"Phụ huynh khôn ngoan giả vờ ngốc nghếch" - Cuốn sách khiến cha mẹ gật gù, hóa ra muốn con tài giỏi thì cần có mánh lới!
Viên Mai dạy con lấy sự lương thiện làm nền tảng, kiến thức là công cụ và đam mê là phương hướng, con đường phía trước sẽ vô cùng rộng mở.
Cha mẹ nào cũng yêu con, mong con lớn lên tài giỏi, thành đạt. Tuy nhiên tình yêu thương sai cách không khiến con tốt hơn, mà còn làm con... đi thụt lùi!
Chắc hẳn trong cuộc sống không ít lần chúng ta bắt gặp cảnh một ông bố vì thấy con làm bài tập lâu quá mà sốt sắng làm giúp. Hay một bà mẹ sợ con rửa bát làm rơi vỡ nên vội vàng đuổi con lên phòng ngồi, còn mình rửa luôn cho nhanh...
Hay một số cha mẹ sợ con "thua ở vạch xuất phát" nên cuống quít cho con đi học thêm hết thầy này đến cô kia. Hễ nghe ai mách "có thầy cô giỏi lắm" là họ lập tức đăng ký cho con học, chẳng hề tìm hiểu kỹ. Vẫn biết trách nhiệm của cha mẹ là luôn đồng hành, nâng đỡ con trên đường đời. Tuy nhiên không phải trách nhiệm nào cha mẹ cũng phải gánh vác.
Không phải cứ giám sát con mọi lúc, mọi nơi mới là tốt. Đôi khi, ta phải trở thành một bậc cha mẹ "ngốc nghếch", "lười biếng", dám áp dụng những quy tắc trái với lẽ thường thì con mới sống tự lập, trưởng thành khôn ngoan được.
Viên Mai, một bà mẹ "bỉm sữa" chính hiệu ở Trung Quốc đã làm được điều đó. Trong cuốn sách "Phụ huynh khôn ngoan giả vờ ngốc nghếch", cô đã chia sẻ lại hành trình nuôi dạy cậu con trai Vương Nhĩ Thanh, từ khi mang thai cho đến khi con bước vào tuổi dậy thì.
So với các cha mẹ khác, Viên Mai có rất nhiều quy tắc dạy con "ngốc nghếch", "trái với lẽ thường". Nhưng chính sự khác thường đó đã khiến Nhĩ Thanh trưởng thành tự lập, có thành tích nghệ thuật xuất sắc.
Thế nào là "cha mẹ ngốc nghếch", "ngốc ngếch" một cách "khôn ngoan"?
"Ngốc nghếch" không phải là khờ dại, mà là nuôi con có phương pháp. Sự "ngốc ngếch" ở đây không phải buông xuôi, mà là "mềm nắn rắn buông". Với Viên Mai, "ngốc nghếch" là:
Cái ngốc thứ nhất: Làm gì cũng cần chậm lại một nhịp, để con có cơ hội được phát huy khả năng của bản thân trước.
Cái ngốc thứ hai: Dạy con không so đo tính toán, khoan dung độ lượng.
Cái ngốc thứ ba: Dạy con biết nhường nhịn, lễ phép, khiêm tốn.
Cái ngốc thứ tư: Dạy con bớt sân si, làm việc bằng cả trái tim.
Cái ngốc thứ năm: Rèn luyện tinh thần tự chịu trách nhiệm, dám chịu thiệt thòi.
Cái ngốc thứ sáu: Bồi dưỡng cho con sự lương thiện, giúp đỡ người khác.
Cái ngốc thứ bảy: Kiên định tuân thủ nguyên tắc, vui vẻ, giàu lòng trắc ấn.
Cái ngốc thứ tám: Không so bì, tự biết tìm niềm vui, luôn hiếu kỳ với thế giới xung quanh.
Có thể thấy, làm một bậc phụ huynh "ngốc nghếch" chẳng hề dễ dàng. Tuy nhiên, suốt 18 năm đầu đời của Nhĩ Thanh, Viên Mai đã làm được điều đó.
Ngay từ trước khi con trai ra đời, Viên Mai đã có sự chuẩn bị rất kỹ. Với cô, sinh con không phải là sự bốc đồng chốc lát, mà là cả một "dự án" mang tính hệ thống. Nhất thiết phải suy nghĩ thật kỹ, phải chuẩn bị thật chu đáo, liệt kê danh sách những điều sắp tới. Những việc đó sẽ giúp "dự án" này vừa an toàn, vừa có trình tự hơn. "Sức khỏe của bạn có tốt không, bạn và người thân có đón chờ sự xuất hiện của đứa trẻ, có đủ kinh tế, có chịu thay đổi vì con",... đó là loạt điều mà cha mẹ cần cân nhắc trước khi đưa con đến thế gian.
"Đầu xuôi thì đuôi lọt", chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu đã giúp hành trình làm mẹ của Viên Mai dù vất vả những cũng êm đẹp, đúng lộ trình hơn.
Cuốn sách của Viên Mai gồm 6 chương.
Trên hành trình trưởng thành của con, cha mẹ cần tinh tế, cẩn thận và cả những "mánh lới"
Cuốn sách của Viên Mai chia làm 6 chương: Chương 1 - Những bài học trước khi sinh, Chương 2 - Khi trẻ tới thế gian. Chương 3 - Khi con đi học. Chương 4 - Tuổi dậy thì của trẻ. Chương 5 - Con đường chuyên nghiệp và Chương 6 - Xa rời vòng tay mẹ.
Mỗi chương tương ứng với một giai đoạn cuộc đời của cậu con trai Nhĩ Thanh, từ trước khi chào đời đến giai đoạn mầm non, tiểu học, tuổi dậy thì và chuẩn bị đi du học chuyên ngành Sáng tác Âm nhạc.
Viên Mai tâm lý, tinh tế và rất cẩn thận. Trước khi cho con xem một bộ phim hoạt hình nào, cô đều kiểm tra kỹ lưỡng, xem nó có phù hợp với con hay không. Bởi trí tưởng tượng và khả năng mô phỏng của trẻ rất tốt, bất kể là động tác hay lời nói, một khi trẻ đã học được rồi thì sẽ rất khó sửa lại. Với Viên Mai, trước khi con 6 tuổi, việc bồi dưỡng cho con một thế giới quan lành mạnh là vô cùng quan trọng.
Bà mẹ này cũng luôn cẩn thận mọi lời ăn tiếng nói của mình. Viên Mai không bao giờ cho rằng "trẻ con không biết gì". Vì trẻ thực chất biết nhiều hơn người lớn tưởng, chúng để ý, quan sát từng lời nói, hành động của ông bà, cha mẹ. Viên Mai cũng không dùng giọng trẻ con để nói chuyện với con, bởi trẻ hoàn toàn có thể nói chuyện với cha mẹ bằng ngôn ngữ bình thường.
Viên Mai cũng không bao giờ đánh con. Cô cho rằng việc trừng phạt con trẻ là một chiêu vô hiệu nhất. Khi bạn dùng vũ lực một lần, "tội danh" ấy sẽ không bao giờ "rửa sạch" được.
Trong cuộc sống, để đạt được thành công, người ta phải cần đến những mánh lới. Trong cả chuyện dạy con cũng không ngoại lệ!
Viên Mai khiến các bậc phụ huynh phì cười, thích thú trước những mánh lời mà cô sử dụng trong quá trình nuôi dạy Nhĩ Thanh, chẳng hạn như việc "lấy độc trị độc". Bà mẹ "bỉm sữa" từng bày trò... "bẫy con".
Khi thấy Nhĩ Thanh thích nghịch lửa đến nỗi thường xuyên bật bếp gas để xem ngọn lửa có thể bùng lên cao thế nào, Viên Mai đã bảo: "Từ sau này, bất kể việc gì liên quan đến lửa trong nhà sẽ do con làm, con sẽ trở thành "vua lửa". Nhĩ Thanh "tưởng bở", nhận ngay nhiệm vụ.
Từ đó, cứ hễ cần xào nấu thì Viên Mai sẽ gọi lớn "Nhanh đến châm lửa, mẹ cần nấu ăn rồi", thế là Nhĩ Thanh lập tức hớn hở chạy đến bật bếp gas giúp mẹ. Vậy nhưng việc bị mẹ sai bật bếp gas giúp liên tục trong 3 ngày (tất nhiên là có mẹ đứng bên cạnh) đã khiến cậu bé dần cảm thấy mệt, phiền và mất hết kiên nhẫn. Sau một tuần, Nhĩ Thanh chẳng còn hứng thú với việc bật bếp hay nghịch lửa nữa!
Hay Viên Mai cũng có một "mánh" khen ngợi con rất hiệu quả. Cô dùng những lời biểu dương khen ngợi để sửa lỗi cho con. Ví dụ như một việc gì đó chỉ có thể chấp nhận một cách miễn cưỡng thì khi ấy. Viên Mai sẽ khen rằng sự việc về cơ bản là được rồi, và cô sẽ kể ra từng ưu điểm một, nhưng sau đó cô sẽ dần chuyển sang nói các vấn đề tồn tại cho con hiểu:
"Nếu như ở chỗ này con làm như thế này thì sẽ hoàn hảo hơn nữa. Mẹ tin rằng lần sau con sẽ làm được tốt hơn". Lời góp ý dưới dạng lời khen của Viên Mai chẳng những không khiến Nhĩ Thanh mếch lòng mà còn làm cậu bé vui sướng ra mặt. Quả thật là một chiêu lợi hại!
Đừng bắt ép, học gì là do đam mê, quyền quyền quyết định của con
6 chương sách cũng khắc họa quá trình Nhĩ Thanh theo học âm nhạc và quyết tâm đi theo con đường chuyên nghiệp. Trong suốt hành trình đó, Viên Mai luôn ở bên, đồng hành cùng con, không chỉ là người mẹ mà còn là người bạn, người thầy.
Với bà mẹ này, hướng dẫn con tìm kiếm "niềm đam mê" mới chính là con đường trực tiếp dẫn tới tương lai. Viên Mai dạy con lấy sự lương thiện làm nền tảng, kiến thức là công cụ và đam mê là phương hướng, con đường phía trước sẽ vô cùng rộng mở.
Viên Mai từng cho con học violon ở trường, nhưng chỉ sau 1 tháng, cậu bé đã chạy về nhà khóc lóc sướt mướt, nói không muốn học nữa. Viên Mai chẳng mắng con, chỉ nói chẳng sao cả, không học nữa thì thôi. Đâu phải cứ biết chơi một nhạc cụ gì đó thì mới có thể sống tốt.
Khi Nhĩ Thanh bày tỏ nguyện vọng muốn chuyển sang học piano, Viên Mai liền đồng ý và giúp con tìm thầy tốt. Bà mẹ này ủng hộ con hết mực. Tuy nhiên chỉ sau 3 năm, khi tham gia một buổi hòa nhạc của học sinh THCS ở Bắc Kinh, Nhĩ Thanh đã "quay xe".
Cậu bé lại muốn học violon vì thấy tư thế kéo đàn nữ sinh cấp 2 nọ quá đẹp mắt. Nếu 3 năm trước, Nhĩ Thanh học violon vì được mẹ sắp xếp cho học thì 3 năm sau, Nhĩ Thanh mới có đam mê thực sự. Chính nhờ có đam mê mà Nhĩ Thanh học đàn tốt hơn hẳn, đạt được loạt thành tích.
Còn Viên Mai nhận ra, con trẻ có quyền quyết định hơn cha mẹ trong việc học gì và không học gì. Chúng ta không nên đem niềm yêu thích của mình áp đặt lên con cái, bắt con hoàn thành ước mơ của mình. Đam mê cũng là thầy giáo tốt nhất của con, có đam mê tất cả sẽ trở nên thuận lợi.
Sau này, Nhĩ Thanh học thêm soạn nhạc, trở thành học sinh dự bị ở Học viện Âm nhạc Juilliard - một trong 4 Học viện Âm nhạc "đỉnh" nhất thế giới, sau đó tiếp tục đi du học ở Anh.
Xuyên suốt cuốn sách, độc giả có khi bật cười thích thú trước những 'mánh" trị con của Viên Mai, cũng có khi lại trầm ngầm về những bài học mà bà mẹ này rút ra được. "Làm cha mẹ ngốc nghếch", tưởng ngược đời nhưng lại hiệu quả, tưởng đơn giản nhưng lại khó khăn, gian truân không ngờ.
Điều mà cha mẹ cần nhớ, đó là đừng căng quá mức với con, thay vào đó sự "mềm nắn rắn buông" sẽ là liều thuốc tốt!
Tên sách: "Phụ huynh khôn ngoan, giả vờ ngốc nghếch"
Tác giả: Viên Mai
Nhà phát hành: Công ty Cổ phần sách Alpha
Hình thức: Bìa cứng, nội dung sách in đen trắng
Đối tượng đọc: Các bậc phụ huynh
Chấm điểm: 9/10