"Dạy con quản lý tài chính cá nhân" - Cuốn sách giúp cha mẹ nhắc khéo con Tết này giữ gìn tiền lì xì cẩn thận, đừng tiêu hoang
Trong mùa Tết này, thay vì để con phung phí tiền lì xì, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con áp dụng thử các phương pháp quản lý tiền bạc mà cuốn sách đã đề cập.
Tết đến, xuân về là khoảng thời gian mà trẻ nhỏ yêu thích nhất. Bởi trẻ không chỉ được mặc quần áo mới, ăn các món ngon mà còn nhận những phong bao lì xì từ người lớn. Đột nhiên trở thành "đại gia", nhiều đứa trẻ vì chưa biết cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý nên đã hoang phí tiền vào những thứ vô bổ.
Vậy nên cha mẹ cần sớm dạy con những khái niệm về tiền bạc, quản lý tài chính cá nhân. Việc làm này không chỉ để cho dịp Tết, mà còn là vì lợi ích cả đời của trẻ. Thực tế, biết và thực hành quản lý tài chính là bước đệm cần thiết để trẻ tự lập, thành công trong cuộc sống sau này.
Làm thế nào để dạy trẻ đúng cách? Về điều này, cha mẹ có thể tham khảo qua cuốn "Dạy con quản lý tài chính cá nhân" của tác giả Will Rainey. Rainey là một nhà văn, nhà tư vấn đầu tư từng đoạt nhiều giải thưởng. Đồng thời ông cũng là cố vấn đầu tư cho nhiều chính phủ, công ty bảo hiểm và một số chương trình hưu trí lớn nhất thế giới, đồng thời liên tục được mời làm diễn giả tại nhiều danh sách Fortune 500 (toàn cầu).
Cuốn sách "Dạy con quản lý tài chính cá nhân" khắc họa câu chuyện trở thành một trong những người giàu có nhất nước Mỹ của người đàn ông nọ. Thông qua những mẩu chuyện nhỏ đầy chân thực và thú vị, cả cha mẹ và trẻ đều có thể nhận ra những bài học quý báu về tiền bạc.
"Nếu ai đó nói với cháu có thể kiếm tiền nhanh, có thể họ đang lừa cháu đấy!"
Cuốn sách của Rainey gồm 5 chương: Chương 1 - Làm giàu không khó, chương 2 - Kiếm tiền, chương 3 - Quy tắc làm giàu, chương 4 - Để tiền sinh ra tiền và chương 5 - Giúp đỡ người khác.
Trước khi đi vào chương 1, Rainey nhắn nhủ, nếu ta coi tiền bạc là những hạt giống thì có thể trở nên vô cùng giàu có. Quan trọng là cần nắm chắc 3 quy tắc: "Thứ nhất, giữ lại một trong mười hạt giống mà con kiếm được. Thứ hai, gieo hạt giống đó xuống đất. Thứ ba, để yên cho cây của con phát triển".
Cuốn sách mở đầu với màn bắt nạt bạn bè của cậu nhóc 13 tuổi Boris Duckworth với cô bé Gail. Dù bị Boris đạp vỡ những chậu hoa yêu quý, Gail chẳng những không sợ hãi, mất bình tĩnh mà còn khiến chính kẻ bắt nạt phải ngồi xuống dọn dẹp các chậu hoa của mình.
Hai đứa trẻ dần dần nói chuyện, về việc bố mẹ của Boris thường cãi nhau về tiền bạc. Vì họ chưa từng được dạy về tiền và cũng chẳng buồn dạy Boris về điều này. Còn Gail, cô nhóc quyết định kể cho bạn nghe chuyện về ông nội - một trong những người giàu có nhất nước Mỹ và 3 quy tắc về tiền bạc của ông.
Cuốn sách là lời kể của cô bé Gail về hành trình làm giàu của ông nội và những bài học về tiền bạc mà em được ông dạy.
Thời trẻ, ông nội của Gail và nhiều người khác từng đổ xô đến một hòn đảo để đào vàng. Thực chất đảo chỉ có rất ít vàng, chẳng hề nhiều như một gã tên Sam tung tin đồn. Sam nói dối nhằm mục đích bán xẻng cho những người đến tìm vàng. Sau đó hắn đã giàu lên nhờ việc này.
Còn ông nội của Gail nhận ra những sự thật cay đắng để truyền lại cho con cháu: "Nếu ai đó nói với cháu có thể kiếm tiền nhanh, có thể họ đang lừa cháu đấy! Và nhờ lừa cháu, họ có thể kiếm bộn tiền". Cách những kẻ lừa đảo thành công là luôn đánh vào lòng tham của mỗi người.
Dù không đào được vàng nhưng ông nội của Gail lại khám phá ra các bí mật về tiền bạc và áp dụng nó vào cuộc sống.
Đó là khi ông nội của Gail nhận ra tầm quan trọng của việc giàu xổi và giàu bền vững. Dù ông không đào được vàng nhưng 1 gã tên Richie thì may mắn hơn. Gã đào ra kha khá và nhanh chóng giàu có. Nhưng vì thói tiêu hoang nên Richie giàu xổi nhanh chóng lâm cảnh túng quẫn.
Trong khi đó, ông của Gail quyết định trồng cây ăn quả với quy mô rừng để kiếm tiền theo cách bền vững. Khi ông phất lên cũng là lúc Sam "lụn bại". Bài học rút ra chính là: Đừng tiêu hết số tiền bạn có, thay vào đó hãy tiết kiệm và phát triển số tiền của bạn theo cách bền vững. Cũng chớ quên: Đừng làm việc chăm chỉ mà hãy làm việc thông minh!
Chớ coi thường, trẻ con cũng có thể khởi sự kinh doanh kiếm tiền
Dưới sự dạy bảo của ông nội, Gail kiếm được tiền từ khá sớm. Cô nhóc sáng tạo ra nhiều bức tranh và khung ảnh đáng yêu từ những cánh hoa, rồi bán lại cho đám trẻ trong lớp. Để có nguồn nguyên vật liệu ổn định, Gail quyết định tự trồng hoa. Rồi cô bé tiếp tục lấn sân, làm thêm cả nước hoa để xịt vào các trang sách, giúp mọi người có cảm giác thư giãn, dễ chịu khi đọc sách.
Dự án "khởi nghiệp" của Gail rất thành công, giúp cô bé kiếm được nhiều tiền trong suốt cả năm. Hóa ra không chỉ có người lớn, đến trẻ nhỏ cũng có thể khởi sự kinh doanh.
Để trở thành một trong những người giàu có nhất nước Mỹ, ông nội của Gail đã áp dụng 3 quy tắc, cũng chính là 3 quy tắc mà tác giả Rainey nhắn nhủ ngay trước khi bắt đầu chương 1.
Quy tắc đầu tiên: Để dành một trong mười hạt giống mà mình kiếm được, hiểu đơn giản là "tiết kiệm". Chẳng hạn kiếm được 10 đồng thì phải để ra được 1 đồng. Phải tiết kiệm trước, sau đó chi tiêu phần còn lại chứ không phải ngược lại.
Quy tắc thứ hai: Đó chính là gieo các hạt giống xuống, để nó lớn lên thành cây. Cái cây sẽ phát triển và bắt đầu tạo ra nhiều hạt hơn. Từ số hạt này, ta sẽ tiếp tục gieo trồng và có nhiều cây hơn, phát triển thành cả một khu rừng. Nói một cách dễ hiểu, đó chính là ta đem tiền tiết kiệm được đi đầu tư.
"Kẻ bắt nạt" Boris đã không giấu được sự phấn khích khi nghe Gail kể suốt những năm qua ông nội đã đầu tư tiền như nào, kiếm được lời lãi ra sao. Và chính cô bé Gail cũng trở thành một nhà đầu tư, khi từ năm 7 tuổi, dưới sự hướng dẫn của ông đã mua cổ phiếu của một hãng burger nổi tiếng.
"Cậu sở hữu một phần Burger Shack ư, tuyệt quá", Boris kinh ngạc thốt lên, và đó là lúc cậu nhóc được truyền thụ quy tắc thứ ba:
Hãy để cây cối của bạn phát triển: Gail được ông nội dạy rằng, muốn kiếm tiền phải kiên nhẫn. Rất nhiều người vì muốn nhanh chóng kiếm được tiền nên đã đi đường tắt, vì vậy gặp phải thất bại khi đầu tư. Chẳng những không giàu, họ còn nghèo đi, đó chính là dục tốc bất đạt. Bất cứ thứ gì đều cần thời gian, tiền sinh ra tiền cũng vậy!
Trong phần sau của cuốn sách, trẻ được nghe tiếp những câu chuyện đầy thú vị mà Gail kể lại cho Boris, về cách ông nội cô bé kiếm tiền qua những phương pháp nào. Gã Richie vì tham giàu xổi, không có tính kiên nhẫn nên đã mất trắng tiền ra sao, hay việc đừng nên dồn hết tiền vào một nơi,...
Cô bé Gail cũng kể cho Boris nghe về việc đi làm từ thiện của bản thân và nhắc nhở rằng: "Đừng bao giờ quên, dùng tiền để giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ chính mình".
Những bài học về tiền bạc trong cuốn "Dạy con quản lý tài chính cá nhân" khá to tát, nhưng lại được gửi gắm qua lời kể của con trẻ và những câu chuyện dễ hiểu, dễ hình dung.
Trong mùa Tết này, thay vì để con phung phí tiền lì xì, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con áp dụng thử các phương pháp quản lý tiền bạc mà cuốn sách đã đề cập.
Tên sách: Dạy con quản lý tài chính cá nhân
Tác giả: Will Rainey
Nhà phát hành: Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông 1980 Books
Hình thức: bìa cứng, giấy in đen trắng, có hình minh họa
Chấm điểm: 8/10