Đau đầu vì "khô hạn", nhiều chị em khóc thầm khi "chuyện ấy" thành nỗi ám ảnh

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Hóa ra đây không chỉ là vấn đề của chị em khi bước vào tiền mãn kinh!

Huyền (49 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bị khô âm đạo khi bước vào tiền mãn kinh, gây đau rát khi quan hệ. Cô mất tự tin, dần tránh gần gũi chồng, dẫn đến xa cách trong hôn nhân.

"Chị cảm thấy mình không còn hấp dẫn nữa, cứ gần chồng là đau và ngại", Huyền tâm sự. Tình trạng này khiến cô căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về sức khỏe và hôn nhân của mình.

Đau đầu vì

Lan (35 tuổi, nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội) bị khô âm đạo sau sinh con thứ hai. Cô mất hứng thú, né tránh quan hệ vì đau và tự ti về bản thân. "Mình ngại nói với chồng, sợ anh ấy nghĩ mình không còn yêu nữa", Lan thổ lộ.

Điều này khiến Lan áp lực, lo lắng về hạnh phúc gia đình. Vừa chăm con nhỏ, vừa đối mặt vấn đề này làm cô mệt mỏi, thêm stress.

Theo ThS.BS Phạm Minh Ngọc (Phó Giám đốc Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội), khô âm đạo là tình trạng có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và giai đoạn cuộc đời của phụ nữ.

Vì sao chị em lại bị khô âm đạo?

ThS.BS Phạm Minh Ngọc cho biết, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng bôi trơn tự nhiên của âm đạo:

- Thay đổi hormone: Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe mô và độ ẩm tự nhiên của âm đạo. Nồng độ estrogen thấp, như trong thời kỳ mãn kinh, sau sinh hoặc khi đang cho con bú, thường dẫn đến khô âm đạo.

- Thuốc: Một số loại thuốc như thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc tránh thai nội tiết có thể làm giảm độ ẩm của mô âm đạo.

Đau đầu vì

- Yếu tố lối sống: Hút thuốc lá, mất nước hoặc căng thẳng cũng có thể góp phần gây khô âm đạo.

- Mắc các bệnh lý: Những tình trạng như hội chứng Sjögren hoặc các phương pháp điều trị như hóa xạ trị ung thư, có thể làm giảm khả năng bôi trơn.

- Chất gây kích ứng bên ngoài: Các loại xà phòng mạnh, thụt rửa hoặc sản phẩm vệ sinh có hương liệu có thể gây rối loạn sự bôi trơn tự nhiên.

Làm thế nào để cải thiện tình trạng khô âm đạo?

Bạn cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này và khám phá các giải pháp khác nhau. Chuyên gia gợi ý:

1. Uống đủ nước

Duy trì lượng nước cần thiết là cách đơn giản để giữ độ ẩm cho cơ thể, bao gồm cả bôi trơn âm đạo. Mất nước có thể làm tình trạng khô trở nên tồi tệ hơn. Hãy uống ít nhất 1,5-2 lít nước mỗi ngày.

Đau đầu vì

ThS.BS Phạm Minh Ngọc.

2. Chọn đúng loại chất bôi trơn

Các loại chất bôi trơn có sẵn tại hiệu thuốc có thể mang lại sự thoải mái tức thì khi quan hệ tình dục. Nên chọn chất bôi trơn gốc nước hoặc gốc silicone vì chúng an toàn và tương thích với bao cao su. Tránh những loại có glycerin hoặc hương liệu, vì chúng có thể gây kích ứng mô nhạy cảm.

3. Sử dụng kem dưỡng ẩm vùng kín

Khác với chất bôi trơn dùng trong quan hệ tình dục, kem dưỡng ẩm này được bôi thường xuyên để cải thiện độ ẩm và độ đàn hồi theo thời gian. Chúng đặc biệt hữu ích nếu tình trạng khô kéo dài.

4. Cân bằng nội tiết tố

Nếu nguyên nhân là do nồng độ estrogen thấp, liệu pháp hormone là lựa chọn đầu tay. Estrogen dạng bôi âm đạo (dạng kem, gel, xịt, vòng hoặc viên đặt) giúp tập trung tác dụng đến khu vực cụ thể với ít tác dụng phụ toàn thân hơn so với đường uống. Tuy nhiên cần tầm soát sức khỏe, tình trạng ung thư trước khi dùng liệu pháp hormone.

Đau đầu vì

5. Giảm căng thẳng

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cơ thể, bao gồm cả việc giảm bôi trơn âm đạo. Thực hành chánh niệm, yoga hoặc tham gia các buổi trị liệu tâm lý có thể giúp quản lý mức độ căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

6. Tránh các chất gây kích ứng

Sử dụng các loại xà phòng nhẹ, không mùi để vệ sinh và tránh thụt rửa hoặc các sản phẩm chứa cồn có thể làm khô vùng âm đạo.

7. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Chị em nên duy trì ăn uống cân bằng với các thực phẩm giàu axit béo omega-3, vitamin E và phytoestrogens (có trong đậu nành). Chúng có thể hỗ trợ sức khỏe âm đạo rất tốt. Omega-3 đặc biệt giúp tăng cường màng tế bào và duy trì độ ẩm.

Khô âm đạo: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu tình trạng khô hạn kéo dài và gây khó chịu nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hãy đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể kiểm tra các nguyên nhân tiềm ẩn và đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp với nhu cầu của bạn.

Chia sẻ