Đối phó với vấn nạn hiếp dâm, Ấn Độ lên kế hoạch lắp camera giám sát trong các lớp học
Chính quyền lãnh thổ thủ đô của Ấn Độ - Delhi đã tuyên bố lắp đặt hệ thống máy quay giám sát an ninh tại tất cả các phòng học thuộc trường công lập trên địa bàn.
Kế hoạch này được đưa ra với mục đích xoa dịu dư luận sau khi những vụ án nghiêm trọng nhằm vào trẻ em xảy ra tại khuôn viên của các trường học trên địa bàn lãnh thổ thủ đô Delhi bị phanh phui.
Điển hình trong số đó là vụ một bé gái năm tuổi bị chính nhân viên nơi em đang theo học cưỡng dâm vào hồi tháng 11/2017, hay vụ một bé trai bảy tuổi khác bị sát hại dã man ở ngôi trường tư thục.
Đại diện phía chính quyền cho biết, họ mới tuyên bố mở rộng phạm vi áp dụng tới hơn 1.000 trường học. Dự kiến, cần ít nhất khoảng ba tháng để mọi thứ bắt đầu hoạt động.
Công khai mọi hình ảnh
Phát biểu trước báo giới vào ngày 17/01 vừa qua, Thủ hiến Delhi ông Arvind Kejriwal khẳng định, máy quay giám sát an ninh sẽ khiến toàn bộ môi trường giáo dục trở nên minh bạch hơn, đồng thời giúp đảm bảo tối đa sự an toàn của trẻ nhỏ.
Ông cũng tuyên bố thêm, hệ thống sẽ nhanh chóng bổ sung khả năng theo dõi trực tuyến thông qua ứng dụng điện thoại.
Nhờ vậy, các bậc phụ huynh có thể chủ động hơn trong việc quản lý và theo dõi mọi tình huống tại nơi con theo học ngay cả khi đang ở công ty – hoặc thậm chí ở quốc gia xa xôi nào đó.
Máy quay giám sát an ninh sẽ giúp môi trường giáo dục trở nên minh bạch hơn. Ảnh minh họa.
Để theo dõi một cách trực tiếp cảnh tượng bên trong phòng học của con em mình, các phụ huynh chỉ cần dùng một tài khoản riêng với thông tin cá nhân phù hợp và đăng nhập vào ứng dụng do chính phủ cung cấp.
"Nó sẽ bao gồm luôn chức năng gửi khiếu nại. Do vậy, việc gia đình yêu cầu sự can thiệp từ cán bộ thuộc cơ quan chịu trách nhiệm khi phát hiện thấy dấu hiệu bất thường ở lớp học cũng trở nên dễ dàng hơn", ông Kejriwal tiếp lời.
Thậm chí, mọi quan chức thuộc ngành giáo dục đều có quyền theo dõi hình ảnh được ghi lại tại những ngôi trường nằm dưới thẩm quyền nhằm phát hiện sai phạm hay vấn đề phát sinh để kịp thời xử lý.
Mọi quan chức thuộc ngành giáo dục đều có quyền theo dõi hình ảnh được ghi lại tại những ngôi trường nằm dưới thẩm quyền. Ảnh minh họa.
Giám đốc Sở Giáo dục thành phố Dehli ông Manish Sisodia nhận định, việc giáo viên dạy thiếu tiết nhưng vẫn nhận đủ lương đang là một thực trạng vô cùng nhức nhối tại Ấn Độ. Hiện chưa thể tìm hướng giải quyết tối ưu nhất.
Bởi vậy, hệ thống máy quay giám sát sẽ giúp họ kiểm soát tốt hơn các vấn đề liên quan tới tác phong làm việc của đội ngũ lao động trí thức, hoặc cung cấp bằng chứng sai phạm trong trường hợp cần thiết.
Nhiều ý kiến trái chiều
Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc lắp đặt hệ thống máy quay giám sát an ninh tại tất cả phòng học thuộc hệ thống các trường công lập trên địa bàn thủ đô Delhi, Ấn Độ.
"Nhờ hệ thống máy quay giám sát, chúng tôi mới nắm được tình hình của con em mình trong thời gian học tập ở trường – nhất là khi nhiều vụ án hiếp dâm và sát hại trẻ em từng xảy ra ở khắp mọi nơi.
Tình trạng đó khiến những bậc làm cha mẹ cảm thấy rất lo lắng", một bà mẹ có con gái năm tuổi chia sẻ.
Tình trạng bớt xén đồ ăn trưa của học sinh cũng khó xảy ra hơn do mọi thứ đều bị giám sát cẩn thận. Ảnh minh họa.
Riêng anh Shalu Verma lại cho rằng, hệ thống máy quay giám sát không những có tác dụng đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, mà còn giúp phụ huynh theo dõi được mọi hành động từ đội ngũ giáo viên trong trường.
"Chúng tôi sẽ biết họ có giảng dạy một cách tử tế không, hay lại tranh thủ làm việc riêng hoặc bạo hành học sinh. Và tình trạng bớt xén đồ ăn trưa của các con cũng khó xảy ra hơn do mọi thứ đều bị giám sát cẩn thận", anh Verma nói.
Mọi hành động của đội ngũ giáo viên trong trường sẽ được các bậc phụ huynh theo dõi sát sao.
Tuy nhiên, ông Apar Gupta, một luật sư chuyên về vấn đề quyền riêng tư của công dân đã lên tiếng phản đối trước bản kế hoạch trên: "Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về ảnh hưởng từ việc lắp đặt hệ thống máy quay giám sát tại trường học và công khai tất cả đối với sự an toàn của người dân.
Tôi nghĩ, chính quyền nên lưu ý mọi việc nhằm tránh xâm hại tới quyền riêng tư cá nhân mà những đối tượng có liên quan được hưởng – đặc biệt là trẻ nhỏ".
Hệ thống này có thể sẽ tạo ra cho mọi người sự ảo giác về mức độ an toàn. Nhưng trên thực tế, nó chưa chắc đem lại kết quả như kỳ vọng.
Ông Ajay Veer Yadav, Tổng thư ký Hiệp hội Giáo viên Công lập Ấn Độ cũng tỏ ra không đồng tình với kế hoạch này:
"Hiện tại, hơn 70% thành viên của chúng tôi là nữ giới. Vậy tại sao chính quyền lại muốn đặt máy quay theo dõi mọi hành động của họ trong suốt cả ngày làm việc, rồi lại công khai toàn bộ như vậy chứ?
Điều này hoàn toàn không hề có tác dụng tăng cường sự an toàn cho học sinh. Tất cả chỉ nhằm mục đích giám sát giáo viên, tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới việc chất lượng giáo dục tại quốc gia này chưa hề được cải thiện.
Nếu muốn tạo dựng môi trường giáo dục hoàn thiện, tôi nghĩ chính quyền nên tìm cách bù đắp về sự thiếu hụt tới hơn 30.000 giáo viên ở hệ thống trường công lập".