Đến việc đi xe đạp cũng rất lằng nhằng và nghiêm ngặt - Nhật Bản là đất nước kỳ lạ thế đấy

T.O.P,
Chia sẻ

Đừng nghĩ bạn có thể đơn giản chỉ lấy một chiếc xe đạp là có thể vô tư lái trên đường phố Nhật Bản. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị phạt tiền, rất nhiều tiền đấy.

Việt Nam ở thế kỷ trước, có được một chiếc xe đạp đi đây đi đó là "oách", là sang lắm rồi. Nhưng dần dần, văn hóa đi xem đạp cũng thui chột, nhường chỗ cho các phương tiện hiện đại hơn.

Ở Nhật Bản thì khác. Đối với người Nhật, xe đạp vẫn là phương tiện đi lại rất đặc trưng, khi từ học sinh, sinh viên đến các bà nội trợ đều đi xe đạp.

Ngay cả trong thời đại của các phương tiện như ô tô, xe máy, tàu điện..., thì cảnh tượng những bãi xe đạp hàng trăm chiếc dựng sát nhau ở khắp các thành phố vẫn cực kỳ phổ biến.

 Đến việc đi xe đạp cũng rất lằng nhằng và nghiêm ngặt - Nhật Bản là đất nước kỳ lạ thế đấy - Ảnh 1.

Cảnh tượng cực kỳ phổ biến tại Nhật Bản

Nhập gia tùy tục! Lẽ thường tình khi đến Nhật sinh sống, nhiều người sẽ muốn tự lái một chiếc xe đạp để đi đây đi đó. Thế nhưng hãy cẩn thận, vì bạn không chỉ đơn giản mua lấy một chiếc xe rồi cứ thế mà lái được đâu.

Chiếc xe ấy cần phải được đăng ký, lấy số đàng hoàng và mua bảo hiểm trước khi lưu thông, nếu bạn không muốn bị tịch thu và nộp phạt.

Chuyện như đùa, nhưng đó là sự thật. Nhật Bản là một trong số (ít) các quốc gia còn duy trì điều luật phải đăng ký xe đạp (như Thụy Sĩ, Argentina).

Theo đạo luật "đăng ký chống trộm cắp xe đạp" (自転車防犯登録, jitensha bouhan touroku) ra đời năm 1994, tất cả mọi người khi mua xe đạp - bất kể xe mới hay xe cũ - đều phải đăng ký với chính quyền địa phương.

 Đến việc đi xe đạp cũng rất lằng nhằng và nghiêm ngặt - Nhật Bản là đất nước kỳ lạ thế đấy - Ảnh 2.

Xã hội Nhật Bản có quá nhiều xe đạp, và nó khiến cho rủi ro bị trộm cắp cao hơn. Để hạn chế điều này, một đạo luật như vậy là điều hợp lý. Tuy nhiên, câu chuyện đăng ký thực chất cũng khá mệt mỏi.

Quy định đăng ký xe đạp tại Nhật Bản

Nếu bạn mua một chiếc xe mới, mọi chuyện rất đơn giản vì nơi bán xe sẽ làm hết cho bạn. Chỉ cần đưa ra thẻ căn cước, điền một số thông tin ngắn gọn, trả phí đăng ký (khoảng 500 yen - tương đương khoảng 100.000 đồng) là được.

 Đến việc đi xe đạp cũng rất lằng nhằng và nghiêm ngặt - Nhật Bản là đất nước kỳ lạ thế đấy - Ảnh 3.

Mọi chiếc xe phải được đăng ký, dù là mới hay cũ

Nhưng cần biết rằng xe đạp mua mới ở Nhật không rẻ chút nào đâu - khoảng 7000 yên (1,4 triệu đồng) trở lên cơ. Với những người mới sang Nhật sinh sống, lựa chọn kinh tế hơn sẽ là những chiếc xe cũ. Có điều, xe cũ cũng phải đăng ký, và quy định này thì hơi... lằng nhằng, vì nó phụ thuộc vào luật đăng ký xe tại từng địa phương.

Thông thường có hai cách để đăng ký xe đạp cũ: Hoặc là chuyển đổi quyền sở hữu xe; Hoặc phải qua hai bước là hủy bỏ đăng ký cũ và tái đăng ký mới. Quy trình cụ thể như sau:

 Đến việc đi xe đạp cũng rất lằng nhằng và nghiêm ngặt - Nhật Bản là đất nước kỳ lạ thế đấy - Ảnh 4.

*Chuyển đổi quyền sở hữu

Trong hai lựa chọn, phương án này dễ dàng hơn, vì nó không yêu cầu đích thân chủ cũ phải đến làm việc. Bạn chỉ cần trình ra: thẻ căn cước, thẻ đăng ký của chủ cũ, giấy chứng thư chuyển nhượng, bảo hiểm xe, và đóng thêm 500 yên phí vận hành là được.

*Hủy bỏ đăng ký và tái đăng ký

Một số địa phương không cho phép chuyển đổi quyền đăng ký. Thế nên, đích thân người chủ cũ phải đi hủy đăng ký, và người mua xe phải thực hiện một bước đăng ký khác.

Theo đó, người chủ cũ sẽ phải trình ra thẻ căn cước và thẻ đăng ký cũ để hủy đi. Sau đó, người mới cũng phải trình ra những giấy tờ tương tự như khi chuyển đổi quyền sở hữu để đăng ký mới, kèm theo 500 yên phí vận hành.

Và những luật lệ hà khắc hơn cả xe máy

Nếu không đăng ký mà vẫn điều khiển xe, cái giá bạn phải trả là bị tịch thu cả chiếc xe, thậm chí có thể bị khép vào tội ăn cắp và lưu trong hồ sơ nếu không cẩn thận.

Nhưng vẫn còn đó những quy định phạt còn nặng hơn như thế, mà nếu nhìn vào sẽ chẳng ai tin được rằng nó được dành cho xe đạp.

- Nếu cho ai đó đi nhờ (và xe của bạn không được thiết kế để đèo), bạn có thể bị phạt đến 20.000 yên (hơn 4 triệu đồng).

- Đạp xe mà dùng ô thì nhìn rất lãng mạn, nhưng bạn có thể phạt tới 50.000 yên (hơn 10 triệu đồng) nếu bị bắt gặp làm như vậy, thậm chí là ngồi tù thêm 3 tháng nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.

- Mức phạt tương tự cũng dành cho việc sử dụng điện thoại di động hoặc đeo tai nghe.

- Không được đi xe đạp lên vỉa hè (tuy nhiên luật này khá lỏng lẻo nên thường bị vi phạm rất trắng trợn).

- Lái xe khi uống rượu có thể bị phạt tù 5 năm, kèm theo khoản phạt lên tới 1 triệu yên. Và bạn biết rồi đấy, "xe" ở đây là xe đạp nhé.

- Không gắn đèn ở đầu xe, phạt 50.000 yên.

Nguồn tham khảo: Tofugu, Japan Times, Gajin pot

Chia sẻ