hai, chủ nhân đám cưới sẽ ghi: “Trân trọng kính mời anh, chị…” hoặc “Kính mời hai bạn….”. Nếu trong thiếp mời không ghi vậy, đừng mang vợ hay người yêu đi theo. Bạn cũng không nên mang trẻ nhỏ đi nếu trong thiếp mời không ghi rõ.
Chỉ hủy bỏ tham dự vì những lý do đột xuất
Trong trường hợp bạn đã nhận lời mời tham dự đám cưới nhưng có việc đốt xuất không thể trì hoãn như nhà có tang, công tác đột xuất… bạn nên thông báo lại cho người mời sớm nhất có thể. Tốt nhất là trước đó 1 tuần hoặc ngay khi bạn nhận ra mình cần thay đổi kế hoạch.
Không tự mời mình
Với quà cưới
Chọn quà một cách thông minh
Nên tặng những món quà hữu dụng mà cả cô dâu và chú rể đều đánh giá cao. Hãy thảo luận với những người bạn cùng được mời để chọn mua một món quà lớn, có giá trị, như vậy tốt hơn là mua những món quà riêng lẻ.
Hãy trở nên rộng lượng
Đôi khi món quà của bạn không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn mang giá trị vật chất nữa. Nếu bạn đi hai người, hãy nhân đôi giá trị của quà mừng. Tiền hoặc ngân phiếu trở thành món quà tiêu chuẩn cho rất nhiều nước. Có thể bạn thích tặng một món đồ mang ý nghĩa tinh thần hơn, nhưng đôi khi bạn cũng nên nghĩ đến chi phí cho đám cưới của cô dâu, chú rể để cân nhắc việc bạn mừng bằng hiện vật hay bằng tiền.
Tặng quà không chỉ vì tham dự đám cưới
Nếu bạn nhận được lời mời nhưng không thể đến được vì một lý do nào đó, hãy gửi quà tặng kèm theo lời xin lỗi vì không thể tham gia tiệc cưới. Điều đó chứng tỏ bạn thành thật chúc mừng hạnh phúc của họ.
Trong đám cưới
Mặc trang phục phù hợp
Địa điểm tổ chức đám cưới có thể giúp bạn quyết định trang phục. Bạn không thể mặc trang phục “mát mẻ” khi tham dự đám cưới trong nhà thờ, càng không nên mặc đồ đen tuyền trong đám cưới, do nhiều người quan niệm màu đen mang ý nghĩa đau buồn và tang tóc. Hãy cố gắng mặc những sắc màu mang ý nghĩa hạnh phúc và vui vẻ, với thành ý chúc mừng chủ nhân trong ngày lễ trọng đại.
Đến đúng giờ
Đảm bảo rằng bạn đã biết rất rõ địa điểm tổ chức đám cưới, nếu chưa biết hãy dự trù thời gian cho việc tìm đến địa điểm đó, dự trù thời gian cho tắc đường và đậu xe. Nếu bạn đến muộn, hãy ngồi ở hàng ghế sau cùng để không làm gián đoạn buổi lễ.
Chọn chỗ ngồi
Không nên đứng ở ngoài hành lang nói chuyện với những người khác khi cô dâu chú rể đã vào trong để bắt đầu buổi lễ. Bạn nên ổn định chỗ ngồi ít nhất 10 phút trước giờ làm lễ.
Nói lời cảm ơn
Trước khi ra về, hãy nói lời cảm ơn cô dâu, chú rể và gia đình họ đã mời bạn đến tham dự buổi lễ này. Đó là cách bạn thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng lời mời của cô dâu chú rể.
Những điều cần tránh
Ép cô dâu chú rể uống rượu
Trong lễ cưới cô dâu chú rể còn có rất nhiều khách khứa. Chính vì thế sẽ là khiếm nhã nếu bạn ép cô dâu chú rể phải uống rượu để chứng tỏ sự thịnh tình của họ với mình. Nếu vị khách nào cũng có những yêu cầu như bạn thì không biết cô dâu chú rể phải uống bao nhiêu trong tiệc cưới.
Quá chén
Cho dù bạn có vui đến thế nào, cho dù rượu và đồ ăn có ngon đến đâu, hãy đảm bảo rằng bạn uống vừa phải và có điểm dừng. Say sưa không làm cho cô dâu chú rể thấy hạnh phúc hơn mà thậm chí còn đem lại cho họ nhiều phiền phức.
Gây sự chú ý
Nếu người cùng đi với bạn quá chén và có những biểu hiện không bình thường, hãy lặng lẽ kéo họ ra ngoài.
Đám cưới cũng không phải là nơi bạn giới thiệu người yêu mình cho cô dâu chú rể, hãy để dành sự giới thiệu vào một dịp khác. Trong bất cứ bối cảnh nào, không nên làm cho cô dâu chú rể mất tập trung.
Theo Dân trí