Đến Quy Nhơn ăn bánh hỏi cháo lòng ngon... quên trời đất
Dù cùng họ với bún tươi nhưng bánh hỏi lại mang hương vị rất riêng của đất võ Bình Định. Đây là món ăn truyền thống ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Ẩm thực Bình Định rất phong phú, vừa rẻ, lại vừa ngon, đậm chất miền Trung nhất là các món ăn giản dị, mộc mạc. Đến với thành phố Quy Nhơn, bạn đừng quên ăn thử một đĩa bánh hỏi lòng heo để cảm nhận nét ẩm thực dân dã của vùng đất này.
Người dân xứ nẫu có thói quen ăn bánh hỏi bất cứ lúc nào trong ngày, có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn tối thậm chí là ăn trừ cơm, cũng vì lí do này mà món bánh hỏi ở đây có phần đặc sắc và được "chăm chút kỹ lưỡng" hơn những nơi khác.
Bánh hỏi là món ăn đơn sơ có mặt ở nhiều nơi dọc đất nước Việt Nam như Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Thuận. Theo những người dân địa phương kể lại, bánh hỏi ra đời từ rất xưa. Lúc món ăn này xuất hiện, nhiều người thấy lạ, nên ai cũng hỏi là bánh gì. Vậy là cái tên "bánh hỏi" ra đời từ đó.
Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Nhận thấy sợi bún lớn, ăn không ngon nên người thợ chế biến làm cho sợi bún nhỏ lại. Bánh hỏi và bún có cách chế biến tương tự nhưng bánh hỏi được làm cẩn thận và công phu hơn.
Bánh hỏi làm bằng bột gạo, mà phải là gạo tám thơm loại cũ mới ngon. Gạo vo kỹ, ngâm nước một đêm rồi vớt ra xay nhuyễn thành bột. Bỏ gạo vào họng cối, quay cối, cứ dăm ba vòng lại thêm một ít nước để cối khỏi "nghẹn". Bột nước là một hỗn hợp nước sền sệt. Bột nước cho vào bao vải khô, "đăng" cho ráo nước. Đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký gọi là "giảo" bột đưa vào khuôn ép thành bánh.
Khuôn bánh hỏi là khối ống bằng đồng, đường kính chừng bảy, tám phân, chiều cao chừng hai mươi phân. Phần miệng ống hơi loe để tựa vào bàn gỗ. Đáy ống có một rá dày chừng vài ly, có nhiều lỗ nhỏ, vừa cỡ kim may luồn qua được. Bánh hỏi ngon hay không phụ thuộc nhiều vào lá đồng này. Lỗ nhỏ quá, bột không qua, lỗ lớn quá sợi bánh sẽ lớn ăn không ngon.
Người làm bánh sẽ nhồi bột thành những "vặn" lớn, sau đó cho vào khuôn nhôm. Khuôn nhôm hình trụ, đáy có đục nhiều lỗ nhỏ. Khi ép, bột sẽ theo lỗ đổ ra thành sợi bánh. Người vắt bánh sẽ trải đều sợi bánh trên những tấm nan tre hình chữ nhật rồi đem hấp chín.
Bánh làm xong có thể ăn ngay nhưng không ngon lắm vì đó chỉ là tinh bột. Phải thoa đều dầu phụng lên miếng bánh để thêm chút vị béo, rắc thêm lá hẹ để tăng màu sắc. Ăn bánh hỏi mà không có lá hẹ thì coi như mất ngon. Lá hẹ chỉ ăn với bánh hỏi, không dùng cho các thứ bánh khác.
Vào bất kỳ một quán bánh hỏi nào ở Quy Nhơn, khi gọi món này bạn cũng sẽ được thưởng thức thêm hai món nữa, đó là cháo và lòng heo. Nên người dân địa phương thường hay nói đi ăn "bánh hỏi cháo lòng". Ăn kèm với thịt heo quay, thịt heo luộc, hay với lòng heo giúp món ăn trở nên béo bùi, và hấp dẫn hơn.
Cháo khá loãng, nấu bằng huyết ninh với thịt nạc băm vừa ngọt lại vừa thơm. Cháo là món đưa "trơn" mà không cần dùng rượu. Cạnh là đĩa lòng heo vô cùng hấp dẫn với những miếng gan dày, miếng dồi màu nâu, khoanh tròn bên cạnh những miếng tim deo dẻo, miếng cổ dai dai giòn giòn, và cả miếng bầu dục mong mỏng.
Một thứ quan trọng không kém làm hoàn thiện mùi vị món ăn và khiến nó trở nên độc đáo, riêng biệt, không hòa lẫn khiến du khách nhớ mãi đó là nước mắm chấm. Thông thường là nước mắm pha loãng cùng với ớt, tỏi, đường, chanh. Chính thứ nước chấm này làm cho bánh bớt khô ráp giúp dễ ăn và ăn được nhiều. Đó là cách ăn bình dị nhất. Cuốn vài miếng bánh hỏi, thịt heo luộc, rau sống cùng với bánh tráng mỏng đã nhúng nước rồi chấm mắm mới thấy cả tinh hoa ẩm thực một vùng miền đáng quý như thế nào.
Cầu kỳ hơn, bạn có thể vào nhà hàng chuyên phục vụ món bánh hỏi ở thị trấn Phù Mỹ. Nơi đây có hơn 10 món để bạn chọn lựa: bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi bò lụi, bánh hỏi gà lụi... tha hồ cho bạn chọn lựa thưởng thức.
Mảnh đất miền Trung đầy Quy Nhơn không chỉ làm hài lòng du khách với những thắng cảnh thơ mộng, thanh bình mà còn níu chân người đến với những món ăn ngon đến quên cả đất trời, thật đúng với cái tên "Người về".