Đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm BHXH bắt buộc, cần làm gì để được hưởng lương hưu?
Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH thì có thể đóng BHXH tự nguyện một lần để được hưởng lương hưu hằng tháng không?
Hiện nay với quy định về thời hạn số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để được hưởng lương hưu, nhiều trường hợp người lao động (NLĐ) mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng không đáp ứng điều kiện về số năm đóng BHXH để nhận lương hưu. Vậy cách xử lý tối ưu trong trường hợp này như thế nào?
Cách xử lý khi chưa đủ số năm đóng BHXH đã đến tuổi nghỉ hưu
Theo quy định thì từ năm 2021, NLĐ đến tuổi nghỉ hưu sẽ vẫn được hưởng lương hưu ngay cả khi không đủ số năm đóng BHXH trong một số trường hợp đặc biệt sau:
- Bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn.
Trường hợp NLĐ phải nghỉ hưu sớm thì không được quá 5 tuổi so với NLĐ làm việc ở điều kiện lao động bình thường.
Đối với NLĐ về hưu trong điều kiện bình thường thì cần đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia đóng BHXH để được nhận lương hưu.
Nếu NLĐ không đáp ứng được điều kiện này, NLĐ có thể làm một trong ba cách sau đây khi chưa đủ năm đóng BHXH nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu:
1) Hưởng BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Căn cứ theo Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 quy định, NLĐ có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính từ 1,5 tháng đến 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tuy nhiên, khi nhận BHXH 1 lần NLĐ sẽ không được hưởng nhiều lợi ích như khi nhận lương hưu.
2) Đóng tiếp BHXH tự nguyện để nhận lương hưu. NLĐ có thể lựa chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện. Số năm tham gia BHXH tự nguyện cần đảm bảo đủ số năm tham gia BHXH còn thiếu để hưởng lương hưu. Với cách này NLĐ được lựa chọn mức tham gia và đóng theo hình thức 3 tháng, 6 tháng hoặc đóng theo năm. NLĐ được hưởng lương hưu và các lợi ích khác như hưởng chế độ tử tuất, hưởng BHYT.
3) Đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu. Mức hưởng lương hưu được tính theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, cứ mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%. Mức tối đa là 75%.
4) Tiếp tục ở lại làm việc cho đến đủ thời gian tham gia BHXH tuy nhiên chỉ áp dụng được cho những ai đang tham gia BHXH bắt buộc. Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì đối với NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Nhưng tuổi nghỉ hưu thực tế không quá 5 tuổi (5 năm) so với NLĐ làm việc ở điều kiện lao động bình thường.
Đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Phương thức đóng
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.
2. Riêng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ Điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), ngoài lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này còn được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu.
Ví dụ: Ông A. tính đến tháng 8/2024 đủ 60 tuổi và có 8 năm đóng bảo hiểm xã hội. Ông A. có nguyện vọng tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và lựa chọn phương thức đóng 2 năm một lần cho giai đoạn từ tháng 9/2024 đến tháng 8/2026.
Tháng 9/2026 ông A có đủ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội và đóng một lần cho 10 năm còn thiếu. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2026, ông A. 62 tuổi 1 tháng và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Thời điểm tính hưởng lương hưu của ông A. kể từ tháng 10/2026.
Theo đó, nếu đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần để đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, tuy nhiên số năm đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa là 10 năm.