Đây là những chiêu trò giúp các thương hiệu xa xỉ hốt bạc ở Trung Quốc
Nhằm tranh thủ tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng mạnh ở Trung Quốc, các thương hiệu hàng xa xỉ cũng chọn cho mình nhiều cách thức để có thể bán được hàng với giá cao.
Trang phục mặc đời thường đang là những sản phẩm mà các thương hiệu hàng xa xỉ khai thác tại Trung Quốc. Louis Vuitton, Chanel, Hermès và Dio là những thương hiệu hàng đầu đánh vào lĩnh vực này với những xu hướng riêng.
Danh mục sản phẩm của các thương hiệu này hướng tới nhu cầu giới trẻ như giày thể thao, các mặt hàng thời trang. Thêm vào đó, họ tích cực sử dụng sự bùng nổ của thương mại điện tử để bán hàng và quảng cáo nhằm tăng doanh số. Thậm chí, họ còn biến sản phẩm của mình trở thành biểu tượng cho sự xa xỉ của giới trẻ Trung Quốc cũng như một cách để thể hiện bản thân.
Ngoài ra, các thương hiệu xa xỉ còn sử dụng một biện pháp khác. Họ cho ra một số lượng hạn chế các sản phẩm trong một thời gian ngắn. Điều này tạo ra một cơn sốt và cho phép họ bán chúng với giá cao hơn. Bên cạnh đó, nó cũng tạo ra cho người mua cảm giác vội vã nếu không muốn lỡ mất cơ hội.
Chẳng hạn như trong năm 2018, thương hiệu xa xỉ Rimowa ra mắt một chiếc vali trong suốt phiên bản giới hạn và hợp tác cùng Off-White, một công ty bán hàng xa xỉ khác. Phối hợp quảng bá trên Weibo, nền tảng mạng xã hội được coi là Twitter của Trung Quốc, sản phẩm này luôn khan hàng dù được bán với giá gần 1.700 USD.
Trung Quốc là thị trường quan trọng cho cả hàng xa xỉ truyền thống cũng như các loại hàng dạo phố. Năm 2018, người Trung Quốc đã chi 115 tỷ USD để mua các mặt hàng xa xỉ, bao gồm cả những sản phẩm được bán ở Trung Quốc và nước ngoài.
Tuy nhiên, giá cao và sự khan hiếm các mặt hàng xa xỉ tạo cơ hội cho hàng giả xuất hiện trên thị trường Trung Quốc. Louis Vuitton được xem là nạn nhân lớn nhất. Năm 2018, thống kê cho thấy số sản phẩm nhái thương hiệu này chiếm tới hơn 1 nửa tổng số hàng giả được phát hiện trên thị trường Trung Quốc.
"Khi nhu cầu với hàng xa xỉ cao và chúng lại khan hiếm thì nguy cơ bị làm giả lớn hơn. Các thương hiệu thành công nhất là những người bị làm giả nhiều nhất. Vì vậy, họ phải thực sự chủ động cho việc bảo vệ chính mình", Elizabeth Flora, một chuyên gia về thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc, chia sẻ.
Trên thực tế, thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc vẫn sẽ phát triển mạnh bất chấp giá cao và các vấn đề liên quan đến hàng giả. Năm 2025, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chiếm 40% chi tiêu toàn cầu cho hàng xa xỉ. Tuy nhiên, nó cũng tạo áp lực cho các nhà sản xuất để theo kịp những đòi hỏi của xu thế này.