Đầu tháng 11, gửi tiền ngân hàng nào để có lãi suất cao nhất?

Thu Thủy,
Chia sẻ

Hiện chỉ một số ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất trên 7%/năm mà không yêu cầu số tiền gửi phải hàng chục, hàng trăm tỷ đồng...

Trong tháng 10, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân với biến động trái chiều. Một số ngân hàng như Sacombank, Eximbank điều chỉnh tăng,…trong khi nhiều ngân hàng khác như NamABank, SHB, LienVietPostBank…. điều chỉnh giảm.

Theo khảo sát, lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay là 7,1%/năm. Trong đó, nhiều ngân hàng như Techcombank, MSB, ACB,… chỉ áp dụng mức lãi suất này cho khách hàng gửi số tiền hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Như Techcombank cho biết, lãi suất đặc biệt 7,1%/năm áp dụng cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và cam kết không tất toán trước hạn. ACB công bố lãi suất tiền gửi 7,1%/năm kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi trên 30 tỷ đồng. MSB thì có áp dụng lãi suất 7%/năm với điều kiện khách hàng gửi từ 200 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng.

Tuy nhiên, nếu chỉ có số tiền nhỏ vài trăm triệu đồng, người gửi vẫn có thể lựa chọn một số ngân hàng nhỏ khác để hưởng lãi suất trên dưới 7%/năm.

Cụ thể, hiện NamABank đang áp dụng lãi suất 7,1%/năm cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi tiết kiệm theo hình thức trực tuyến qua ngân hàng điện tử. Ngoài ra, với kỳ hạn 12 tháng -15 tháng, lãi suất cũng thuộc nhóm cao nhất thị trường với 6,9%/năm.

Nhiều ngân hàng khác cũng niêm yết mức lãi suất cao nhất 6,9%-6,95% có thể kể đến VietCapitalBank (kỳ hạn 24 tháng), SCB (kỳ hạn từ 15 tháng trở lên khi gửi online),…

LienVietPostBank cũng có mức lãi suất 6,99%/năm, HDBank 6,85%/năm, MB (6,8%);...nhưng đi kèm một số điều kiện chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi, thường chỉ áp dụng cho các khoản tiền hàng trăm tỷ đồng.

Ở mức lãi suất 6,7%-6,8%/năm thì có Kienlongbank (kỳ hạn 15 tháng trở lên), BaoVietBank (kỳ hạn từ 13 tháng trở lên), BacABank (kỳ hạn từ 15 tháng trở lên),…không yêu cầu số tiền gửi lớn.

Hiện "Big 4" ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) cùng một số ngân hàng lớn như Techcombank, MB,… đang niêm yết lãi suất ở mức thấp nhất hệ thống.

Hiện lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của Vietcombank, Agribank, BIDV đều là 5,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, trong khi VietinBank cao nhất là 5,6%/năm. Ngoài ra, nếu gửi tiết kiệm online, khách hàng có thể được cộng thêm lãi suất từ 0,1%/năm đến 0,3%/năm.

Lãi suất của Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) cũng ở mức tương đương với nhóm "big 4". Hiện lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Còn tại Techcombank, ngoài mức lãi suất đặc biệt nói trên, lãi suất của nhà băng này thuộc mặt bằng thấp nhất. Chẳng hạn, phải gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng, số tiền từ 3 tỷ đồng mới được hưởng lãi suất 5,5%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng thường và số tiền gửi dưới 1 tỷ, lãi suất chỉ ở mức 5%/năm, thấp hơn cả "big 4".

Trước đây, khi bước vào những tháng cuối năm, ngân hàng thường đua nhau tăng lãi suất và tung ra các chương trình ưu đãi để thu hút người gửi tiền, huy động vốn đáp ứng đợt kinh doanh cao điểm cận Tết. Tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, dưới tác động của dịch Covid-19, lãi suất huy động liên tục xuống thấp và ít biến động trong những tháng cuối năm. Theo nhiều chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ ổn định trong những tháng cuối năm 2021 nhằm duy trì điều kiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Tuy nhiên, lãi suất huy động cũng có thể sẽ tăng cục bộ ở một số ngân hàng bị thiếu hụt thanh khoản. Trên thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2021, một số ngân hàng đã ghi nhận khách hàng rút ròng tiền gửi.

Tại Sacombank, tiền gửi của khách hàng giảm hơn 9.100 tỷ đồng, tương đương giảm 2,1% trong 9 tháng đầu năm xuống còn 418.839 tỷ đồng. Hay tại ABBank, tiền gửi khách hàng giảm tới 7,5%, tương đương giảm hơn 5.400 tỷ đồng xuống còn 67.054 tỷ đồng. Một ngân hàng nữa là SeABank cũng ghi nhận tiền gửi khách hàng giảm trong 9 tháng đầu năm, giảm hơn 2.800 tỷ xuống 110.440 tỷ đồng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 8/2021, tiền gửi của dân cư tại hệ thống TCTD đạt hơn 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,95% so với đầu năm. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử thống kê về tiền gửi kể từ năm 2012 đến nay.

Chia sẻ