Đây là thói quen ăn canh nguy hiểm của nhiều người Việt, hãy thay đổi ngay trước khi dạ dày, thực quản "rước" đủ thứ bệnh
Cơm và thức ăn là đồ khô còn riêng canh lại là đồ nước, việc ăn chung hoàn toàn có thể gây hại cho dạ dày. Các chuyên gia khuyến cáo, khi ăn canh cần tránh những sai lầm nguy hiểm sau.
Với người Việt Nam, "cơm lành" thì phải đi liền với "canh ngọt". Dù bữa cơm đơn sơ hay đầy đủ sơn hào hải vị thì cũng không thể nào thiếu một bát canh. Đặc biệt trong những ngày mùa hè, một bát canh cua rau đay, bát canh cá hay canh rau muống luộc dầm sấu... là đã đủ để có bữa cơm ngon, ngọt mát.
Tuy nhiên, cơm và thức ăn là đồ khô còn riêng canh lại là đồ nước, việc ăn chung hoàn toàn có thể gây hại cho dạ dày. Các chuyên gia khuyến cáo, khi ăn canh cần tránh những sai lầm nguy hiểm sau.
Thói quen ăn canh nguy hiểm mà người Việt thường cần tránh
Ăn cơm chan canh: Hại dạ dày
Ăn cơm chan canh tạo cảm giác mát mẻ và dễ nhai nuốt hơn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội): Nếu chan canh vào cơm thì sẽ khiến thức ăn bị đẩy xuống dạ dày quá nhanh. Thức ăn không được nghiền kỹ sẽ khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động nhiều hơn để xử lý, từ đó gây hại dạ dày. Ngoài ra, ăn cơm chan canh còn gây loãng dịch tiêu hóa khiến dinh dưỡng có trong thực phẩm được cơ thể hấp thụ ít hơn.
Giải pháp:
Theo PGS Thịnh, mọi người nên ăn cơm khô, nhai kỹ để bảo vệ đường tiêu hóa. Để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tốt nhất mỗi người nên uống nước hoặc nước canh trước khi ăn 30 phút.
Ăn canh quá nóng: Hại thực quản
Canh cua, canh cá... là những thực phẩm chỉ ngon khi được ăn lúc nóng hổi. Tuy nhiên, ăn canh quá nóng cực kỳ nguy hại đối với thực quản. Thực quản của chúng ta chỉ có thể chịu đựng được độ nóng khoảng 50-60 độ. Nếu vượt qua nhiệt độ này, niêm mạc dạ dày, thực quản sẽ bị tổn thương. Thậm chí, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tiêu thụ thực phẩm quá nóng có nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư khoang miệng, vòm họng.
Giải pháp:
Bạn không nên ăn canh vừa đem từ bếp xuống mà nên chờ để canh nguội bớt, trong khoảng 40-50 độ là có thể ăn được.
Chỉ ăn cái, bỏ nước: Lãng phí dinh dưỡng
Trong quá trình nấu canh, các protein, axit amin, peptide, vitamin B2, kali... có trong rau củ, thịt, cá sẽ được thôi ra phần nước. Nhiều người chỉ ăn cái bỏ nước khiến cho dinh dưỡng bị lãng phí.
Giải pháp:
Nếu bạn muốn ăn canh bổ dưỡng nhất, có thể hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng trọn vẹn thì cần phải ăn cả nước cả cái.
Cả gia đình ăn chung một bát nước canh: Lan truyền vi khuẩn HP
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) được xem là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày- tá tràng. Bình thường thì vi khuẩn HP không gây hại nhưng đối với những người bị viêm loét dạ dày thì vi khuẩn HP có thể gây ra tình trạng loét nặng hơn, lâu ngày có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.
Đáng nói, vi khuẩn HP rất dễ lây lan. Ngoài niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh. Vì thế thói quen chấm chung bát nước mắm, ăn chung bát canh (nhúng đũa ăn của mình vào bát canh) hoàn toàn có thể khiến cả gia đình nhiễm vi khuẩn của nhau.
Giải pháp:
Mỗi thành viên trong gia đình nên có riêng một bát canh. Nếu không, nên tránh dùng đũa của mình để gắp đồ ăn trong bát canh mà nên dùng muôi để múc riêng ra bát và từ từ thưởng thức.