Đêm 29 Tết, người Hà Nội đỏ lửa luộc bánh chưng trên vỉa hè, ngõ hẻm
Tận dụng vỉa hè, ngõ hẻm những ngày sát Tết vắng vẻ, nhiều gia đình gốc Hà Nội đã bắc nồi bánh chưng để nấu. Trong đêm cuối năm hình ảnh những nồi bánh chưng đỏ lửa sôi sùng sục thật ấm áp.
Giống như nhiều gia đình ở các miền quê khác nhau, rất nhiều người Hà Nội vẫn giữ được thói quen gói những chiếc bánh chưng ăn Tết thay vì đi mua. Thậm chí với nhiều người cao tuổi từng gắn bó với mảnh đất Hà thành mấy chục năm thì lại quan niệm rằng "Tết mà không tự tay gói và luộc bánh chưng thì kém vị".
Chính vì vậy, rất nhiều người dù bận bịu nhưng cũng dành thời gian tự tay gói những chiếc bánh theo đúng nguyện vọng.
Tại nhiều vỉa hè người dân tranh thủ tận dụng làm nơi luộc bánh chưng Tết.
Trao đổi với PV, cụ Huynh trú tại Đường Láng cho biết: "Dù thế nào đi nữa thì năm nào chừng 28, 29 Tết gia đình tôi vẫn cố gắng gói bằng được gần 20 chiếc bánh. Bánh gói ra phân phát cho 2 đứa con mỗi đứa 2 cặp xong để 2 ông bà cúng Tết. Tôi biết bánh bây giờ mua đâu cũng được và cũng rẻ lắm nhưng mình gói rồi luộc mới có không khí Tết".
Không giống như cụ Huynh, bác Tấn tại đường Kim Mã cho hay: "Trông bánh chưng đêm những ngày Hà Nội vắng ngắt cũng thích lắm và càng ý nghĩa hơn khi sáng sớm mai nồi bánh chưng gần 20 chiếc sẽ chín và đưa cho con cháu mỗi đứa vài cái ăn Tết".
Với quan niệm như vậy nên nếu dạo 1 vòng Hà Nội những dịp này, chắc chắn nhiều người sẽ bắt gặp nhiều nồi bánh đang đỏ lửa bên vỉa hè, bờ sông, con kênh hoặc ngỏ hẻm sâu hun hút...Bên cạnh đó là mọi người ngồi cạnh nhau trò chuyện.
Chiều tối 29 Tết, nhiều gia đình mới rảnh việc để chuẩn bị đồ đạc gói những chiếc bánh cho gia đình đón Tết.
Dù phụ nữ nhưng những chiếc bánh được gói khá vuông vức.
Nhiều người Hà Nội cho biết, sở dĩ thích tự tay gói bánh, luộc bánh chưng thâu đêm là thói quen mấy chục năm qua.
Thậm chí trên vỉa hè đường Láng, những nồi bánh chưng cao ngất, chứa vài chục cái nghi ngút khói.
Nồi bánh chưng được đậy nắp bằng 1 viên gạch cho chắc chắn và giữ được hơi tốt.
Để nồi bánh không bị cạn nước, người dân phải châm thêm nước nóng vào nồi bánh thường xuyên.
Cô Nguyễn Minh đang đun củi cho nồi bánh chưng tại đường Quan Hoa - cạnh bờ sông Tô Lịch.
Bánh được đun khoảng 15-18 giờ đồng hồ liên tục. Sau thời gian trên, thì nồi bánh được bắc ra...
Để bánh không bị mốc, bảo quan được lâu bánh sẽ được rửa qua nước lạnh.
Việc áp dụng phương pháp luộc bánh, rửa bánh, ngâm bánh trong nước lạnh như trên được người dân nắm trong lòng bàn tay từ thủa bé.
Sau khi bánh được vớt khỏi nồi, ngâm rửa nước lạnh xong sẽ được xếp ngay ngắn và ép cho ra hết nước để bánh chắc chắn, ngon hơn.