Đây chính là điểm khác biệt của Nam Phương Hoàng hậu trong cách giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu

Kẹo ,
Chia sẻ

Tuy Nam Phương Hoàng hậu là người có học, nhan sắc lại được xếp top Đông Dương, lễ nghi, phép tắc luôn làm hài lòng mọi người, nhưng trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bà vẫn không tránh được những thiếu sót.

Nam Phương Hoàng hậu là vị Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. Tuy bà là người có học, nhan sắc lại được xếp top Đông Dương, lễ nghi, phép tắc luôn làm hài lòng mọi người nhưng trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bà vẫn không tránh được những thiếu sót. Đặc biệt là sự cách biệt lớn trong cách sống, lối suy nghĩ và môi trường lớn lên giữa Nam Phương Hoàng hậu và Từ Cung Thái hậu.

Nguyên nhân nảy sinh những cơn sóng ngầm giữa mẹ chồng nàng dâu

Khi vua Bảo Đại tuyên bố muốn kết hôn với cô gái Nguyễn Hữu Thị Lan (tên thật của Nam Phương Hoàng hậu), cả Từ Cung Thái hậu và triều đình Nguyễn đều không đồng ý. Vì rất nhiều lý do mà ngay từ ban đầu, khoảng cách mẹ chồng con dâu của họ đã rất lớn.

Cách nhà vua lấy được vợ rất ngược đời. Thời nay, việc thuyền theo lái gái theo chồng vẫn còn là thông lệ chứ đừng nói chế độ phong kiến xưa. Hơn nữa, Bảo Đại còn là bậc quân vương, chẳng cô gái nào là không mong mỏi được nhà vua để mắt tới. Vậy mà, Bảo Đại lại phải chiều theo tất cả những yêu cầu của nhà vợ để lấy bằng được cô gái Nguyễn Hữu Thị Lan. 

Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt của Nam Phương Hoàng hậu trong cách giải quyết mâu thuẫn với mẹ chồng - Ảnh 1.

Nam Phương Hoàng hậu trong ngày cưới

Nguyễn Hữu Thị Lan nhập cung với một vị thế vô cùng đặc biệt. Cô không phải cúi đầu, lại còn đưa ra cả mớ điều kiện mới chịu lấy Bảo Đại. Vị vua này cũng vì Thị Lan mà ra những điều lệnh trước nay chưa từng có như: tấn phong ngay Hoàng hậu, Bảo Đại phải phá bỏ tam cung lục viện, thực hiện chế độ một vợ một chồng, con trai nàng sinh ra phải được phong Thái tử. Trong khi trước kia, Từ Cung Thái hậu đến lúc mang thai con vua Khải Định mà vẫn bị hai bà mẹ chồng đánh đập dã man.Sau này, những phép tắc hay những lễ nghi trong cung Nam Phương Hoàng hậu cũng chỉ là miễn cưỡng thực hiện.

Còn về xuất thân và môi trường sống của Từ Cung Thái hậu và Nam Phương Hoàng hậu lại hoàn toàn trái ngược. Nếu con dâu được sinh trưởng trong gia đình khá giả, được đầu tư ăn học bài bản ở nước ngoài, được giáo dục theo cách thức phương Tây thì bà Từ Cung lại chỉ là con gái của một quan huyện bình thường. Bà có cuộc sống vất vả, khổ cực từ bé, để được ngồi ở vị trí đấy cũng là nhờ may mắn bà Từ Cung vào hầu cung vua mà mang thai rồng.

Nam Phương Hoàng hậu lấy vua Bảo Đại cũng được trao một số của hồi môn lớn, đồng thời vừa được vua sủng ái lại được người Pháp ủng hộ. Vị thế của nàng từ đó mà vững chắc khiến người là mẹ chồng như Từ Cung Thái hậu có phần yếu thế hơn. Hoàng hậu lại có tư tưởng phương Tây và cũng hậu thuẫn nhiều cho Bảo Đại nên khoảng cách mẹ chồng con dâu càng xa hơn.

Những cách giải quyết mâu thuẫn với mẹ chồng và lòng hiếu thuận của Nam Phương Hoàng hậu

Mâu thuẫn từ việc nuôi dạy con cháu

Những năm đầu cuộc hôn nhân, tình yêu của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu rất hạnh phúc. Vị vua trẻ luôn đưa vợ mình đi thăm thú hết nơi này đến nơi kia. Rồi Hoàng tử đầu tiên cũng ra đời trong niềm hân hoan của toàn Hoàng tộc nhà Nguyễn.

Ngay khi Thái tử Bảo Long ra đời, Nam Phương Hoàng hậu đã âm thầm kín đáo hướng con trai theo truyền thống nhà mình. Là cháu đích tôn của dòng tộc Nguyễn nên Thái tử Bảo Long vẫn được định hướng giáo dục theo tinh thần trong Hoàng cung. Mặc dù Nam Phương Hoàng hậu thật tâm không muốn điều đó nhưng vẫn ngoan ngoãn chấp thuận để Từ Cung Thái hậu vui lòng. Đằng sau thì lại ngấm ngầm tìm lý do hạn chế cho Thái tử tham gia nhiều nghi lễ của Hoàng cung. Vấn đề này Từ Cung Thái hậu cũng nắm bắt được nhưng vì Nam Phương Hoàng hậu quá khéo léo và cũng không có những hành động chống đối nên bà không có lý do gì để bắt bẻ con dâu.

Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt của Nam Phương Hoàng hậu trong cách giải quyết mâu thuẫn với mẹ chồng - Ảnh 2.

Từ Cung Thái hậu còn bắt cháu nội đeo những vật dụng trừ tà, những đạo bùa cầu an. Trong chuyện này, Nam Phương Hoàng hậu lại thẳng thắn cấm đoán mẹ chồng.

Bà Từ Cung không những là mẹ chồng Nam Phương mà còn là Thái hậu của một nước nên Hoàng hậu không thể cãi lại hay hành xử tùy tiện. Vì thế cô đã nghĩ ra một cách rất độc đáo.

Nam Phương Hoàng hậu dạy con trai tiếng Pháp từ khi Bảo Long còn nhỏ và đây cũng chính là ngôn ngữ mẹ con họ hay trò chuyện với nhau. Mặc dù Từ Cung Thái hậu rất khó chịu khi mình không thể hiểu con dâu và cháu nói những gì, cũng từ đó mà mất phương hướng trong việc dạy dỗ cháu trai. Nhưng ở thời bấy giờ, tiếng Pháp được ưa chuộng. Sớm biết tiếng Pháp cũng rất thuận lợi cho con đường công danh của Thái tử sau này. Đó cũng là lý do mà mẹ con Nam Phương Hoàng hậu nói chuyện với nhau thoải mái bằng tiếng Pháp mà không sợ ai phàn nàn.

Mẹ chồng công khai yêu quý phụ nữ khác của con trai

Khi bất lực với Nam Phương Hoàng hậu, Từ Cung Thái hậu coi Mộng Điệp - người tình ngoài Hà Nội của vua Bảo Đại như con dâu chính thức mặc dù không có giấy hôn thú. Ngoài việc Mộng Điệp là người luôn kề cận chăm sóc vua Bảo Đại, được ông sủng ái, sinh con cho nhà vua, có một điểm nữa khiến Thái hậu hài lòng là bà "thứ phi" này rất "ngoan". Thêm nữa, vì không có danh phận nên bà rất nghe lời Thái hậu và được Thái hậu yêu quý, tin tưởng.

Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt của Nam Phương Hoàng hậu trong cách giải quyết mâu thuẫn với mẹ chồng - Ảnh 3.

Chân dung bà Mộng Điệp

Từ Cung Thái hậu đã giao việc thờ cúng tổ tiên cho "thứ phi" Mộng Điệp. Nhờ làm tốt nhiệm vụ mà tình cảm giữa Từ Cung Thái hậu và "thứ phi" Mộng Điệp rất tốt đẹp. Thái hậu thậm chí còn ban mũ áo cho "thứ phi" để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc cúng tế.

Nhưng có vẻ việc này cũng không khiến Nam Phương Hoàng hậu bận tâm. Bà thờ ơ trong những cuộc cúng tế không khác gì việc chấp thuận Mộng Điệp thay mình hoàn thành những thiếu sót. Dù chính Nam Phương là người ép Hoàng thượng từ bỏ chế độ đa thê nhưng bà lại miễn cưỡng chấp nhận sự có mặt của Mộng Điệp trong cung. Có lẽ một phần vì Mộng Điệp có thể làm những việc Từ Cung Thái hậu mong muốn, từ đó cũng bớt gây áp lực hơn cho Nam Phương. Một phần vì Mộng Điệp là phụ nữ khéo léo, khiêm nhường và rất biết phép tắc nên Nam Phương Hoàng hậu chịu "chung sống hòa bình" bởi không ảnh hưởng quá lớn đến mình. Không chỉ riêng trong chuyện này, Nam Phương là người phụ nữ mạnh mẽ, luôn biết buông bỏ những thứ không phù hợp và không thể mang đến hạnh phúc cho mình.

Dù không mấy hợp nhau nhưng Nam Phương vẫn làm tròn bổn phận làm dâu khi thời gian Bảo Đại vi vu hết Hong Kong rồi đến Pháp, bà chăm sóc rất chu đáo cho mẹ chồng mình là Từ Cung Thái hậu. Chính vì vậy, dù có những xung đột khó tránh nhưng Từ Cung Thái hậu vẫn không quá khắt khe với con dâu.

Nguồn: "Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn" (Phạm Khắc Hòe), "Hỏi chuyện đời bà 'thứ phi' Mộng Điệp với Cựu hoàng Bảo Đại" (Nguyễn Đắc Xuân), "Chuyện nội cung cựu hoàng Bảo Đại" (Nguyễn Đắc Xuân).

Chia sẻ