Đi chợ ngày Tết cái gì cũng tăng chóng mặt, hội các bà nội trợ phải thuộc lòng 6 mẹo chi tiêu để tiết kiệm triệt để
Mỗi năm cứ đến thời điểm này, nhiều bà nội trợ lại kêu trời vì cầm tiền đi chợ ngày Tết chẳng khác gì cầm cục đá trên tay khiến việc chi tiêu luôn quá tay.
Để chi tiêu ngày Tết không quá tay khi mua sắm và kiểm soát được mọi thứ trong kế hoạch, ngay từ giờ bà nội trợ hãy dắt túi những bí quyết đơn giản mà thiết thực sau:
1. Lập danh sách các thứ cần mua sắm
Ngày Tết có trăm thứ cần phải mua. Tuy nhiên bạn cần phải lập danh sách tất cả những thứ gia đình bạn cần mua Tết này. Danh sách này ưu tiên các khoản thiết yếu trước. Sau đó mới đến các khoản chưa cần ưu tiên. Chẳng hạn như ăn uống, quà biếu, lì xì, tiền xe cộ về quê, du lịch...
Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được 1 khoản đáng kể khi đi siêu thị hay đi chợ. Tránh được tình trạng nhìn thích cái gì là mua để khi về tính tiền bạn mới thấy xót ruột.
2. Đi mua sắm ngày Tết chỉ mang khoản tiền vừa đủ
Dù đã dự trù từng khoản chi tiêu Tết, khi đi mua sắm, bạn vẫn nên mang khoản tiền vừa đủ. Tuyệt đối tránh mang khoản tiền quá dư dả đi. Bởi vì tâm lý người mua hàng, mang bao nhiêu tiền cũng không đủ, thấy cái gì hay lại nổi hứng mua liền, đồ gì cũng muốn mua thôi.
Việc làm này giúp bạn tránh được bị phá vỡ kế hoạch. Vì rõ ràng vạch ngay kế hoạch ban đầu về chi tiêu nhưng đến khi tính lại vẫn bị hao hụt khá nhiều vì các khoản chi tiêu không tên.
3. Nên đưa tiền mặt cho ông bà nội ngoại mua sắm
Năm hết Tết đến, để vừa không mất thời gian mua sắm vừa không có cơ hội chi tiêu quá tay, bà nội trợ nên đưa tiền mặt cho bà nội bà ngoại để họ thích gì sắm đó. Bởi nhiều khi đi ra ngoài, nhiều bà nội trợ thấy đồ gì hay mắt và rẻ lại khuân về mà thực sự chưa dùng đến. Và như vậy, bạn lại mất 1 khoản. Vì thế với những người ham sắm sửa nên làm theo mẹo này để khống chế được các khoản phát sinh.
4. Nên mua thực phẩm ở chợ đầu mối vừa tươi vừa rẻ
Dịp tết cũng là dịp nhiều bà nội trợ cảm thấy lo lắng. Bởi đằng sau nó là phải chi tiêu rất nhiều khoản mà không thể cưỡng lại được. Trong đó khoản chi tiêu cho thực phẩm Tết chiếm đến 70% chi tiêu cho gia đình.
Tại các chợ Tết gần nhà, ngày Tết cái gì cũng tăng giá chóng mặt. Bởi thế, cách khôn ngoan nhất là nên ra tận chợ đầu mối mua cho rẻ, thực phẩm lại tươi ngon...
5. Không mua các sản phẩm chỉ để diện tức thì dịp Tết
Với nhiều gia đình Việt, Tết là dịp để gia đình quây quần, sum họp chứ không phải là dịp để diện, "ăn chơi thả ga". Chính bởi thế, họ dần đơn giản cái Tết và chỉ mua sắm vừa đủ, đúng nhu cầu. Tuyệt đối Tết không phải là dịp họ sẵn sàng chi bất cứ giá nào để có sản phẩm đó.
Cụ thể như nhiều gia đình Tết đến là sắm mới đồ gia dụng, đồ bếp. Song thực tế, điều này lại không cần thiết. Bởi vì bạn có thể mua vào thời điểm trước hoặc sau Tết vừa không cập rập lại được hưởng nhiều khuyến mãi khủng.
6. Chỉ nên mua thực phẩm Tết ăn trong 2-3 ngày
Trước đây, nhiều bà nội trợ Việt có thói quen mua nhiều đồ Tết tích trữ nhằm đề phòng khách đến chơi khi chợ và siêu thị chưa mở cửa. Song hiện nay, bạn nên từ bỏ thói quen này.
Lý do vì việc tích trữ dài ngày trong tủ lạnh quá nhiều thực phẩm, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây… sẽ khiến chúng bị khô héo, thối, hỏng, biến chất.
Chưa kể chợ và các siêu thị hiện nay đều thường mở hàng từ ngày mùng 2-3 Tết. Vì thế chỉ nên mua thực phẩm vừa đủ cho tối đa 2-3 ngày.