Đêm tân hôn, con gái tôi gọi điện về khóc nức nở vì mẹ chồng vào phòng lấy hết sạch tiền vàng
Vẫn biết con gái gả đi mình không thể can thiệp quá nhiều, thế nhưng nghe tiếng con khóc mà lòng tôi xót xa.
Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng. Từ thuở xa xưa đến nay đây là việc mà tất nhiên sẽ diễn ra mà thôi. Ấy vậy nhưng phải đến lúc tận tay dắt con gái sang ở một nơi xa lạ thì những bà mẹ như tôi mới thấu hiểu hết được.
Đành rằng con mình gả được và nhà tử tế, chẳng cần người ta phải yêu thương con mình như con đẻ, chỉ cần họ đừng quá khắc nghiệt với dâu con đã là may mắn lắm rồi. Hoạ chăng nếu con gái mình chẳng may mắn như người ta mà rơi vào nhà họ cay nghiệt quá thì bậc làm cha làm mẹ biết đến bao giờ mới yên lòng.
Nhiều lúc, tôi thật lòng muốn giữ con gái ở cạnh càng lâu càng tốt. Có khi hàng xóm cũng nói này nói nọ đấy, nhưng tôi bỏ ngoài tai hết. Lấy chồng có phải canh bạc đâu phải cứ phải giục giã nhau, hay các ông các bà định thi đua ai lấy chồng sớm hơn? Bởi vậy mà hơn 28 tuổi, khi mà công ăn việc làm và mọi thứ của con gái đã ổn định, lúc này tôi mới thấy là thời điểm phù hợp để con bé lên xe hoa theo chồng.
Về phần chồng của con bé, tôi nhận là mình cũng có chút khó tính khi tiếp nhận thằng bé, thế nhưng suy cho cùng chỉ cần chúng yêu thương nhau là đủ rồi. Duy chỉ có bà thông gia luôn khiến tôi lấn cấn.
Một lần, trong lúc đang ăn bữa cơm ở nhà tôi, tôi thấy cậu con rể có điện thoại rồi xin phép ra ngoài nghe. Sau này thì nghe thấy dì út nhà tôi nhà ở sát vách kể lại hình như mẹ thằng bé có lằng nhằng chuyện tiền nong nên người ta gọi điện cho con trai để xác nhận.
Sau đó, tôi có nói lại với con gái nhưng con bé biết rõ vấn đề của gia đình chồng, thế nhưng vì thương yêu chồng nên con bé chấp nhận. Cụ thể như thế nào thì nhận thấy con gái không muốn nói sâu hơn nên tôi cũng chẳng hỏi.
Cuối cùng thì đám cưới cũng diễn ra, vợ chồng tôi có mỗi một mụn con nên cố gắng gom góp cho con bé ít của hồi môn gọi là làm vốn liếng cho vợ chồng chúng sau này bớt vất vả tí nào hay tí ấy. Tôi cũng bàn bạc với chồng, để một ít tiền tiết kiệm cho con rể. Thật lòng mà nói, càng tiếp xúc nhiều với thằng bé, thấy nó là đứa con ngoan ngoãn, cũng biết trước biết sau. Một cậu thanh niên chưa đến 30 tuổi mà đã phải gánh vác quá nhiều việc của gia đình, tôi lại càng lúc càng thương.
Ngày cưới, họ hàng bên tôi và nhà chồng đều dấm dúi cho con bé không ít của nả. Con gái tôi ngoan ngoãn từ bé nên ai cũng thương. Tôi thầm nghĩ trong bụng, dù tiền bạc không là tất cả nhưng ít nhất cũng là hành trang cho hai vợ chồng chúng bước những bước đầu tiên trong đời.
Thế nhưng không thể ngờ được, gần 3h đêm tân hôn, tôi khó ngủ nên cứ nằm trằn trọc thì bất ngờ nhận được cuộc gọi của con gái. Vừa bắt máy lên tôi đã nghe tiếng khóc thút thít nhưng vẫn cố gắng nhịn để không phát ra tiếng động quá lớn. Tôi cuống cuồng hỏi con làm sao, tôi chắc mẩm nếu con rể mà làm con gái tôi phải khóc trong đêm quan trọng như vậy thì sống chết thế nào tôi cũng sẽ đón con gái mình về.
Ấy vậy như câu đầu tiên con gái tôi lại bắt tôi phải hứa không được nói với con rể thì mới chịu kể chuyện gì đã xảy ra. Con bé sợ chồng mình biết chuyện sẽ buồn và thấy có lỗi với vợ cũng như gia đình vợ.
Hoá ra vừa kết thúc tiệc tùng, con gái tôi để tiền vàng trong tủ để đi tắm rửa thay đồ, không rõ vì lý do nào mà bà thông gia lại vào phòng cầm hết tiền vàng, của hồi môn, sổ tiết kiệm và phong bì mừng cưới của bạn bè vợ chồng con đi.
Con gái tôi ý nhị hỏi thì bà ấy quắc mắt nói rằng thuyền theo lái gái theo chồng, tiền của bây giờ phải đưa cho nhà chồng hết, không được giữ làm của riêng.
Tôi uất ức dâng lên tận cổ, ngay lập tức nhắn tin thông báo tình hình cho con rể, tôi tin thằng bé sẽ biết cách giải quyết sao cho hợp tình hợp lý nhất. Chỉ là con gái tôi thương chồng quá lại gặp phải chuyện chẳng bao giờ ngờ đến nên mới không biết phải làm sao.
Thật lòng, tôi cũng là mẹ, thương con cho con còn chẳng đủ, sao lại phải quá quắt với con cái mình như vậy làm gì?