Để an toàn cho trẻ khi đi tiêm phòng vắc xin Quinvaxem
Cha mẹ nên nán lại 30 phút sau tiêm phòng để phòng trẻ bị sốc, đồng thời cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm, kiểm soát loại thuốc, quá trình tiêm.
Vẫn có những trường hợp sốc sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem
Vắc xin Quinvaxem còn gọi là vắc xin “5 trong 1” là vắc xin phối hợp gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib).
Tại Việt Nam hàng năm vẫn ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng sau sử dụng tiêm vắc xin Quinvaxem,
Theo BS Minh Tân, Bệnh viện Lâm sàng nhiệt đới Trung ương, trong thực tế thì vẫn xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng do trùng hợp ngẫu nhiên. Không có loại vắc xin nào tuyệt đối an toàn 100%. Tiêm vắc xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên, kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Cũng như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm, tùy theo cơ địa của từng người mà có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm vắc xin. Phản ứng này có thể là nhẹ hay nặng tùy từng trường hợp và tùy loại vắc xin.
Sau khi tiêm vắc-xin có thể có những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra và trẻ sẽ có những dấu hiệu nhận biết đó là trẻ sốt nhẹ hoặc trung bình 37,5 - 38 độ, xuất hiện sau khi tiêm vài giờ đến nửa ngày, thời gian sốt ít khi kéo dài quá 1 ngày. Hoặc sưng đỏ, đau chỗ tiêm chích, đau mỏi cơ khớp (trẻ nhỏ quấy khóc), nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đau và nổi hạch cổ, hạch nách… Thì các bậc cha mẹ cần nghĩ đến là có thể bị phản ứng sốc xuất hiện muộn sau tiêm phòng. Cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu hoặc dự phòng cấp cứu.
Theo các chuyên gia y tế dự phòng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sốc sau tiêm chủng là do phản ứng vắc xin, sai sót trong tiêm chủng, trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh tật có sẵn của trẻ, và phản ứng do tiêm. Tỷ lệ phản ứng nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng, phải nhập viện thường rất thấp, ít xảy ra. Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị kịp thời và thích hợp. Cũng có nhiều trường hợp tử vong vì lý do khác như trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác của trẻ tại thời điểm tiêm chủng.
Để an toàn cho trẻ khi đi tiêm chủng
Theo khuyến cáo các chuyên gia y tế phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần thông báo cho cán bộ y tế về các khuyết tật bẩm sinh, lịch sử sinh non, dị ứng hoặc bất kỳ phản ứng mạnh nào trong những lần tiêm vắc xin trước đó.
Ngoài ra, phụ huynh nên đặt yêu cầu xem vắc xin sẽ được dùng cho trẻ và thảo luận về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Sau khi tiêm phòng, các mẹ để trẻ lại các điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để giám sát tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra.
Giám sát trẻ trong vòng 24 giờ sau khi tiêm chủng tại nhà, nếu trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, phát ban, sưng tại chỗ thì không cần chăm sóc y tế.
Những trẻ không tiêm được vắc xin Quinvaxem
Không tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc xin viêm gan B.
Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ.
Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.
Lịch tiêm chủng 3 mũi vắc xin Quinvaxem là 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu liều vắc xin Quinvaxem nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Chú ý khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần (1 tháng).