Để miễn nhiễm thị phi mà tập trung khôi phục tài chính sau Covid-19, dân công sở nên nắm rõ “3 câu hỏi của Socrates”
Phương pháp của Socrates là đặt ra một loạt các câu hỏi giúp một người hay một nhóm người xác định tính đúng đắn và sự chính xác của một thông tin.
Công sở được biết đến là môi trường khá đặc thù với nhiều kiểu người sở hữu những nét tính cách khác nhau. Tuy nép mình dưới một nét văn hóa chung của công ty; tuy nhiên, mỗi bộ phận, một hạng mục công việc đều có một màu sắc riêng.
Chính vì có nhiều kiểu người khác nhau cùng làm việc, nên “drama” và thị phi là điều rất khó có thể tránh khỏi. Thật sự không ngoa khi nói, thị phi đích thị là đặc sản của công sở và dù có kiểm soát tốt đến đâu, công ty nào cũng có “lời ra tiếng vào”, chỉ khác nhau ở chỗ ít hay nhiều mà thôi.
Tuy nhiên, trước tình hình hiện tại khi mà người người nhà nhà quay trở lại làm việc sau Covid-19, ưu tiên hàng đầu vẫn phải là khôi phục tài chính sau thời gian dài "ngủ đông", trong khi đó thị phi, drama công sở lại là vật cản rất lớn trên con đường đi đến mục tiêu "cao cả" này. Vì vậy, lời khuyên cho dân công sở là hãy tìm cách bài trừ, miễn nhiễm với mọi thị phi trong giai đoạn hậu Covid-19.
Nhưng bằng cách nào đây?
Thị phi thường bắt nguồn từ việc cái tôi cá nhân của mỗi người trong tập thể quá lớn dẫn đến việc không thể hòa hợp hoặc cũng có thể do cung cách ứng xử chưa thật sự mềm mỏng của một bộ phận nhân viên hay nhiều phần do việc giao tiếp giữa các cá nhân với nhau chưa thật sự hiệu quả dẫn đến những khúc mắt và hiểu lầm.
Những khúc mắc, hiểu lầm không được làm rõ và giải quyết một cách triệt để thường dẫn đến mâu thuẫn và rạn nứt như một xu hướng tất yếu. Thị phi là xấu và ai cũng muốn tránh né nhưng đâu là phương cách để dân công sở tăng sức đề kháng đối với những “drama” nơi công sở.
Câu chuyện về phương thức giao tiếp của triết gia lỗi lạc Socrates chắc chắn sẽ ít nhiều mang đến cho dân công sở những bài học sâu sắc về việc đánh giá cũng như xét đoán tính đúng đắn xoay quanh câu chuyện bản thân mình được nghe về những người vắng mặt:
Một ngày nọ, Socrates tình cờ gặp người quen, người đó tiến thẳng tới ông một cách phấn khởi và nói, “Socrates, ông có biết tôi mới nghe điều gì về một trong những học trò của ông không?”.
“Chờ một lát!” - Socrates đáp lại. “Trước khi ông bảo tôi, tôi muốn ông phải vượt qua một bài kiểm tra nhỏ. Nó được gọi là bài Kiểm tra về ba điều”.
- “Ba điều hả?”.
“Đúng thế”, Socrates tiếp tục. “Trước khi ông nói với tôi về học trò của tôi, hãy dành một lát để kiểm tra điều mà ông đang định nói”.
- “Bài kiểm tra đầu tiên là sự thật. Ông có hoàn toàn bảo đảm rằng điều ông dự định kể cho tôi là sự thật?”.
“Không”, người đàn ông nói, “Tôi chỉ nghe nói về nó”.
“Được rồi”, Socrates bảo. “Thế là ông không thật sự biết liệu nó đúng hay sai”.
“Giờ hãy thử bài kiểm tra thứ hai – kiểm tra về lòng tốt. Cái mà ông định kể cho tôi về học trò của tôi là điều tốt phải không?”.
- “Không, mà trái lại là đằng khác”.
“Vậy thì?”, Socrates hỏi. “Ông muốn kể cho tôi cái gì đó xấu về học trò của tôi, thậm chí ông không chắc là nó có thật phải không?”.
Người đàn ông nhún vai, với một chút xấu hổ. Socrates tiếp tục: “Nhưng ông vẫn có thể qua, bởi vì còn có một bài kiểm tra thứ ba – sàng lọc về lợi ích. Điều mà ông muốn kể cho tôi nghe về học trò của tôi sẽ hữu ích cho tôi không?”.
- “Không, không hẳn”.
“Được rồi”, Socrates kết luận. “Nếu điều ông muốn kể cho tôi không phải là sự thật, cũng không tốt mà cũng không hữu ích, vậy thì tại sao lại kể nó cho tôi?”.
Người đàn ông cảm thấy bị đánh bại và xấu hổ.
Phương pháp biện chứng của Socrates được gọi tắt là phương pháp Socrates, có thể được diễn tả như sau: Một loạt các câu hỏi được đặt ra giúp một người hay một nhóm người xác định tính đúng đắn và sự chính xác của một thông tin. Phương pháp này góp phần loại bỏ các giả thuyết gây mâu thuẫn và theo đó, người ta tìm ra các giả thuyết tốt hơn. Nó được đặt ra để người nghe buộc phải xem xét lại các thông tin thu thập được và tính đúng đắn của các thông tin đó.
Trong môi trường công sở, nơi những người vắng mặt thường là mục tiêu được mang lên “bàn mổ” để đánh giá, xét đoán và bàn tán thì phương pháp biện chứng của Socrates lại càng có giá trị hơn rất nhiều. Thị phi không tự sinh ra và mất đi, nó chỉ là kết quả của những kẻ vô công, rỗi nghề và lắm chuyện nơi công sở.
Né tránh thị phi là việc không hề đơn giản nhưng cũng không phải là thứ quá khó. Chúng ta chỉ cần bình tĩnh và sáng suốt trong giao tiếp cũng như cung cách ứng xử là đã có thể phần nào tránh được những “drama” không đáng có.
Vì một môi trường công sở lành mạnh và giữ trọn tinh thần, năng lượng tập trung khôi phục tài chính hậu Covid-19, hãy áp dụng phương pháp của Socrates mọi lúc, mọi nơi, anh chị em công sở nhé!