Chuyện về những đám cưới "tàu nhanh"
Thật khó có thể tin, một xã của TP Hải Phòng, trong mấy năm trở lại đây, có tới gần 700 trường hợp lấy chồng ngoại.
Đám cưới diễn ra nhanh chóng hơn cả cuộc “cướp vợ” của người Mông ở chốn rừng xanh núi đỏ.
Đua nhau lấy chồng ngoại
Đại Hợp là xã ven biển của huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng), cách thị xã Đồ Sơn chỉ mấy km.
Đứng từ xa nhìn lại, những ngôi biệt thự, nhà cao tầng với mái ngói đỏ, mọc vượt ngọn tre, tán dừa này chẳng khác gì những khu biệt thự ở ngoại ô của các thành phố lớn.
Đại Hợp hầu như tuần nào cũng có vài đám cưới. Đầu làng cuối xã, lúc nào cũng thấy loa đài xập xình. Điều đặc biệt là có thể dễ dàng gặp một vài đám cưới mà cô dâu là các cô gái quê hiền lành chân chất, còn chú rể là người nước ngoài.
Theo thống kê của ông Hoàng Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, hiện Đại Hợp có gần 700 cô gái xuất ngoại lấy chồng, chiếm kỷ lục ở Hải Phòng, vượt xa các xã có “truyền thống” lấy chồng nước ngoài đã lâu ở huyện Thủy Nguyên.
Mỗi năm, ít thì có vài chục trường hợp lấy chồng ngoại, nhiều thì có đến cả trăm. Kỷ lục lấy chồng nước ngoài là vào năm 2005 với 177 cuộc kết hôn.
Năm 2006, "tình hình" kết hôn với người nước ngoài đã giảm xuống còn 81 trường hợp. Năm 2007, con số chị em lấy chồng nước ngoài đã giảm kỷ lục còn 45 người.
Thế nhưng, năm 2008, "phong trào" lấy chồng nước ngoài tại Đại Hợp lại bùng phát mạnh với 112 cô gái đi làm dâu xứ lạ.
Chính vì thế, về Đại Hợp, có thể dễ dàng được chứng kiến những đám cưới mà những người tham dự có cảm xúc rất lạ.
Đám cưới chớp nhoáng
Tôi về Đại Hợp vào một ngày nắng gắt vậy mà xã đang có hai đám cưới, một đám ở thôn Đông Tác 1 với chú rể là người Đài Loan và một đám ở thôn Quần Mục 2 với chú rể là người Hàn Quốc.
Hôm ấy, ở thôn Quần Mục 2, cô Nguyễn Phương Th. mới 19 tuổi, tổ chức đám cưới với chú rể là một "cụ" Hàn Quốc đã 60 tuổi.
Loa đài “nổ đùng đoàng” từ đêm hôm trước, nhà gái nhậu nhẹt tưng bừng từ sáng đến trưa. Điều đặc biệt là những người đi ăn cưới các cô dâu lấy chồng nước ngoài đều không mang theo quà mừng bởi vì, theo “phong tục” nơi đây, lấy được chồng nước ngoài, đặc biệt là chồng Hàn Quốc thì coi như trúng số(?)
Khi nhà gái đang đánh chén, thì chú rể còn ngồi trên máy bay tận chín tầng mây để bay sang Việt Nam. Khi xuống sân bay, bà mối ngồi trên chiếc xe con bóng lộn đón chú rể về thẳng nhà gái.
“Đoàn nhà trai” gồm chú rể và bà mối sẽ chào hỏi họ hàng, đeo hoa tai, vòng lắc, nhẫn vàng… cho cô dâu. Sau đó, chú rể trịnh trọng trao phong bì cho bố mẹ vợ thay cho sính lễ rườm rà.
Sau khi thắp hương làm lễ tạ ơn tổ tiên, thề thốt chung thủy đến đầu bạc răng long (không biết tổ tiên có hiểu được tiếng Hàn không?), cô dâu và chú rể sánh bước ra sân nâng ly chúc tụng cám ơn họ hàng, làng mạc. Mọi việc từ A đến Z đều do bà mối "chỉ đạo nghệ thuật".
Thủ tục chỉ diễn ra chừng nửa giờ đồng hồ, hoặc hơn một chút, rồi chú rể và cô dâu tót lên xe chạy thẳng ra Đồ Sơn hưởng trăng mật.
Loáng một cái, cô dâu đã mất hút. Đám cưới diễn ra nhanh chóng hơn cả cuộc “cướp vợ” của người Mông ở chốn rừng xanh núi đỏ.
Thực ra, sau khi hết tuần trăng mật, chú rể lên máy bay trở về nước, còn cô dâu lại trở về nhà mình. Thời gian trăng mật dài hay ngắn phụ thuộc vào thời gian khứ hồi ghi trên vé máy bay. Vậy nên, nhiều trường hợp, cưới xong hôm trước, hôm sau chú rể đã đáp máy bay về nước. Cô dâu tiếp tục ở nhà đợi bà mối làm thủ tục xuất cảnh sang đoàn tụ với chồng.
Ở bên kia, thôn Đông Tác 1, đám cưới giữa cô Phạm Hoài Kh. vẫn xập xình hát karaoke suốt từ sáng đến chiều. Lẽ ra, lễ cưới được tổ chức vào buổi sáng, nhưng vì chuyến bay của chú rể bị hoãn 8 tiếng đồng hồ, nên phải 9 giờ tối chú rể mới có mặt ở nhà gái.
Chuyện tổ chức hôn lễ vào ban đêm cũng diễn ra khá thường xuyên ở Đại Hợp do nhỡ chuyến bay, tắc đường, xe hỏng… Và những cuộc cưới vợ diễn ra đêm hôm còn chóng vánh hơn cả ban ngày.
Trong xã Đại Hợp, 2 thôn Đông Tác và Quần Mục, hầu hết các cô gái đến thì đến lứa đều lấy chồng nước ngoài. Ở nước ta đám cưới thường được tổ chức chủ yếu vào dịp cuối năm thời tiết mát mẻ, nhưng ở đây thì bất kể ngày nào, dù "bão bùng hay nắng lửa". Lý do hết sức đơn giản là vì thời gian tổ chức cưới không phụ thuộc vào ngày tốt hay xấu mà phụ thuộc vào thời gian lưu trú của các chú rể. Các đám cưới đều có một đặc điểm chung là nhanh chóng, chớp nhoáng, không có “hai bên bốn họ”, nhà trai chỉ có duy nhất một người, đó là… chú rể. Với những đám cưới kiểu này, người dân trong xã gọi vui là “cưới tàu nhanh”. |
(Còn tiếp)…
Theo VTC